|
Bất bình đẳng kéo dài
Nhiều đại biểu đã phản ảnh tình trạng bị đối xử không công bằng. GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL), cho biết: “Một bất cập lớn là sự phân biệt đối xử giữa sinh viên công lập và NCL về chính sách đãi ngộ của nhà nước. Sinh viên công lập thì được nhà nước cấp học bổng, được hỗ trợ 60 - 70% chi phí đào tạo, còn các sinh viên NCL không được nhà nước đãi ngộ”.
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu còn phản ảnh về sự không công bằng trong các chính sách tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đối với trường NCL. Ví dụ các trường công lập được tuyển sinh quá nhiều chỉ tiêu khiến trường NCL ngày càng khó tuyển. Đặc biệt, không ít trường công lập đổ xô vào đào tạo những ngành dễ tuyển và tuyển đến mức điểm thấp nhất nên tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với trường NCL…
Không thể coi trường học là doanh nghiệp
Về quy chế tổ chức các trường ĐH tư thục và quy định chuyển đổi các trường ĐH dân lập sang tư thục, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường dân lập Hải Phòng, cho rằng mô hình của trường là phi lợi nhuận nhưng nếu chuyển đổi sang tư thục thì sẽ phải vì lợi nhuận. Ông nói: “Tại sao không giữ nguyên mô hình trường ĐH dân lập vì mô hình này có yếu tố phi lợi nhuận?”.
Một vấn đề mà các đại biểu tranh luận gay gắt là ĐH tư được coi là doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp? GS Hoàng Văn Khoan, đại diện Trường ĐH Văn Lang, cho biết: “Có lúc trường tư được coi là doanh nghiệp, lúc là đơn vị sự nghiệp, lúc lại là cái gì đó rất mơ hồ. Vậy trường tư là mô hình nào?”. Còn một đại biểu của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho rằng: “Giáo dục ĐH là một loại hình dịch vụ nên đơn vị cung cấp dịch vụ đều mang bản chất của doanh nghiệp”.
Ý kiến này lập tức bị phản bác. Bà Bùi Trần Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nói: “Giáo dục là một loại hình dịch vụ nhưng phải xem đó là loại hình dịch vụ đặc biệt. Theo tôi đã là trường ĐH thì phải là trường chứ không thể là doanh nghiệp”. Nhiều đại biểu cũng đồng tình với quan điểm này.
Nhiều hậu quả do chưa có chính sách chung
Một trong những vấn đề được các đại biểu mổ xẻ nhiều nhất là các chính sách về trường NCL vẫn không được thực hiện. Đặc biệt là chính sách về thuế và sự phân biệt trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.
GS Trần Hồng Quân nhận định: “Sự minh bạch khái niệm và cơ chế lợi nhuận trong giáo dục ĐH NCL là đòn bẩy của phát triển. Tuy nhiên cho đến nay vấn đề này vẫn còn treo”. Tình trạng này dẫn đến hệ quả là mặc dù các trường ĐH NCL ở Việt Nam được hình thành từ nhiều phương thức khác nhau nhưng các cơ quan quản lý nhà nước lại đưa ra một chính sách chung cho tất cả các trường NCL, đều coi là “vì lợi nhuận” cả. GS Quân nói: “Vấn đề lớn nhất còn tồn tại ở cả luật Giáo dục, luật Giáo dục ĐH và nhiều văn bản quy phạm pháp luật là chưa làm rõ cơ chế sở hữu cũng như tính chất “không vì lợi nhuận” của các loại hình trường NCL. Từ đó dẫn đến hậu quả là cho tới nay vẫn chưa có được các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cách thức công nhận các cơ sở giáo dục ĐH NCL không vì lợi nhuận và những chính sách khuyến khích đặc biệt đối với loại trường này”.
Phải sửa ngay chính sách Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tất cả những bất cập về chính sách cần phải được sửa đổi. Nếu vướng ở luật thì cần phải sửa luật nhưng trước hết có thể sửa ngay những chính sách dưới luật. Đặc biệt là việc chuyển đổi các trường dân lập sang tư thục. Phó thủ tướng nói: “Cần phải giải quyết triệt để và giải quyết xong vấn đề này. Chính phủ sẵn sàng nghe trình bày những vướng mắc và kiến nghị từ các trường NCL và có thể mời các bộ ngành đến trao đổi trực tiếp. Không thể vì việc ban hành chính sách mà làm khó khăn cho sự phát triển của trường NCL”. Phó thủ tướng đã giao cho Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL phải đề xuất và trình phương án với Bộ GD-ĐT để giải quyết các bất cập về chính sách. |
Vũ Thơ
>> 2 trường ĐH ngoài công lập công bố tuyển sinh riêng
>> Thêm trường ĐH ngoài công lập được đào tạo tiến sĩ
>> Rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
>> Trường ngoài công lập chật vật tuyển sinh
>> Nhiều trường ĐH ngoài công lập đào tạo cao học
Bình luận (0)