Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử: Hướng về tiền tuyến Trường Sa

16/03/2022 06:04 GMT+7

Sau vụ thảm sát Gạc Ma ngày 14.3.1988, khắp các địa phương trong cả nước dậy lên phong trào Hướng về Trường Sa, Vì Trường Sa thân yêu. Câu chuyện Trường Sa liên đới và hiện diện trong mọi mặt của đời sống, như một phần động lực kiến thiết đất nước trong những năm đầu thời kỳ chuyển mình đổi mới.

Cả nước hậu phương, Trường Sa tiền tuyến

Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 10 chiến sĩ hy sinh trong tổng số 64 liệt sĩ ngã xuống ở Gạc Ma. Riêng P.Hòa Cường (Đà Nẵng) có 8 người hy sinh, mất tích. Ngay sau ngày 14.3.1988, P.Hòa Cường có 185 thanh niên đăng ký sẵn sàng nhập ngũ để tiếp bước sự nghiệp bảo vệ biển đảo. Phường này cũng quyết định lấy ngày 14.4.1988 khởi công xây dựng tuyến đường từ tây sang đông trong phường mang tên Trường Sa và xây dựng công trình mẫu giáo vì con em Trường Sa. Tháng 3 và tháng 4.1988, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hưởng ứng phong trào Hướng về Trường Sa mạnh mẽ, với những hành động thiết thực như chi viện hàng hóa, thuốc men, ra sức lao động thi đua sản xuất, động viên con em lên đường nhập ngũ...

Hình ảnh các chiến sĩ VN kiên cường đóng quân trên đảo Trường Sa sau sự kiện Gạc Ma

TL trong sách

Các địa phương khác, từ Bắc tới Nam, phong trào Hướng về Trường Sa lan rộng trong hoạt động tăng gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa xã hội. Trong phong trào Hướng về chiến sĩ tiền phương, phụ nữ tỉnh Phú Khánh bằng nhiều hình thức lao động sản xuất, tiết kiệm, nhận công trình, tổ chức hội diễn nghệ thuật lấy tiền may áo ấm gửi các chiến sĩ biên giới và hải đảo.

Đơn cử, Hội Phụ nữ tỉnh Phú Khánh đã chuyển đến các chiến sĩ Trường Sa “một số hàng trị giá 620.000 đồng gồm có đường, sữa, 150 bộ quần áo. Hội đồng nhân dân tỉnh này trao một số hàng trị giá 360.000 đồng. Liên hiệp xí nghiệp Dược Phú Khánh gửi tặng một số thuốc B1, vitamin C, dầu xoa và nhiều loại thuốc chữa bệnh trị giá 250.000 đồng. Cán bộ, nhân viên Công ty thương nghiệp TX.Tuy Hòa đã mua quà tặng trị giá 120.000 đồng. Công nhân Nhà máy xay Ninh Đa (H.Ninh Hòa) tăng giờ làm việc để sớm có gạo gửi ra đảo. Chi đoàn thanh niên các cơ quan tỉnh cũng gửi tặng Trường Sa một số hàng hóa trị giá 200.000 đồng... Anh Vũ Đức Cũng - thương binh loại 8/8 bị bại liệt hai phần ba cơ thể, ở P.Tân Lập (Nha Trang) tự tay làm ra 300 lọ dầu xoa tặng đồng đội đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa” (theo Nhân Dân, ngày 3.4.1988).

Một buổi lễ truy điệu những liệt sĩ Trường Sa diễn ra ở bãi biển Nha Trang vào ngày 3.4.1988. Bãi biển nghẹt cứng người từ khi mặt trời chưa nhô lên khỏi biển. Đài liệt sĩ sừng sững trên bãi cát. Hai tàu chiến của hải quân ta cập sát bờ, cờ trên tàu giăng giăng. Trên bờ nổi nhạc Hồn tử sĩ. Hai chiếc tàu chiến đáp lại bằng những hồi còi u... u ngắt quãng, nhớ đến những chiến sĩ Trường Sa dũng cảm, những người đã hy sinh trong cuộc đụng đầu không cân sức, những liệt sĩ đầu tiên giữa đại dương.

“Hành động cách mạng vì Trường Sa”

Người dân trong cả nước coi chương trình hướng về Trường Sa là “hành động cách mạng” để một mặt kết nối và tiếp sức với chiến sĩ giữ gìn biển trời quê hương, mặt khác là xây dựng đất nước, gia tăng nội lực để ứng phó với tham vọng bá quyền trên biển của nước láng giềng Trung Quốc. Hàng trăm chuyến hàng thiết yếu, vật tư y tế, thuốc men... được chuyển ra cho cán bộ chiến sĩ Trường Sa từ các tổ chức, đoàn hội trên cả nước.

Một sự kiện đáng lưu ý trong thời điểm sau sự kiện Gạc Ma, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức kỷ niệm lần thứ 33 ngày truyền thống của quân chủng tại đảo Trường Sa (7.5.1955 - 7.5.1988). Đại tướng Lê Đức Anh cũng đã đến dự và phát biểu: “Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó (giữa Việt Nam và Trung Quốc - NV) sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng nghìn năm đô hộ.

Nhưng thật cay đắng cho cả nhân dân hai nước, tội lỗi mới lại ập tới. Điều này do một số người lãnh đạo của Trung Quốc gây ra cho dân tộc Việt Nam, bắt đầu từ 30.4.1977 ở biên giới Tây Nam Tổ quốc, rồi đến tháng 2.1979 ở biên giới Việt - Trung, và gần đây nhất, từ đầu năm 1988, lực lượng vũ trang Trung Quốc lại trắng trợn xâm lấn vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt nghiêm trọng là ngày 14.3.1988, hải quân Trung Quốc đã bắn chìm và bắn cháy ba tàu vận tải của chúng ta đang làm nhiệm vụ tiếp tế trong vùng quần đảo, gây thương vong cho bộ đội hải quân ta và đến giờ phút này, hơn 70 cán bộ, chiến sĩ hải quân ta đang còn mất tích và họ vẫn tiếp tục ngăn cản công việc cứu hộ” (Báo Nhân Dân số 12356, ngày 11.5.1988).

Kết thúc bài phát biểu, Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với cả thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

(Lược trích: Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử, Võ Hà sưu tầm, biên soạn, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2021)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.