Khoảng cuối năm 1919, ông từ Quảng Ngãi ra Huế học Ban Thành chung ở École Primaire Supérieure (Trường Cao đẳng Tiểu học) thường gọi là Quốc học Huế. Vào lúc này, xu hướng yêu nước tiến bộ mang những yếu tố tích cực của tư tưởng dân chủ tư sản bắt đầu thâm nhiễm từ các sĩ phu nho học thức thời ngày càng lan rộng trong tầng lớp thanh niên, học sinh ở kinh đô. Sự chuyển hướng từ ý thức hệ phong kiến “trung quân - ái quốc” sang hoài bão xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, phú cường là một cuộc trăn trở vươn mình của cả dân tộc.
Thẻ nhận dạng (căn cước) của Trương Quang Trọng |
T.L |
Tại Huế, Trương Quang Trọng cùng một số thanh niên học sinh đồng chí hướng tham gia thành lập Hội Học sinh ái quốc Trung kỳ, một tổ chức công khai trong đó có thế hệ thanh niên tân học. Những thanh niên tiến bộ ở các tỉnh Trung kỳ (Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi...) có mục đích chia sẻ, giúp đỡ nhau trong việc học hành, thông tin, trao đổi thời cuộc, tiếp xúc với những trí thức yêu nước; kết nối với các tổ chức thanh niên, sinh viên, học sinh trong cả nước, tham gia một số hoạt động đấu tranh trong điều kiện cho phép, tìm kiếm và nghiên cứu nhiều tư liệu về những tư tưởng mới, tiến bộ.
Năm 1923, sau khi tốt nghiệp Ban Thành chung (Diplôme d Études Complémentaires), Trương Quang Trọng rời Huế ra Hà Nội, ông học ở Collège du Protectorat (Trường Thành chung Bảo hộ) hay còn gọi là Trường Bưởi, rồi thi đỗ vào Trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l'Indochine) thuộc Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise). Lúc bấy giờ, tuy Huế vẫn là một trong 3 trung tâm chính trị hoạt động sôi nổi của toàn cõi Đông Dương, song Hà Nội mới chính là nơi quy tụ đông đảo nhất giới tinh hoa hoạt động chính trị trong cả nước.
Nếu việc tham gia thành lập Hội Học sinh ái quốc Trung kỳ là bước đầu tiên đưa Trương Quang Trọng đến với các hoạt động đấu tranh yêu nước, thì việc tham gia cuộc phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh, rồi bị đuổi học là một bước dấn thân mới vào con đường thực hiện hoài bão, lý tưởng của một thanh niên yêu nước.
Từ việc tham gia các phong trào này, Trương Quang Trọng đã tiếp xúc với những nhân vật nhiều trăn trở vì vận nước, đồng thời là những gương mặt tranh đấu trên chính trường như: Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn... Chính Tôn Quang Phiệt là người có ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến việc Trương Quang Trọng tham gia Đảng Tân Việt.
Bằng tốt nghiệp Ban Thành chung (năm 1923) của Trương Quang Trọng |
Sau khi trở thành đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng, Trương Quang Trọng rời Hà Nội, trở về Quảng Ngãi, bắt liên lạc với Tỉnh bộ Tân Việt, đồng thời tiếp xúc với Nguyễn Thiệu - một người Quảng Ngãi vừa được sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức vào đầu năm 1927 và đang là đại diện của Tổng hội Thanh niên mở lớp huấn luyện xây dựng cơ sở tổ chức Thanh niên ở Quảng Ngãi. Nguyễn Thiệu, Trương Quang Trọng và các nhân vật lãnh đạo Tân Việt Quảng Ngãi nhanh chóng thống nhất lập trường, ý chí và hành động đưa Tỉnh bộ Tân Việt Quảng Ngãi gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, giao Trương Quang Trọng giữ trọng trách Bí thư Tỉnh bộ.
Như vậy là, từ mùa hè năm 1927, Trương Quang Trọng cũng như các đồng chí của mình ở Quảng Ngãi đã tách khỏi Tân Việt cách mạng Đảng, trở thành một bộ phận của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, một tổ chức do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện, trong đó có sự tham gia của những nhân vật người Quảng Ngãi sau này đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thiệu... Là một hội viên ưu tú, sau khi đảm nhận vai trò Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Ngãi, Trương Quang Trọng được tổ chức đưa đi dự tập huấn ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Tháng 5.1929, ông được cử làm đại biểu của Tỉnh bộ Quảng Ngãi dự Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Hồng Kông. Cuối tháng 7.1929, ông tập hợp các đồng chí tích cực trong Tỉnh bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên tại núi Xương Rồng (H.Đức Phổ) thành lập tổ chức “Dự bị cộng sản”. Sự kiện ra đời của tổ chức “Dự bị cộng sản” chính là một bước nhảy vọt trong tư tưởng của Trương Quang Trọng, đồng thời là một mốc son trong lịch sử Đảng bộ Quảng Ngãi.
Trong lúc tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ thì cuối năm 1929, Trương Quang Trọng cùng 20 đồng chí bị Pháp bắt giam ở nhà lao Quảng Ngãi. Năm 1931, sau khi bị đưa đi đày ở ngục Kon Tum, ông đã hy sinh anh dũng trong cuộc đấu tranh lưu huyết, để lại tấm gương sáng ngời chí khí và hùng tâm của một người cộng sản.
(còn tiếp)
Bình luận (0)