Ngày 26.9.2024, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Hội đồng xét xử bắt đầu xét hỏi Trương Mỹ Lan (68 tuổi, là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 8 bị cáo trong nhóm tội danh vận chuyển trái qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD (tương đương 106.730 tỉ đồng).
Trương Mỹ Lan chuyển hơn 106.000 tỉ ra nước ngoài bằng cách nào?
Cáo trạng thể hiện, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu. Các bị cáo khác có vai trò thực hành, giúp sức cho hành vi "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2012 đến năm 2022, mỗi khi cần tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo bị cáo Trịnh Quang Công (là cựu Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn quản lý Acumen) phối hợp với bị cáo Nguyễn Phương Anh (là cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, thuộc "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát) và luật sư Chiu Bing Keung Kenneth lập các hợp đồng "khống" giữa các công ty "ma" tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Bị cáo Trương Mỹ Lan: ‘Lãnh đạo SCB cần tiền, bị cáo sẽ nhờ nước ngoài cho vay’
Ông Chiu Bing Keung Kenneth là người được bị cáo Trương Mỹ Lan giao quản lý các công ty nước ngoài, hiện đang yêu cầu tương trợ tư pháp xác minh đối tượng nhưng chưa có kết quả.
Thông qua các hợp đồng "khống", tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng TMCP Sài Gòn (tức SCB). Hồ sơ vụ án xác định, tổng số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỉ USD, tương đương 106.730 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Trịnh Quang Công khai nhận, từ tháng 7.2020 - 10.2022, bị cáo đã chuyển tổng cộng 1,8 tỉ USD và nhận từ nước ngoài về 1,4 tỉ USD (tương đương với 34.000 tỉ đồng). Bị cáo Công được giao phụ trách 7 công ty, hầu hết các công ty đang là chủ đầu tư các dự án tại TP.HCM và Long An.
Theo bị cáo Trịnh Quang Công, ban đầu bị cáo làm việc trực tiếp với bị cáo Trương Khánh Hoàng (là cựu quyền Tổng giám đốc SCB), nhưng sau đó làm việc với bị cáo Trương Mỹ Lan. Riêng ông Chiu sẽ thỏa thuận, làm việc với phía nước ngoài để ký hợp đồng. Đồng thời, thực tế không phát sinh giao dịch thật nào với công ty ở nước ngoài.
Sau khi hoàn thiện các hợp đồng "khống", bị cáo Công và ông Chiu sẽ chuyển cho SCB các chi nhánh làm thủ tục giải ngân.
Bị cáo Công khai nhận, do tin tưởng bị cáo Trương Khánh Hoàng nên nghĩ hành vi của mình là đúng pháp luật, đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới nhận thức được sai phạm.
Trong khi đó, bị cáo Bùi Anh Dũng (là cựu Chủ tịch HĐQT SCB) khai tại tòa, từ năm 2013 đến năm 2020, bị cáo Dũng đã ký duyệt 6 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài hơn 712 tỉ đồng thông qua các hợp đồng "khống". Sau này làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Dũng mới biết việc chuyển tiền ra nước ngoài là sai quy định.
Bị cáo Bùi Anh Dũng còn khai thêm do có nhân viên các khối làm thủ tục nên bị cáo chỉ ký duyệt chứ không nắm về nghiệp vụ, quy định, cũng như không biết các công ty trong hồ sơ là thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tương tự, bị cáo Trương Khánh Hoàng (là cựu quyền Tổng giám đốc SCB) cũng khai từ ngày 15.5.2021 đến ngày 12.8.2022 đã ký duyệt 38 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài với tổng 929 triệu USD, tương đương 21.810 tỉ đồng và nhận 1,9 tỉ USD, tương đương 47.392 tỉ đồng từ nước ngoài chuyển về. Tổng cộng có 106 giao dịch phát sinh trong thời gian vừa nêu.
Các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều do các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện thông qua các loại hợp đồng "khống".
Theo bị cáo Trương Khánh Hoàng, các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài do bị cáo ký duyệt đều không đủ điều kiện chuyển tiền. Đối với các giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam mặc dù thiếu thông tin về mục đích chuyển tiền, bị hệ thống tự động khóa, bị cáo vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hạch toán vào tài khoản của khách hàng nhận tiền.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng khai việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về Việt Nam đều theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan chứ bị cáo Hoàng cũng không biết cụ thể các hợp đồng được soạn thảo như thế nào.
Trong giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm bị xét xử về 3 tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Bình luận (0)