Trường 'ma' liên kết ở VN: Bộ và các sở GD-ĐT có vai trò gì ?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
16/04/2018 08:04 GMT+7

Con đường liên kết với các trường ở VN mà Trường George Washington International School (GWIS) thực hiện hầu như chỉ có một kịch bản hợp tác cùng sở GD-ĐT với sự đồng ý của Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh...

Triển khai ở nhiều tỉnh, thành
Sau khi triển khai tại Trường tiểu học - THCS - THPT Newton (Hà Nội) thành công từ năm 2012, ông Philip Nguyen, Chủ tịch GWIS bắt đầu kế hoạch triển khai chương trình này ở nhiều tỉnh, thành.
Việc ký kết hợp tác giữa Sở GD-ĐT Phú Yên và GWIS từng được Báo Phú Yên bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật nhất của tỉnh năm 2017. Lễ ký kết này diễn ra ngày 23.12.2017. Sau đó, GWIS được triển khai dạy tại Trường tiểu học Âu Cơ và THCS Hùng Vương (TP.Tuy Hòa). Học sinh (HS) học toán, ngữ văn, các môn khoa học bằng tiếng Anh, thời lượng 8 - 12 tiết/tuần, cấp song bằng, học phí 2 - 2,5 triệu đồng/tháng/HS.
Ngày 13.9.2016, UBND tỉnh Bình Định cũng ban hành Văn bản số 3996/UBND-VX về việc triển khai chương trình với GWIS tại tỉnh Bình Định. Ban đầu, chương trình này dạy tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Quy Nhơn). Đầu năm 2018, toàn bộ HS theo chương trình của GWIS tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt được chuyển về học tại trụ sở riêng của GWIS (27 Mai Xuân Thưởng, TP.Quy Nhơn). Học phí từ 2,2 - 2,8 triệu đồng/tháng/HS.
Ngày 6.6.2017, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng ban hành Công văn số 4285/UBND-KGVX, gửi Sở GD-ĐT về việc xét đề nghị Công văn số 778/SGDĐT-GDTrH ngày 30.5.2017 xin chủ trương triển khai chương trình Trường phổ thông quốc tế George Washington tại tỉnh Đắk Lắk. Năm học đầu tiên 2017 - 2018, có 550 HS (thuộc các khối lớp 1, 2, 3, 6 và 7) của Trường tiểu học - THCS - THPT Victory đăng ký học.
Ở Quảng Ngãi, năm học 2016 - 2017, GWIS tuyển được 70 HS theo học ở 7 khối lớp (từ lớp 1 - lớp 7). Đặc biệt, năm học 2017 - 2018, chương trình của GWIS có 100 HS, tổ chức giảng dạy ngay tại Trường THPT chuyên Lê Khiết.
Ngày 19.9.2016, UBND tỉnh Tiền Giang cũng ban hành Công văn số 4278/UBND-VHXH về việc chấp thuận chủ trương cho triển khai chương trình GWIS tại Tiền Giang theo đề nghị của Sở GD-ĐT.
Tại TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu..., tính chung trên 10 tỉnh, thành có chương trình của GWIS liên kết với sự cho phép của các cơ quản quản lý nhà nước về giáo dục cũng như chính quyền địa phương.
Bộ đồng ý, sở triển khai
Hoạt động của Trường GWIS ở nhiều tỉnh, thành VN đều được sự cho phép của Bộ GD-ĐT. Ở các tỉnh, Bộ cũng có công văn gửi các sở GD-ĐT để đồng ý cho phép trường này hoạt động.
Chẳng hạn, theo công văn của Bộ GD-ĐT gửi Sở GD-ĐT Bình Định do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 24.8.2016, Bộ đồng ý về nguyên tắc việc Sở GD-ĐT Bình Định hợp tác với Trường GWIS mở các lớp học môn toán, khoa học, tiếng Anh và tìm hiểu văn học nước ngoài bằng tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông của Mỹ trên cơ sở tích hợp với chương trình giáo dục phổ thông của VN...
Chiều 12.4, trao đổi với báo chí, bà Bùi Thị Minh Nga, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng cho biết, theo phân cấp quản lý, khi thực hiện một chương trình quốc tế đào tạo tại VN, Bộ
GD-ĐT quyết định đồng ý về nguyên tắc cho cơ sở giáo dục được lựa chọn bộ môn để giảng dạy thí điểm song ngữ cho HS có nhu cầu tự nguyện của nhà trường. Bộ GD-ĐT giao Sở rà soát nội dung và chương trình giảng dạy để đảm bảo mục tiêu giáo dục và không có nội dung truyền bá tôn giáo, và sai lệch về chính trị. Trách nhiệm quản lý của Sở là đảm bảo nội dung giảng dạy của các cơ sở giáo dục đúng như nội dung đã trình bày trong đề án; kiểm tra giám sát và tiếp nhận báo cáo định kỳ của các nhà trường trong thời gian thực hiện thí điểm; quản lý tính pháp lý của chương trình và những thay đổi (nếu có).
Như vậy, rõ ràng trong câu chuyện liên kết với trường “ma” GWIS, Bộ GD-ĐT có vai trò hết sức quan trọng. Với quy mô đào tạo ở nhiều tỉnh, thành của VN, chương trình này ảnh hưởng rất lớn đến việc học của hàng ngàn HS. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy Bộ GD-ĐT cùng các sở liên đới có động thái rõ ràng, mạnh mẽ để giải quyết và đảm bảo quyền lợi của người học.
Trường hợp nào công nhận bằng cấp của nước ngoài ?
Việc công nhận văn bằng của người VN do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT (do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 20.12.2007) và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT (Bộ GD-ĐT ban hành ngày 15.7.2013) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 77.
Văn bằng của người VN do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong một số trường hợp như sau: Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại VN, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của VN, hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng.
Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.

