Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ buổi sáng ngày 14.3.1988, 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại nơi bãi đá Gạc Ma. Tất cả những người lính Trường Sa dù trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến trận hải chiến chỉ “nổ súng từ một phía” ấy đều coi đó như một vết thương luôn rỉ máu giữa lòng mình. Xem những thước phim do chính Trung Quốc ghi lại cuộc cướp giật để chiếm bãi đá ngầm Gạc Ma năm ấy, không một ai trong chúng ta có thể cầm lòng. Những người lính của chúng ta đã chấp nhận hy sinh để biến mình thành những cột mốc của Tổ quốc giữa trùng khơi. Để đất nước có thêm một dải san hô, máu các anh đã đổ xuống.
|
Người được trở về
Hơn một tháng qua, tôi có dịp đi dọc miền Trung để gặp gỡ những người lính Trường Sa từng sống qua những ngày căng thẳng nhất vào những tháng đầu năm 1988. Trước khi trở lại quê nhà, gặp lại người thân, nhiều anh đã để lại một phần thân thể của mình nơi Trường Sa. Dù vậy, ai cũng cảm thấy mình như người có lỗi khi được trở về, trong lúc bao đồng đội phải nằm lại vĩnh viễn trong lòng biển khơi. Nguyễn Văn Dũng, thành viên trong Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Khánh Hòa, là một trong những trường hợp như thế.
Đầu năm 1988, không khí tại Trường Sa luôn căng thẳng, ngột ngạt. Những cuộc khiêu khích của quân thù luôn diễn ra tại các đảo đá ngầm Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Dù là những ngày giáp tết của năm Mậu Thìn nhưng không một người lính nào nơi bán đảo Cam Ranh có thể yên lòng đón tết. Họ chuẩn bị lên đường ra các bãi đá ngầm ấy để khẳng định sự có mặt của mình, cũng là khẳng định chủ quyền của đất nước. Dạo ấy, Nguyễn Văn Dũng vừa tròn một tuổi quân, được lệnh lên đường ra Trường Sa ngay sau tết âm lịch. Một buổi sáng đầu tháng 3.1988, trước khi lên đường, tự dưng giọng nói của Dũng bị khàn, nghe không rõ tiếng. Là lính thông tin, có nhiệm vụ giữ bộ đàm liên lạc với các tàu mà giọng khàn thế kia thì làm sao chuyển tải thông tin cho chính xác được. Và rồi Dũng buộc phải ở lại với tâm trạng của người có lỗi trước một chuyến đi quan trọng. Thế chân anh là Phan Tấn Dư, người Phú Yên. “Dư là anh nuôi, có học sơ qua lớp truyền tin nên anh được chọn. Không ngờ đó là chuyến đi định mệnh của đời Dư”. Dũng bùi ngùi nhắc lại buổi chia tay giữa hai người bạn lính tại Cam Ranh từ 24 năm trước. Phan Tấn Dư là một trong 64 chiến sĩ đã ngã xuống nơi bãi đá ngầm Gạc Ma ngày 14.3.1988, anh mãi mãi dừng lại ở tuổi 22! Từ Cam Ranh, Dũng đón nhận hung tin trong nước mắt thương bạn vì đã phải “thế chân” mình. Rồi Dũng cũng lên đường trực chỉ Trường Sa ngay sau đó.
|
Lâu nay, do thiếu thông tin, nhiều người trong chúng ta cứ tưởng rằng, hải quân Trung Quốc chỉ một lần tấn công giành đảo Gạc Ma năm 1988 nhưng không phải vậy. Gần như là một chiến dịch khiêu khích diễn ra trước và sau trận hải chiến ấy được họ chuẩn bị rất công phu. Đoạn video đang lan truyền trên mạng nói về trận hải chiến chiếm Gạc Ma do chính họ quay đã nói lên điều đó. Nguyễn Văn Dũng trở thành nạn nhân của các cuộc khiêu khích từ phía Trung Quốc. Vừa trên đài quan sát tụt xuống sàn tàu, một trái pháo bắn thẳng từ tàu chiến của địch đã khiến anh lính thông tin khỏe mạnh và can trường ấy phải hôn mê suốt hai tháng sau đó vì một mảnh pháo xuyên qua người. Phải mất gần một tuần sau, Dũng mới được đưa về một bệnh viện quân y tại TP.HCM trong trạng thái mê man thừa chết thiếu sống. Những tháng sau đó, cùng chiếc ba lô con cóc và bộ quân phục nhàu nhò, Dũng qua hết các bệnh viện quân đội với mong ước giữ được đôi chân. Năm 1993, Dũng ra quân, bắt đầu cuộc hành trình gian nan tìm quê bạn.
