Sáng 27.3, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm, xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.
Lúc 10 giờ, trả lời thẩm vấn của luật sư Phan Trung Hoài (một trong 8 luật sư bào chữa cho bị cáo Lan) về yêu cầu kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát.
Có khoảng 1 tiếng trình bày, bị cáo Trương Mỹ Lan nhắc lại bối cảnh nhận tái cơ cấu Ngân hàng SCB và những khó khăn trong suốt thời gian tham gia hoạt động của ngân hàng này.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nói "tòa cấp sơ thẩm buộc tội bà lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.081 tỉ đồng của 35.824 trái chủ) thông qua việc phát hành trái phiếu khống; rửa tiền (445.747 tỉ đồng) và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỉ USD - tương đương 106.730 tỉ đồng) là không đúng".
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa
ẢNH: NHẬT THỊNH
Đối với hành vi lừa đảo trái phiếu của các trái chủ, bị cáo Trương Mỹ Lan nói không chiếm đoạt tài sản của ai, không liên quan gì đến việc phát hành các lô trái phiếu nên đề nghị tòa xem xét lại số tiền 30.000 tỉ đồng bị buộc phải bồi thường.
"Bị cáo nghĩ con người ta sinh ra tay trắng, chết đi thì trắng tay; bị cáo một đời sống vì chữ tín, chưa bao giờ nghĩ đến việc lừa đảo hay chiếm đoạt tài sản của ai", Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nói.
Liên quan hành vi rửa tiền, bị cáo Trương Mỹ Lan giữ nguyên yêu cầu xem xét lại số tiền 445.000 tỉ đồng quy buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm.
Ở tội vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát mong HĐXX xem xét lại việc có hay không tiếp tục xét xử bà ở tội danh này.
Bị cáo Lan cho rằng việc bản thân bị buộc thêm tội danh này khiến quá trình khắc phục hậu quả vụ án càng thêm khó khăn, bởi bạn bè, người thân của bị cáo ở nước ngoài không ai dám chuyển tiền cho mượn.
Các bị cáo tại tòa phúc thẩm
ẢNH: NHẬT THỊNH
Trương Mỹ Lan và SCB tranh cãi về 1.000 tỉ của ông chủ địa ốc Thủ Thiêm
Tài xế của Trương Mỹ Lan xin nhận lại 13 tỉ đồng
Trước đó, được gọi lên thẩm vấn, bị cáo Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý Acumen); Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Bùi Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Ngô Thanh Nhã, Bùi Đức Khoa... mong HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Những người này khai khi phát hành trái phiếu không biết việc làm của mình là sai, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới nhận thấy hành vi phạm tội, rất ân hận. Trước phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã chủ động tác động gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả.
Đối với bị cáo Bùi Văn Dũng (lái xe riêng của bị cáo Trương Mỹ Lan), bị cáo Dũng được xác định đã giúp sức cho bị cáo Lan che giấu nguồn tiền, hợp thức sử dụng 6.300 tỉ đồng. Dũng có đơn xin giảm nhẹ mức án 2 năm 6 tháng tù về tội rửa tiền mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên. Song, tại phiên phúc thẩm, bị cáo xin rút kháng cáo giảm nhẹ hình phạt, giữ nguyên kháng cáo phần xử lý vật chứng trong vụ án.
"Xin HĐXX gỡ lệnh phong tỏa tài khoản với số tiền 13 tỉ đồng, đây là số tiền của bản thân bị cáo và gia đình, không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan", Dũng nói.
Chiều nay, tòa tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư đối với nhóm bị cáo còn lại.
Hồi năm 2024, xét xử sơ thẩm giai đoạn 2, TAND TP.HCM phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù tội rửa tiền, 8 năm tù tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Đồng thời, buộc bị cáo Lan bồi thường hơn 30.000 tỉ đồng, tương ứng với mỗi trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá 100.000 đồng, cho hơn 35.000 bị hại.
Bình luận