Xin thưa: Quảng Ngãi bây giờ có di tích Trường Lũy bắt đầu nổi tiếng, nhưng biển Đông - trong đó có vùng biển Việt Nam - đã có một phần biển thuộc Quảng Ngãi từ ngàn đời. Và cũng từ bao đời nay, những ngư dân Quảng Ngãi, đặc biệt là ngư dân đảo Lý Sơn chính là “trường lũy hòa bình” trên biển Đông. Ngư dân ra khơi là để đánh cá, nhưng khi họ đánh bắt hải sản trên những ngư trường truyền thống nằm trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam, thì chính những ngư dân đã mạnh mẽ khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển Đông. Bằng những hoạt động sản xuất và khai thác hợp pháp, lương thiện và hòa bình, ngư dân Quảng Ngãi đã thể hiện sức mạnh tiềm ẩn qua bao đời của những “biệt đội Hoàng Sa” thuở trước.
Ngày Thơ Quảng Ngãi năm nay lấy tên “Trường lũy biển Đông” là nhằm biểu dương, kết nối sức mạnh lòng yêu nước của người dân Quảng Ngãi nói chung, của ngư dân Quảng Ngãi nói riêng trong suốt hành trình bảo vệ và giữ yên từng tấc đất tấc biển, từng rạn san hô từng bãi cát vàng trên những quần đảo cùng vô vàn tài nguyên trong lòng biển của Tổ quốc.
Thơ là của cả nhân loại, nhưng thơ Việt vẫn có nét đặc thù của nó, bởi nó không ra ngoài số phận của đất nước Việt và của dân tộc Việt. Thơ Việt yêu nước một cách tự nhiên, như “Từ thuở mang gươm đi mở cõi” nó đã là như vậy. Thơ Việt đồng hành với người Việt yêu nước, đồng hành với người lính Việt dầm sương dãi gió hy sinh vì dân vì nước. Dù thơ Việt đương đại có phát triển tới đâu, thì nó vẫn là tiếng nói của tâm hồn người Việt, nó thăng trầm cùng số phận người dân Việt, và trong những lúc tận cùng cơ cực nó vẫn cất cao lên “tiếng sắt tiếng đồng” của một tình yêu mãnh liệt và không khoan nhượng: tình yêu đất nước.
Có gì như tương đồng, tương tác giữa số phận những ngư dân Việt lênh đênh ngoài biển cả và những nhà thơ Việt lênh đênh trong cuộc sống hằng ngày. Họ mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc, họ đối mặt với những hiểm nguy hữu hình và vô hình, nhưng họ biết xả thân vì biển và vì nước. “Trường lũy biển Đông”, vì vậy, đã giăng sừng sững trong tâm hồn mỗi người dân Việt, mỗi ngư dân Việt và mỗi nhà thơ Việt. Chúng ta tự hào vì điều đó. Từ nhiều năm nay, Ngày Thơ ở Quảng Ngãi là “ngày của lòng yêu nước”, ngày biểu dương, kết nối lòng yêu nước từ mọi con người yêu thơ, yêu đất, yêu biển và yêu nước. Và bên cạnh thơ, âm nhạc cũng luôn đồng hành với những người yêu nước, và đồng hành với thơ. Tất cả làm nên một bản giao hưởng vừa hào hùng, xúc động vừa mênh mang những bi thương, kiêu dũng.
Đó là một ngày thơ mang tính giáo dục cao, và giáo dục bằng chính nghệ thuật của lòng yêu nước.
Thanh Thảo
Bình luận (0)