Chiều 12.3, các luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và tổ chức liên quan khác, gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng.
Khi được hỏi về hành vi sai phạm của mình theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan luôn khẳng định bị cáo chỉ cho cá nhân, tổ chức mượn tài sản để vay tiền SCB, còn hợp đồng vay và giải ngân ra sao, bị cáo không can thiệp.
Nhiều lần trình bày như trên, chủ tọa Phạm Lương Toản hỏi bị cáo Lan: "Cho mượn tài sản nhưng bị cáo có gì chứng minh, trong khi tại tòa không một bị cáo, một ai nói mượn tài sản của bị cáo". Trương Mỹ Lan trình bày trước đây từng cho mượn 3 tài sản, nhưng chủ tọa ngắt vì bị cáo đã trình bày nhiều lần.
Về nguồn tiền của SCB ở đâu mà duy trì hoạt động, cựu Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn khai chủ yếu là huy động của người dân, khi người dân rút tiền thì cũng lấy tiền của người dân để xoay vòng. Đó cũng là lý do khi bị cáo Trương Mỹ Lan bị bắt, và hàng loạt sai phạm tại SCB bị phát hiện, người dân rút tiền đồng loạt thì cần phải có sự nỗ lực rất lớn từ cơ quan chức năng mới ổn định được thị trường tài chính của SCB.
Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX xem xét lại hàng loạt tài sản chưa được định giá
Ngoài ra, thông qua câu hỏi của các luật sư, SCB còn có 8 cổ đông nước ngoài nhưng các cựu lãnh đạo SCB khai từ trước đến nay họ không làm việc với các cổ đông này và do Trương Mỹ Lan thực hiện.
Cũng thông qua luật sư của mình, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, nếu được HĐXX hỗ trợ, bị cáo có thể liên hệ với 8 cổ đông nước ngoài này không hủy ngang cổ phần tại SCB, từ đó có thể đảm bảo một phần nào thu hồi, khắc phục thiệt hại cho SCB.
"Kể các việc xác định không có tội, bị cáo vẫn dùng tài sản của mình giao cho nhà nước giải quyết các vấn đề của SCB", bị cáo Lan nêu.
Bên cạnh đó, luật sư của Trương Mỹ Lan cũng đề nghị bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) giải thích rõ hơn về lời khai của mình trong phiên tòa sáng nay, về việc tiền giải ngân ra ở SCB được dùng trả nợ cho các khoản vay trước đó, vậy trả nợ bằng cách nào.
Bị cáo Dung trả lời, trang 16 cáo trạng có đề cập trong 10 năm bị cáo Lan chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân hơn 1 triệu tỉ đồng, đến ngày 17.10.2022, tổng dư nợ còn hơn 667.000 tỉ đồng, thì được hiểu nợ cũ triệt tiêu hết hơn 500.000 tỉ đồng. "Khoản tiền đi ra là cho vay, còn khoản bị trừ lại tức triệt tiêu nợ cũ", bị cáo Dung giải thích.
Chưa định giá 649 tài sản của Trương Mỹ Lan
Trong buổi chiều 12.3, luật sư Trần Minh Hải cũng hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về việc SCB đang quản lý 649 tài sản có nguồn gốc của bị cáo Lan.
"Tức bị cáo đang thụ hưởng những tài sản này, nhưng 649 tài sản này chưa được tính khấu trừ vào để giảm thiệt hại trong vụ án. Bị cáo có đồng ý giao 649 tài sản này cho SCB khấu trừ thiệt hại không?", luật sư hỏi Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Lan trình bày: "Tôi đồng ý nhưng không phải giảm thiệt hại vì tôi không làm gì sai. Tôi cho SCB mượn tài sản để giải quyết các vấn đề tài chính của SCB, nhưng phải định giá đúng giá trị tài sản".
Liên quan đến 649 tài sản này, cáo trạng thể hiện, quá trình tạo lập các hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã đưa 1.166 mã tài sản để đảm bảo cho 1.284 khoản vay, tổng giá trị tài sản đảm bảo đã bị nâng khống ghi nhận trên sổ sách là 1.265.504 tỉ đồng.
Xem nhanh 20h ngày 13.3: Trương Mỹ Lan đồng ý giao tài sản | Tuấn ‘Phò mã’ chơi bida cá cược tiền tỉ
Tại thời điểm định giá lại các mã tài sản trên vào ngày 30.9.2022, đối với 1.166 mã tài sản để đảm bảo cho 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, thì Công ty thẩm định giá Hoàng Quân (SCB thuê thẩm định lại) chỉ định giá 726 mã tài sản; 440 mã tài sản còn lại không định giá vì các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại.
Đồng thời, trong 726 mã tài sản có giá trị định giá được, Công ty thẩm định giá Hoàng Quân cũng cho rằng có 209 mã tài sản không đủ điều kiện pháp lý để tiến hành xử lý tài sản vì không có hợp đồng thế chấp/cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo đúng quy định...
Kết quả điều tra xác định: Trong giai đoạn từ ngày 1.1.2012 đến ngày 7.10.2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm: 1.057 khoản khách hàng cá nhân và 1.470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền trên 1 triệu tỉ đồng.
Đến ngày 17.10.2022, còn 1.284 khoản vay, dư nợ 677.286 tỉ đồng, gồm 483.971 tỉ đồng nợ gốc và 193.315 tỉ đồng nợ lãi/phí, các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi.
Bình luận (0)