Phụ huynh cho con học vì Bộ GD-ĐT và các sở cấp phép
Nếu chúng ta chưa nói đến động cơ của nơi đứng ra liên kết thì rõ ràng điều quan trọng ở đây là cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT) không đủ năng lực để lọc, ngăn chặn được những trường hợp tương tự như thế này. Khi các doanh nghiệp, trường học nước ngoài vào VN thì người VN chỉ nhìn vào giấy phép của cơ quan quản lý VN. Việc phụ huynh đăng ký học cho con, trường học liên kết với GWIS đều nhìn vào sự cấp phép của các sở GD-ĐT cũng như Bộ GD-ĐT.
TS Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN)
Cơ quan quản lý phải nhận trách nhiệm
Với tư cách là một phụ huynh HS, chúng tôi rất mong muốn con em được theo học các chương trình thực sự có chất lượng theo dạng du học tại chỗ. Tuy nhiên, vì không phải ai cũng có đầy đủ thông tin để biết chương trình mà chúng tôi gửi con em vào đó là thật hay giả nên rất cần các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc quản lý, giám sát, kiểm tra sát sao. Chúng tôi rất phẫn nộ về cách làm ăn dẫn tới nghi án bằng giả trường “ma” lần này. Mong quý vị trả lời cho mọi phụ huynh và HS biết rõ thông tin và nhận trách nhiệm trước công luận và pháp luật.
Ngọc Chinh (Phụ huynh ở Hà Nội)
Cần trả lời công khai trước dư luận
Đại diện Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội, đại diện lãnh đạo trường con chúng tôi đang học có chương trình GWIS cần phải trả lời dư luận công khai tất cả những thắc mắc của phụ huynh, HS và tất cả những phụ huynh đang quan tâm. Ai vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho con chúng tôi?
(Một phụ huynh có con theo học chương trình liên kết Trường tiểu học - THCS - THPT Newton tại Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.