Mùa tết Nguyên đán 2023, thị trường điện ảnh Trung Quốc có đến 7 bộ phim được công chiếu. Tờ Variety tổng kết, phòng vé phim tết nước này sau 8 ngày đạt mốc gần 1 tỉ USD. Trong số 7 phim chiếu Tết năm nay, dù phải đối đầu với nhiều đối thủ mạnh nhưng Trương Nghệ Mưu vẫn là vua phòng vé với bộ phim Mãn giang hồng (Red full river). Phim này sau 11 ngày thu về con số khổng lồ: 541 triệu USD.
Trên diễn đàn Douban, tác phẩm nhận 8/10 điểm, với nhiều lời khen giàu tính nghệ thuật từ khán giả và giới chuyên môn. Mãn giang hồng của Trương Nghệ Mưu được dự đoán sẽ kết thúc "đường đua" với khoảng 650-700 triệu USD thu về. Đây là một con số gây choáng. Bởi nếu so với doanh thu Avatar: The Way of Water của James Cameron tại thị trường Bắc Mỹ thì còn cao hơn (phim đạt khoảng 620 triệu USD sau hơn một tháng chiếu).
Doanh thu bùng nổ của Mãn giang hồng cũng đã làm dấy lên nhiều lùm xùm và đồn đoán xung quanh việc đoàn phim rửa tiền, thâu tóm suất chiếu. Bộ phim mới nhất của đạo diễn họ Trương vướng cáo buộc tạo suất chiếu ma, chèn ép suất chiếu của Lưu lạc địa cầu 2 của Ngô Kinh và khai khống doanh thu đề rửa tiền.
Trước hàng loạt những cáo buộc, đoàn phim Mãn giang hồng lên tiếng khẳng định: "Chúng tôi không đạo văn, đánh cắp doanh thu, thao túng phòng vé hay rửa tiền như những thông tin đang lan truyền trên mạng". Đơn vị sản xuất cho biết sẽ thu thập bằng chứng để khởi kiện những người tung tin sai lệch về dự án, làm ảnh hưởng đến danh tiếng của bộ phim.
Nhìn lại, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã trải qua một thời kỳ đại hạn vào năm 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo Variety, nền điện ảnh của quốc gia tỉ dân này chứng kiến tình trạng doanh thu phòng vé giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm duyệt phim quan liêu càng tạo thêm gánh nặng cho các nhà làm phim, dẫn đến tình trạng phim Trung Quốc hiếm hoi có cơ may lọt vào các liên hoan phim quốc tế. Vì vậy, các chuyên gia điện ảnh, nhà sản xuất phim có uy tín đánh giá sự bùng nổ doanh thu phòng vé dịp tết năm nay, cùng thành tích đáng nể của Mãn giang hồng nên được xem như một tín hiệu tốt cho biết ngành phim của Trung Quốc đang dần sống dậy.
Mãn giang hồng lấy bối cảnh thời Nam Tống, khi tể tướng Tần Cối mang quân đàm phán với nước Kim. Tuy nhiên, mọi việc trở nên rối rắm vào đêm trước buổi đàm phán, sứ giả nước Kim qua đời tại nơi ở của tể tướng, thư mật trong người sứ giả cũng không cánh mà bay. Từ đó, viên lính Trương Đại (Thẩm Đằng đóng) và Tôn Quân (Dịch Dương Thiên Tỉ) vô tình bị cuốn vào trận đấu trí chính trị, buộc phải tìm ra hung thủ để bảo toàn tính mạng.
Bill Kong - nhà sản xuất phim uy tín của Edko Films nhận định: "Thị hiếu của khán giả Trung Quốc đang ngày một nâng cao. Tôi tin rằng doanh thu phòng vé phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng phim. Phòng vé sẽ nở rộ nếu phim đủ hay. Ở Trung Quốc, Mãn giang hồng được định vị là một bộ phim hài phù hợp với yêu cầu đặc trưng của tết Nguyên đán. Nhưng với tôi thì nó hơn thế nữa. Bởi các âm mưu chính trị, bi kịch trong phim có nhiều liên quan đến các vấn đề của thế giới đương đại. Tôi cho rằng đây là một trong những tác phẩm tốt nhất của Trương Nghệ Mưu".
The Global Times bình luận đạo diễn Trương Nghệ Mưu cho thấy chiến thuật khôn ngoan khi kết hợp những "bảo chứng phòng vé" với những gương mặt mới trong bộ phim mới của ông. Dàn diễn viên Mãn giang hồng bao gồm 5 nghệ sĩ hài hàng đầu, 5 diễn viên nữ thế hệ mới và 9 diễn viên nổi tiếng, sở hữu lượng fan đông đảo. Trong đó, Thẩm Đằng và Dịch Dương Thiên Tỉ được coi là "át chủ bài" sẽ lôi kéo khán giả trẻ ra rạp.
