Đội Bắc Hải hoạt động dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa trong khu vực phía Nam của biển Đông tức quần đảo Trường Sa và vùng phụ cận.
Dưới thời Đại Việt, Chúa Nguyễn cai quản Nam Hà, càng ngày càng có nhiều đội khác như đội Bắc Hải được thành lập, vì chính quyền Chúa Nguyễn dần dần tìm ra các đảo san hô hết sức rộng ở biển Đông. Song các chúa Nguyễn vẫn để đội Hoàng Sa kiêm quản để có một đầu mối, hầu có thể dễ dàng nắm tình hình ở biển Đông. Người chỉ huy đội Hoàng Sa là cai đội phải là vị quan lớn như cai đội Thuyên Đức Hầu đã được Lê Quý Đôn tra cứu sổ sách suốt từ 1702 (Nhâm Ngọ) đến 1713 (Qúi Tỵ). Thuyên Đức Hầu đã được phong tước hầu. Hoặc như Phú Nhuận Hầu cũng thế trong tờ trình ngày 1 tháng 10 năm Gia Long thứ 2 (1803) đã kiêm luôn "khâm sai cai thủ" cửa biển Sa Kỳ, kiêm chức "cai cơ thủ ngự", kiêm quản đội Hoàng Sa (tờ kê trình của Phú Nhuận Hầu được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, nay là thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Khâm sai cai thủ là chức trông coi cửa biển, thủ ngự là tổ chức tuần tra, chống trộm cướp thời Nguyễn. Chính Phú Nhuận Hầu được giao nhiều chức vụ quan trọng. Cũng từ đó có uy tín để kiêm quản các đội khác như đội Bắc Hải. Đội Bắc Hải cũng là một tổ chức dân binh thời Chúa Nguyễn mở cõi.
Trước đây trong một thời gian dài, người Việt và người phương Tây đều tưởng ở giữa biển Đông chỉ có một quần đảo dài, đều gọi một tên chung, rất nhất quán. Người Việt gọi là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng hoặc Hoàng Sa. Hoặc có khi gọi là Đại Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa. Mãi đến năm 1787-1788, khi đoàn khảo sát Kergariou Locmaria xác định rõ ràng và chính xác vị trí của quần đảo Paracel như hiện nay, người phương Tây mới bắt đầu phân biệt quần đảo Paracel ở phía Bắc với quần đảo ở phía Nam mà sau này đến thập niên 40 trong thế kỷ XX người Pháp mới gọi là Spratly chỉ chung cho quần đảo Trường Sa. Người Pháp gọi là Archipel des ýles Spratly, người Anh, Mỹ gọi là Spratley Islands hay Spratlies. Trung Quốc gọi là Nansha (Nam Sa) hay Nan Wei quần đảo, Philippines gọi là Kalayaan. Nhật gọi là Shinnan Guto. Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa hiện nay tính đến đảo gần nhất vào khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất 500 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý, Cam Ranh 250 hải lý, đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết) 270 hải lý. |
Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 của Lê Quý Đôn đã ghi chép rất cụ thể việc đội Bắc Hải như sau:
"Họ Nguyễn còn thiết lập một đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn người thôn Tứ Chính (ở gần bờ biển) thuộc phủ Bình-Thuận, hoặc chọn người làng Cảnh-Dương lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc-Hải. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm công tác".
"Những người được bổ sung vào đội Bắc-Hải đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn tuần, qua đò.
Những người trong đội đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc-Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo thuộc vùng Hà-Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đồi-mội, hải-ba, đồn-ngư (cá heo lớn như con heo), lục-quý-ngư, hải-sâm (con đỉa biển)".
Như thế về tổ chức, đội Bắc Hải không định trước bao nhiêu suất, số lượng tùy theo tình hình khả năng các thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận hay làng Cảnh Dương, tình nguyện và được cấp văn bằng và sai phái đi hoạt động.
Quyền lợi cũng như đội khác được miễn sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn tuần, qua đò. Không thấy miễn tiền thuế. Cũng dùng thuyền tư nhân, thuyền câu. Phạm vi hoạt động ở phía Nam, ở quần đảo Trường Sa ngày nay, và cả Côn Lôn, Hà Tiên.
Ở phía Nam Biển Đông khu vực Trường Sa hiện nay ít có bão lớn, không nguy hiểm, ít có vụ đắm tàu nên rất ít thu lượm được các sản vật từ tàu đắm như vàng bạc, súng ống mà chủ yếu là hải sản, đặc biệt là loại cá heo (đồn ngư)...
Đội Bắc Hải được các tài liệu ở các thời gian sau (thế kỷ XIX) tiếp tục ghi chép. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên soạn xong năm 1844 chép rằng đội Bắc Hải mộ dân thôn Bình Thuận, Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương, được lệnh cưỡi thuyền nhỏ ra các đảo ở Bắc Hải lượm hóa vật, cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản. Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 6, tỉnh Quảng Ngãi, soạn xong năm 1882 cũng còn viết "đội Bắc Hải ra đảo Côn Lôn tìm lấy hải vật cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản". Không có tài liệu nào cho biết đội Bắc Hải ngưng hoạt động trước hay sau đội Hoàng Sa, chỉ biết chắc chắn đội Bắc Hải ra đời sau đội Hoàng Sa và trước năm 1776 tức là trước khi Lê Quý Đôn viết Phủ Biên Tạp Lục.
(Còn tiếp)
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
(Tiến sĩ Sử học)
Bình luận (0)