Trường học không nước sạch, không nhà vệ sinh

09/09/2017 09:01 GMT+7

Ở huyện vùng cao Tu Mơ Rông (Kon Tum), có hàng chục điểm trường không có nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh, không có nước sạch sinh hoạt.

Mưa đục, nắng khô
Sáng nào đến điểm dạy, việc đầu tiên của cô Nguyễn Thị Kiều Trinh, giáo viên trường mầm non ở làng Tu Mơ Rông, H.Tu Mơ Rông, là đến nhà một người dân cách trường 300 m, mở van đường ống cho nước dẫn từ con suối trên núi cao chảy về để nấu ăn và vệ sinh cho 20 cháu ở đây. Chỉ cho chúng tôi xem cái vòi nước tự chảy này, cô cho biết có hôm bị rác chui vào, ống dẫn nước bị nghẽn, hôm đó cả cô trò không có nước sinh hoạt.
“Các cháu mầm non bán trú, không có nước sinh hoạt là không gì khổ bằng. Vừa rồi, lớp mầm non được xây mới nhà vệ sinh, có bồn rửa mặt, 2 bệ cầu hẳn hoi, nhưng không có nước nên chỉ... làm cảnh cho vui. Tụi em phải xách từng xô nước vào để vệ sinh cho các cháu”, cô Trinh kể.
Thầy A Vóp, Hiệu phó phụ trách Trường dân tộc bán trú tiểu học Tê Xăng, cho hay gần 10 năm nay trường không có nước sạch mà phải dẫn từ suối về dùng cho uống, ăn, tắm, giặt. Mà nước đầu nguồn thường có trâu, bò đồng bào thả rông ở đó, rất mất vệ sinh. “Nước cứ mưa thì đục, nắng thì khô. Mùa nắng, nước đầu nguồn cạn, không dẫn vào đường ống được nên mấy cô giáo viên trẻ đành đợi trời tối là xuống suối Đăk Xông tắm như các sơn nữ Xê Đăng xứ này”, thầy A Vóp kể.
Đến Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Văn Xuôi, nước sinh hoạt của 19 giáo viên và 62 học sinh bán trú cũng không khá hơn. Ở đây, không có nguồn nước suối, giáo viên phải đào giếng dùng chung với dân. Có điều, do giếng đào ở chỗ trũng nên cứ mưa lớn là nước tràn về đây, mang theo cặn, rác và cả thuốc bảo vệ thực vật từ các đồng ruộng.

Đi vệ sinh thì... vào rừng
Đến Trường phổ thông dân tộc bán trú - THCS xã Văn Xuôi, khi hỏi nhà vệ sinh, Phó hiệu trưởng Trần Mạnh Thùy chỉ vào mấy tấm tôn dựng lên ở bụi lồ ô um tùm. "Mùa nắng, vắt núi nhiều lắm, học sinh, giáo viên trường mình đi vệ sinh ở đây phải rất cẩn thận, kẻo bị chúng bám vào hút máu thì khổ!", thầy Thùy kể. Theo thầy Thùy, trước đây trường có nhà vệ sinh, nhưng xây đã mấy mươi năm rồi, nay xuống cấp trầm trọng, không ai dám vào vì sợ bị sập, rất nguy hiểm.
Đó cũng là tình cảnh chung của các trường học ở H.Tu Mơ Rông. Ông Lê Văn Hoàn, Trưởng phòng Giáo dục H.Tu Mơ Rông, cho biết đến thời điểm hiện tại vẫn còn 80/90 điểm trường thiếu nước sinh hoạt, 90 điểm trường chưa có nhà vệ sinh, sân chơi, hàng rào. "Năm vừa rồi, chúng tôi cố gắng lắm mới làm tạm 140 nhà vệ sinh che bằng tôn tại các điểm trường để các em sử dụng tạm", ông Hoàn nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vương Văn Mười, Phó chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, cho biết trong năm 2017 và 2018, huyện sẽ bố trí 5,5 tỉ đồng để xây nhà vệ sinh trường học. Tuy nhiên, "về nước sinh hoạt thì các xã, các trường phải tự vận động, hiện địa phương chưa có nguồn kinh phí nào để xây dựng", ông Mười cho hay.

tin liên quan

Cẩn trọng với 'bẫy' xếp hạng đại học
Sự kiện một nhóm chuyên gia độc lập công bố bảng xếp hạng đại học VN gây tranh luận mới đây không chỉ vì là bảng xếp hạng đầu tiên trong nước, mà còn thể hiện nhu cầu “khát” xếp hạng đại học trong đời sống xã hội. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.