Trường học không giảng viên, không bục giảng

13/11/2018 20:00 GMT+7

Cách mạng công nghiệp 4.0 thách thức mọi khái niệm về giáo dục truyền thống. Và, Học viện CNTT Intek vừa ra mắt tại TPHCM đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn về một lớp học với giảng viên, bục giảng tồn tại bao đời nay.

Trường học “lạ”
Cuối năm 2016, một trường ĐH vô cùng đặc biệt ra mắt tại Mỹ đã làm xôn xao nền giáo dục ở nước này - trường học có tên 42, một chi nhánh của Học viện 42 tại Pháp, đào tạo khoảng 1.000 sinh viên mỗi năm về mã hóa và phát triển phần mềm.
Các nhà sáng lập Học viện 42 tuyên bố, phương pháp học tập của nơi này sẽ bù đắp được những nhược điểm trong hệ thống giáo dục truyền thống, vốn biến sinh viên thành các đối tượng tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Sinh viên được chọn các đề tài dự án, chẳng hạn như vào vị trí một của một kỹ sư phần mềm để thiết kế nên một trang web hoặc một trò chơi máy tính. Họ hoàn thành dự án thông qua sử dụng các nguồn tài nguyên miễn phí, sẵn có trên internet và sự giúp đỡ của các bạn học đang mày mò bên cạnh, trong một căn phòng lớn chứa đầy máy tính.
Học viên Intek trò chuyện cùng đại diện doanh nghiệp
Học viên Intek trò chuyện cùng đại diện doanh nghiệp
Cũng tương tự như vậy, học viên của Trường CNTT Intek sẽ được tiếp cận với môi trường công nghệ theo một cách mới mẻ, thậm chí là khá lạ lẫm với số đông người Việt. Thay vì đến lớp và tiếp nhận kiến thức qua bài giảng, họ sẽ được “lăn lộn” vào môi trường làm việc thực tế, được chọn các đề tài dự án, chẳng hạn như vào vị trí một kỹ sư phần mềm để thiết kế nên một trang web hoặc một trò chơi máy tính. Công việc của họ là phải hoàn thành dự án thông qua sử dụng các nguồn tài nguyên miễn phí, sẵn có trên internet và kho tài liệu, chia sẻ mà nhà trường cung cấp. Những giảng viên sẽ đóng vai trò như người tham vấn, người đồng hành hướng dẫn học viên giải quyết vấn đề trong dự án của chính họ.
Biến những bài giảng khô khan thành sân chơi kỹ thuật số sống động, giúp học viên được tiếp cận và tự mình nghiên cứu những dự án thực tế như một kỹ sư thực thụ với độ khó tăng dần sẽ là cách tốt nhất để học viên hoàn thiện các kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý dự án, giao tiếp, tư duy phản biện, kỹ năng lãnh đạo, ra quyết định… song song với việc nắm chắc kiến thức chuyên môn. Toàn bộ tài liệu đào tạo của trường được sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh sẽ là cơ sở nền tảng giúp học viên dễ dàng vượt qua rào cản ngôn ngữ, tiếp cận với những kiến thức công nghệ mới trên thế giới.
Học để thích nghi sự thay đổi
Ông Phan Chính (áo trắng) cùng học sinh của học viện Intek
Ông Phan Chính (áo trắng) cùng học sinh của Học viện Intek
Ông Phan Chính, CEO Học viện Intek chia sẻ: “Sức mạnh của Intek là không đào tạo theo xu hướng mà trang bị cho sinh viên bộ công cụ giúp sinh viên thích nghi với mọi thay đổi. Chúng tôi không dạy học viên của mình cách học thuộc bài mà dạy cho họ cách tự học, tự chuyển động, nắm bắt thông tin. Vì dù dạy phần mềm mới nhất thì không ai dám chắc rằng liệu sau 2 năm, 4 năm phần mềm đó có bị thay thế hay chưa. Chúng tôi muốn dạy cho các em bộ công cụ để em thích nghi với mọi thay đổi, tự giác nâng cao kiến thức của mình dể vượt qua mọi thách thức, nhất là thách thức từ chính bản thân mình”.
Ông Phan Chính khẳng định không muốn tạo nên 1 tấm bằng đẹp đẽ để học viên treo lên tường mà muốn cung cấp cho học viên cơ hội trở thành nguồn nhân lực mà các công ty phải săn lùng, tìm kiếm”. Đây cũng chính là cơ sở để Học viện Intek cam kết việc làm với mức lương từ 1.200 USD/tháng sau khi ra trường đối với những học viên tốt nghiệp loại B+ (tương đương học lực Khá).
Thời gian theo học dự kiến của mỗi học viên là 2,5 năm. Trong đó, ở mỗi năm học, học viên sẽ có các kỳ thực tập khác nhau ở các công ty công nghệ hàng đầu, kỳ thực tập ngắn nhất là 4 tháng. Ở năm học đầu tiên này, Intek đã nhận được hơn 1.200 hồ sơ đăng ký tham gia học. Tuy nhiên, chỉ có 34 học viên được nhận vào học sau khi trải qua 1 kỳ thi kéo dài 2 tuần. Đặc biệt là toàn bộ học viên được nhà trường đào tao đã được các công ty như Siemens, Vietjet, L inkbynet, FPT software, KMS technology, Amaris, Gameloft... rất quan tâm.
Dựa theo báo cáo của Vietnamworks, ngành CNTT đang trong giai đoạn phát triển nóng, ước tính có khoảng 80.000 nhân lực ngành này ra trường trong năm 2017. Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả số đó làm việc đúng ngành, toàn ngành CNTT vẫn thiếu tới 70.000 nhân sự vào cuối năm 2018. Do đó, được đào tạo trong một môi trường hiện đại và khác biệt tạo nên những nền tảng vững chắc, các học viên tại Intek sau khi ra trường có cơ hội tiến sâu hơn vào ngành CNTT đầy thử thách nhưng đang rất khát các nhân sự giỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.