Nỗi đau của mẹ
Không phải những người lính Trường Sa mới có ký ức về quần đảo ấy mà kỳ lạ thay, những bà mẹ chưa một lần ra đảo vẫn “thuộc” đảo như nhà mình. Có lẽ những lá thư từ Trường Sa xa xôi kết hợp với nỗi nhớ con đã làm nên những tấm bản đồ trong lòng mỗi người mẹ. Má Lê Thị Niệm, mẹ của liệt sĩ Phan Tấn Dư ở Phú Yên; má Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc ở Đà Nẵng là những ví dụ.
|
Nguyễn Văn Dũng hồi tưởng: “Tôi ra lính với đôi chân cà nhắc, chẳng nghề ngỗng gì, bèn chọn bãi Cây Me thuộc phường Vĩnh Hòa, Nha Trang này làm nơi cuốc đất lật cỏ. Công việc khá vất vả nhưng luôn nung nấu trong lòng là tìm cho bằng được nhà Phan Tấn Dư. Lần dò mãi rồi cũng tìm ra. Mùa đông năm 1995, sau rất nhiều lần ra vô Phú Yên để lần tìm địa chỉ nhà Dư, tôi về Hòa Phong, Tây Hòa, lòng dặn lòng mong sao mẹ Dư còn sống. Con đường lầy thụt đầy ổ trâu dẫn về nhà Dư. Linh cảm sau 7 năm mong chờ và hy vọng đã mách bảo với mẹ Dư rằng, thằng Dũng tôi đây chính là hình bóng của con bà! Mẹ Dư năm ấy đã 70 tuổi rồi, cứ lần dò tìm chiếc hộp quẹt để tôi đốt nhang cho Dư. Khi đèn bật sáng, trên bàn thờ Dư không một tấm hình. Má Niệm đã ôm tôi vào lòng như ôm chính con bà. Hai mẹ con nức nở…”. Bắt đầu từ hôm đó, Dũng trở thành thành viên của gia đình Dư. Suốt 17 năm qua, bằng đôi chân không lành lặn của mình, năm nào Dũng cũng về Tây Hòa thăm má Niệm một đôi lần, đặc biệt, Dũng đã biến ngôi nhà mẹ Dư đang ở thành chỗ gặp mặt thường niên của anh em chiến sĩ Trường Sa tại Phú Yên đúng ngày giỗ của Dư (25 tháng giêng âm lịch). “Không biết có phải do má đặt tên Dư cho nó không mà nó không về, để má suốt đời thiếu nó?”, má Niệm rưng rưng nhắc về đứa con mình. Suốt 24 năm qua, lòng người mẹ ấy chưa bao giờ lặng gió vì xương thịt của con cùng bao đồng đội đã tan hòa vào lòng biển của Tổ quốc rồi.
Cùng tâm trạng của mẹ Dư, bà Lê Thị Lan, 70 tuổi ở Hòa Cường, Đà Nẵng, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc cũng chỉ hỏi một câu: “Có khi mô người ta tìm được hài cốt thằng Lộc không vậy cháu?”. Tôi không dám trả lời câu hỏi ấy, cũng không dám nhìn vào khuôn mặt vò nhàu của người mẹ này. Đã bao nhiêu năm rồi, ngày nào người mẹ ấy cũng thức dậy thật sớm, thắp trên bàn thờ con mình một nén nhang trước khi rời nhà để đến một quán ăn trong thành phố rửa chén bát đến tận khuya rồi nhận từ tay bà chủ quán 60.000đ. Trộm vía, nếu anh Lộc còn sống lành lặn và ra quân như Dũng, hẳn mẹ anh đã không phải lận đận kiếm cơm như thế.
Mẹ Niệm, mẹ Lan cùng bao nhiêu bà mẹ khác đã sống lặng lẽ và mong chờ trong vô vọng suốt 24 năm qua như thế.
Trần Đăng
Bình luận (0)