Trường, ngành nào nhiều khả năng trúng tuyển?

17/02/2014 02:50 GMT+7

Định hướng cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội là nội dung chính trong buổi tư vấn mùa thi diễn ra tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Phước sáng 16.2.

Định hướng cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội là nội dung chính trong buổi tư vấn mùa thi diễn ra tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Phước sáng 16.2.

 
Học sinh tỉnh Bình Phước tham gia gian hàng tư vấn của các trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hơn 1.000 học sinh (HS) từ các trường THPT của Bình Phước đã có mặt ­để theo dõi chương trình. Toàn thể HS trong tỉnh cũng theo dõi chương trình qua sóng truyền hình trực tiếp của Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Phước.

Điểm chuẩn không cao, ngành mới...

Một HS đặt câu hỏi được rất nhiều HS khác đồng tình: “Năm 2014 thi vào trường nào, ngành nào dễ đậu nhất?”. Đây là câu hỏi thường gặp ở các buổi tư vấn và cũng không dễ có câu trả lời cụ thể.

 


Chương trình Tư vấn mùa thi trân trọng cảm ơn Công ty Vietravel đã hỗ trợ phương tiện vận chuyển cho đoàn tư vấn. Cảm ơn sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn Bình Phước, Sở GD-ĐT tỉnh, Công ty máy tính Nguyễn Lâm (Bình Dương), VNPT Bình Phước.

Thạc sĩ Lê Văn Phùng, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường, cho biết thí sinh nên theo dõi điểm chuẩn các ngành học qua các năm để xem ngành nào có điểm chuẩn vừa với sức học của mình. Một lưu ý là chọn các ngành học mới sẽ dễ trúng tuyển hơn vì ít thí sinh thi và thường điểm chuẩn năm đầu tiên không cao.

Một HS Trường THPT Đồng Xoài thắc mắc về ngành công nghệ kỹ thuật hóa học và cơ hội việc làm. Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết ngành này tuyển khối A, B. Đây là ngành giao thoa giữa một số ngành khác như công nghiệp thực phẩm, sinh học, các ngành kỹ thuật… Sinh viên ra trường có thể làm cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, các công ty chuyển giao công nghệ hóa học, công ty bán thiết bị, máy móc hóa học…

Nhiều HS cũng muốn biết về những chương trình học tập quốc tế nhưng học ở VN cho đỡ tốn kém. Tiến sĩ Nguyễn Văn Chung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết HS có thể theo học chương trình do trường cấp bằng, học tại trường, kiểm tra tiếng Anh đầu vào để xếp lớp. Thứ hai là chương trình liên kết 2 năm tại VN và 2 năm tại các trường đối tác ở nước ngoài.

Chọn ngành có điều kiện phát triển ở địa phương

Phần lớn các HS tham gia chương trình đều cho biết muốn quay trở lại tỉnh nhà làm việc sau khi học xong ĐH, CĐ.

Trả lời câu hỏi của HS về những ngành học có thể làm việc ở Bình Phước, tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết những ngành thuộc về nông nghiệp, lâm nghiệp là cần thiết nhất đối với sự phát triển của tỉnh này. 

Lê Văn Nguyên, HS Trường THCS Nguyễn Du, nhờ tư vấn: “Học lực của em thi ĐH chỉ được khoảng 14 - 15 điểm nhưng em muốn học xong, ra trường về tỉnh trồng cây cao su. Vậy có trường nào phù hợp?”. Thạc sĩ Vũ Thu Hương, Phó giám đốc Trường ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2), cho biết: “Với mức điểm này, em hoàn toàn có khả năng trúng tuyển vào các ngành học liên quan như trồng trọt, lâm sinh, công nghệ chế biến lâm sản…”.

Một HS đặt câu hỏi qua đường dây nóng của chương trình: “Em muốn về địa phương làm đăng kiểm đường bộ thì nên học trường nào?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Nếu muốn làm trực tiếp bộ phận đăng kiểm các phương tiện đường bộ, em nên học các ngành liên quan đến cơ khí, cơ điện, để có hiểu biết, kiến thức giám sát, đánh giá đường bộ. Ngoài ra, cũng có thể học các ngành khác như kế toán, văn phòng… vì trong cơ quan đăng kiểm cũng có rất nhiều bộ phận khác cùng làm việc”.

Chọn trường vừa sức

Chiều 15.2, đoàn tư vấn của Báo Thanh Niên đã đến với HS Trường THPT Đồng Phú (huyện Đồng Phú) và Trường THCS-THPT Đồng Tiến (huyện Đồng Tiến) của tỉnh Bình Phước.

Đây là lần đầu tiên có đoàn tư vấn đến Trường THPT Đồng Phú. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó hiệu trưởng nhà trường, mong muốn các thầy, cô tư vấn giúp HS chọn trường vừa sức vì đa phần HS của trường có học lực trung bình. Trong số 10 lớp 12, chỉ có 2 lớp có HS có học lực trung bình khá trở lên. Vì vậy, các chuyên gia cũng tập trung giúp HS cách chọn trường phù hợp. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết HS đa phần hỏi về việc thi vào các trường có điểm chuẩn tương đương điểm sàn và bậc CĐ. Đây là sự lựa chọn khôn ngoan, giúp HS tiến gần hơn với mong muốn mình có chỗ học, sau này ra trường kiếm được việc làm và có thu nhập tốt.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, không ngại ngần khuyên HS có học lực trung bình chọn những ngành ít người thi, có điểm chuẩn hằng năm thấp để dễ trúng tuyển. Đại diện các trường công lập như ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM… chỉ ra những ngành có điểm chuẩn không cao, ít người thi ngay tại trường mình.

Đăng Nguyên

Đăng Nguyên

>> Kết thúc chương trình tư vấn mùa thi tại Đông Nam bộ
>> Tư vấn mùa thi đến với học sinh Đồng Nai
>> Sôi nổi chương trình ‘Tư vấn mùa thi’ tại Đồng Nai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.