|
Tiếng gọi của biển đảo
Nguyễn Lý Duy Quang (20 tuổi) đang là sinh viên (SV) năm 1 ngành điện tử - viễn thông của một trường ĐH ở TP.HCM. Khi giấy gọi nhập ngũ báo về, thay vì chỉ cần nộp giấy chứng nhận SV để tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, Quang quyết định đăng ký nhập ngũ. “Học trễ vài năm cũng tiếc thật, nhưng đi lính tôi sẽ được rèn luyện để trưởng thành hơn”, anh nói.
Tháng 12.2013, có đợt tuyển lính ra đảo, Quang cũng đăng ký nhưng không được chọn. Dù vậy, ước mơ được đặt chân ra Trường Sa của Quang cũng thành hiện thực khi anh được chọn vào tổ hậu cần phục vụ cho những chuyến tàu ra đảo.
Còn Trịnh Lương Duy (20 tuổi) lại tình nguyện ra đảo vì lý do khác. Bố là cựu sĩ quan hải quân nên những câu chuyện thú vị của bố về đảo, về cuộc đời lính biển làm Duy rất tò mò… Vì vậy, đang là SV năm thứ 2 tại Học viện Quân sự, thấy trường có suất ra đảo Sơn Ca (Trường Sa), Duy lập tức đăng ký xin đi một năm. Hành trang Duy mang theo ra đảo Sơn Ca ngoài vật dụng cá nhân còn là một đống sách toán, lý, hóa… “Mình mang theo để ôn lại kiến thức, giúp đồng đội luyện thi đại học”, anh cho biết.
Sống trên đảo, vào mùa khô, khẩu phần nước của mỗi chiến sĩ chỉ có 8 lít/ngày gồm cả tắm, giặt. Vì thế, tắm phải đứng trong thau để tận dụng nước đó giặt đồ. Nước xả ra, tiếp tục được tận dụng để tưới cây… “Đang ở đất liền sung sướng, xung phong ra đảo chi cho cực vậy?”, tôi hỏi. “Mình muốn đi để được trải nghiệm những câu chuyện của bố. Ngày xưa, bố đi hải quân cực hơn bây giờ gấp trăm lần, đi rồi mình càng thấy cảm phục và thương bố hơn”, Duy tâm sự.
Trưởng thành
Từ anh chàng “lười biếng” (mùng mền không xếp, chén bát không rửa, áo quần không giặt, nhà cửa không dọn dẹp...), đi lính được một năm Quang rắn rỏi, tháo vát hơn nhiều. Trên chuyến tàu HQ-571 thăm các chiến sĩ Trường Sa, nhiệm vụ của Quang là chế biến thức ăn, mỗi ngày Quang cùng đồng đội dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị đồ ăn, dọn dẹp vệ sinh và chỉ đi ngủ khi bữa ăn khuya kết thúc vào khoảng 22 giờ. “Bây giờ chuyện gì mình cũng có thể làm từ nấu ăn, giặt giũ cho đến cầm súng và cả... đánh đàn nữa. Mai mốt về, chắc ba mẹ sẽ ngạc nhiên lắm”, anh khoe.
Cũng trên con tàu HQ-571, mọi người trong đoàn đều mến anh lính trẻ Hồ Minh Hiếu (23 tuổi), Tiểu đội pháo Lữ đoàn 146, đẹp trai và hiền như cục đất. Nhưng chẳng ai biết Hiếu có một tuổi thơ khá “lẫy lừng”. THCS bị lưu ban đến hai năm vì ham phá làng phá xóm, đánh lộn, đua xe hơn ham học. Chính mẹ Hiếu cũng xỉu lên xỉu xuống không biết bao nhiêu lần vì đứa con ngỗ nghịch. Tốt nghiệp trung cấp ngành điện lạnh, đi làm gần được một năm, Hiếu quyết định đăng ký tình nguyện nhập ngũ để tự rèn luyện bản thân.
Ngày trước ở nhà, làm điều gì lầm lỗi cha mẹ cũng bỏ qua. Còn trong quân đội với kỷ luật sắt, làm sai sẽ bị phạt nên tính Hiếu đằm hẳn ra, sống có kỷ luật hơn. Ngày xưa, đi làm có lương bao nhiêu Hiếu ăn chơi, nhậu nhẹt hết chẳng giúp gì được cho gia đình. Vào quân ngũ, suy nghĩ của anh thay đổi hẳn. “Ba mẹ tôi bây giờ sức khỏe đã yếu nhiều. Đầu năm 2015 tôi sẽ xuất ngũ. Có lẽ tôi sẽ đi xuất khẩu lao động, kiếm chút vốn về lo cho cha mẹ và tương lai của mình”, anh chia sẻ.
Thủy Tiên
>> Những chàng trai tình nguyện nhập ngũ
>> Thanh niên nô nức lên đường nhập ngũ
>> 560 thanh niên lên đường nhập ngũ
>> Hàng ngàn thanh niên nhập ngũ
>> Hàng ngàn thanh niên lên đường nhập ngũ
>> Hơn 9.500 thanh niên lên đường nhập ngũ
Bình luận (0)