Sáng 26.9, ngày thứ 6 xét xử sơ thẩm, HĐXX của TAND TP.HCM bắt đầu xét hỏi 9 bị cáo trong nhóm tội danh vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD (tương đương 106.730 tỉ đồng), trong đó có bị cáo Trương Mỹ Lan.
Cáo trạng thể hiện, bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là người chủ mưu, các bị cáo khác có vai trò thực hành, giúp sức cho hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới của Trương Mỹ Lan.
Theo hồ sơ vụ án, từ 2012 - 2022, mỗi khi cần tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trịnh Quang Công (cựu Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn quản lý Acumen) phối hợp Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula), Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, được Lan giao quản lý các công ty nước ngoài, đang yêu cầu tương trợ tư pháp xác minh đối tượng này nhưng chưa có kết quả) lập các hợp đồng "khống" giữa các công ty "ma" tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Trương Mỹ Lan chuyển hơn 106.000 tỉ ra nước ngoài bằng cách nào?
Thông qua các hợp đồng "khống" này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Tổng số Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỉ USD, tương đương 106.730 tỉ đồng.
Làm theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan
Tại tòa, bị cáo Trịnh Quang Công khai, từ tháng 7.2020 - 10.2022 bị cáo đã chuyển tổng cộng 1,8 tỉ USD và nhận từ nước ngoài về 1,4 tỉ USD, tương đương với 34.000 tỉ đồng. Bị cáo phụ trách 7 công ty, hầu hết các công ty đang là chủ đầu tư các dự án tại TP.HCM và Long An.
Theo Trịnh Quang Công khai, ban đầu bị cáo làm việc trực tiếp với bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB), nhưng sau đó làm việc với bị cáo Lan. Riêng ông Chiu sẽ thỏa thuận, làm việc với phía nước ngoài để ký hợp đồng. Đồng thời, thực tế không phát sinh giao dịch thật nào với công ty ở nước ngoài.
"Sau khi hoàn thiện các hợp đồng "khống", sẽ chuyển cho SCB các chi nhánh làm thủ tục giải ngân. Trong các hồ sơ có những hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng phần vốn góp từ bên nước ngoài chuyển về là không thực hiện được. Anh Trương Khánh Hoàng là người ký duyệt hồ sơ cho nhân viên SCB thực hiện lệnh chuyển tiền. Bị cáo tin tưởng anh Khánh Hoàng là người của SCB nên nghĩ việc mình làm là đúng pháp luật. Nhưng sau này khi làm việc với cơ quan điều tra mới hiểu hành vi của mình là sai", Trịnh Quang Công khai.
Bị cáo Tô Thị Anh Đào (cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) khai được giao phụ trách sổ sách 2 công ty. Năm 2022, theo chỉ đạo, bị cáo liên hệ luật sư Chiu Binh Keung Kenneth lấy giấy phép công ty nước ngoài làm hợp đồng bổ sung vay vốn kinh doanh 40 triệu USD để cho các cổ đông vay ngược lại.
Khi được hỏi ai là người chỉ đạo làm hợp đồng này, bị cáo Đào khai: "Chị Trương Mỹ Lan là người chỉ đạo việc lập hồ sơ khống để chuyển tiền đi và về. Chị Lan gọi điện thoại chỉ đạo. 40 triệu USD bị cáo chuyển cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan) theo chỉ đạo của chị Lan. Lúc đó bị cáo không biết các hợp đồng là khống, bị cáo chỉ nghĩ đơn thuần là hợp đồng vay vốn, chuyển nhượng cổ phần thôi".
Cáo trạng xác định, Tô Thị Anh Đào đã cùng đồng phạm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 99 triệu USD, tương đương với 2.445 tỉ đồng (chuyển đi 59 triệu USD, tương đương 1.467 tỉ đồng; nhận về 40 triệu USD, tương đương 978 tỉ đồng).
Ký duyệt lệnh chuyển và nhận tiền, không nắm nghiệp vụ
Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) khai tại tòa, từ năm 2013 - 2020, bị cáo đã ký duyệt 6 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài hơn 712 tỉ đồng thông qua các hợp đồng "khống". Sau này làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết việc chuyển tiền ra nước ngoài là sai quy định.
Chủ tọa hỏi: "Bị cáo là lãnh đạo ngân hàng, sao có thể không biết được". Bị cáo Bùi Anh Dũng trả lời: "Có nhân viên các khối làm thủ tục, tin tưởng anh em nên bị cáo cứ ký duyệt 6 hồ sơ chứ bị cáo không nắm về nghiệp vụ, quy định. Lúc ký duyệt hồ sơ, bị cáo không biết công ty này thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát".
Tương tự, bị cáo Trương Khánh Hoàng cũng khai từ ngày 15.5.2021 đến ngày 12.8.2022, đã ký duyệt 38 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài với tổng 929 triệu USD, tương đương 21.810 tỉ đồng và nhận 1,9 tỉ USD, tương đương 47.392 tỉ đồng từ nước ngoài chuyển về (106 giao dịch). Các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều do các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện thông qua các loại hợp đồng "khống".
Theo Trương Khánh Hoàng, các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài do bị cáo ký duyệt đều không đủ điều kiện chuyển tiền. Đối với các giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam mặc dù thiếu thông tin về mục đích chuyển tiền, bị hệ thống tự động khóa, bị cáo vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hạch toán vào tài khoản của khách hàng nhận tiền.
"Bị cáo nhận chỉ đạo của chị Trương Mỹ Lan về việc chuyển tiền ra nước ngoài, và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam. Bị cáo không biết các hợp đồng được làm thế nào", Trương Khánh Hoàng khai.
Bình luận (0)