Bên cạnh đó, Mãn giang hồng còn có một kịch bản kịch tính, bất ngờ đến những giây phút cuối cùng. Đây cũng là lần hiếm hoi Trương Nghệ Mưu cho phép bản thân được "vui đùa" với các thể loại phim, khi Mãn giang hồng là sự kết hợp của hàng loạt các yếu tố chính kịch, trinh thám, giật gân, tội phạm và cả… hài, vốn chưa bao giờ là sở trường của đạo diễn họ Trương. Còn theo nhà làm phim Luo Luo, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của Mãn giang hồng là do phim tôn vinh rất khéo những giá trị lịch sử vẻ vang của Trung Quốc, qua đó khơi gợi lòng tự tôn dân tộc của người dân.
Thật khó để tin rằng, ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", Trương Nghệ Mưu lại lần nữa chạm đến vị trí của một ông vua phòng vé. Bằng một bộ phim giả sử, cổ trang, đạo diễn 73 tuổi lại có khả năng khuấy đảo thị trường phim tết, chinh phục khán giả đại chúng và lại còn kéo được cả thế hệ gen Z ra rạp. Nhìn những gì mà Trương Nghệ Mưu làm được với Mãn giang hồng trong mùa phim tết năm nay, chẳng còn một ai dám nghi hoặc ông đã đến lúc "về vườn".
Khoảng thời gian từ 2016-2018, "Quốc sư" của điện ảnh xứ Trung cũng từng bị mỉa mai "Trương Nghệ Mưu đã chết" sau thất bại của ông với phim điện ảnh Trường Thành (2016). Các bộ phim sau đó của đạo diễn sinh năm 1950 như Shadow (Ảnh), One Second (Một giây), Cliff Walkers hay Sniper đều không quá ấn tượng về chất lượng nghệ thuật hay có khả năng làm nên cú nổ phòng vé. Các nhà phê bình điện ảnh, các chuyên gia trong ngành đánh giá phim của Trương Nghệ Mưu trong giai đoạn này vẫn có tính thẩm mỹ cao, bài bản, lớp lang nhưng thiếu đi cái hồn.
Nhưng cho đến lúc này, khi nhìn lại chặng đường sự nghiệp kéo dài gần 40 năm của vị đạo diễn họ Trương, người ta vẫn cứ phải trầm trồ thán phục bởi độ vĩ đại của nó. Sự nghiệp của Trương Nghệ Mưu phất lên từ năm 1988 nhờ bộ phim Cao lương đỏ. Bộ phim đã góp phần khiến cho điện ảnh Trung Quốc "nở mày nở mặt" với bạn bè quốc tế khi đoạt giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin cùng năm. Sau đó, Trương Nghệ Mưu tiếp tục làm nên hàng loạt những kiệt tác như Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Thu Cúc đi kiện, Phải sống. Đó là những tác phẩm đã đưa tên tuổi Trương Nghệ Mưu lên hàng "huyền thoại".
Theo Sohu, Trương Nghệ Mưu xếp thứ hai (sau Lý An) trong danh sách 10 đạo diễn có đóng góp lớn đối với nền điện ảnh Hoa ngữ. Từ những bộ phim mang tính riêng tư mà đánh động đến sâu thẳm tâm thức của người Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu tiếp tục vươn ra thế giới, "mộng lớn" hơn với những bộ phim có quy mô đầu tư khủng. Sau nhiều năm làm phim về hoàn cảnh những phận đời bé mọn trong xã hội Trung Quốc, ông chuyển sang tập trung làm phim thương mại. Giai đoạn 1996 đến 2015, những Hội tam hoàng Thượng Hải, Anh hùng, Thập diện mai phục, Hoàng kim giáp, Kim Lăng Thập Tam Thoa... của ông nổi danh khắp thế giới và chinh phục được khán giả đại chúng quốc tế. Nhưng bên cạnh những bom tấn tầm cỡ, Trương Nghệ Mưu vẫn duy trì làm một số bộ phim quy mô nhỏ mà vẫn rất sâu sắc như: Đường về nhà, Không thiếu một ai, Chuyện tình cây táo gai, Vạn dặm độc hành…
Giấc mộng Hollywood của Trương Nghệ Mưu đổ vỡ khi bộ phim Trường Thành (2016) trình làng. Bộ phim bị đánh giá nhàm chán, lòe loẹt và là một bước lùi lớn trong tay nghề đạo diễn của Trương Nghệ Mưu. Dẫu vậy, ông vẫn không lấy đó làm lý do để buông xuôi hay về hưu. 7 năm qua, Trương Nghệ Mưu vẫn miệt mài làm phim. Bước sang tuổi 73, với tài năng kiệt xuất, kinh nghiệm dày dạn và một tư duy mở, chịu khó đổi mới theo thời cuộc, Trương Nghệ Mưu lại làm nên kỳ tích với Mãn giang hồng. Dẫu chất lượng bộ phim vẫn còn là điều gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của nó đến điện ảnh Trung Quốc thời kỳ hậu Covid-19. Vị đạo diễn họ Trương vẫn ở đó, sừng sững như một tượng đài đáng để lớp trẻ ngưỡng vọng.
Bình luận (0)