Trường Sơn không thuộc về quá khứ (*)

08/06/2009 00:13 GMT+7

Nếu Võ Nguyên Giáp là cái tên đã gắn liền với trận Điện Biên Phủ thì Đồng Sỹ Nguyên là cái tên không thể tách rời khỏi con đường Trường Sơn.

Trường Sơn, dãy núi như sống lưng đất nước chạy dọc từ bắc xuống nam, vừa là tường thành chở che người dân Việt, vừa là bầu sữa xanh để các giống thực vật và động vật cùng chia sẻ cuộc sống với con người. Trường Sơn cũng là tuyến vận tải quân sự chiến lược, nơi người lính Đồng Sỹ Nguyên nhận trách nhiệm Tư lệnh Đoàn 559 kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương bắt đầu từ 15.1.1967 cho đến 1976, là tư lệnh lâu năm nhất của Đoàn 559.

Ngay từ ngày đầu tiên nhập tuyến, ông đã đích thân thanh sát mọi hoạt động trên đường mòn, và chỉ ba ngày sau, Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã được chuyển đến một vị trí chỉ cách mặt đường 20 phút đi bộ, làm gương cho tất cả binh trạm. Đồng Sỹ Nguyên luôn chứng tỏ ông là một con người mưu lược - hành động, dám chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Trong cái nhìn chiến lược của ông, Trường Sơn là một chiến trường tổng hợp, nơi mọi lực lượng đều phải bám đường, bám xe, lấy tư tưởng tiến công làm chủ đạo chứ không thể chỉ ở thế phòng ngự. Từ chuyện đá hóa mặt đường, lấy vận tải cơ giới làm chủ yếu và hoạt động lấn vào ban ngày, trang bị thông tin hữu tuyến đến từng đơn vị, từng trạm chỉ huy và trận địa phòng không, đã đưa đến cuộc cách mạng tư duy - hành động trên đường Trường Sơn. Công binh luôn túc trực để sửa đường hư, mở đường mới; cao xạ phải đánh được máy bay để bảo vệ xe; cứu thương phải kịp thời có mặt; và xe phải chạy thành đội hình đại đội, tiểu đoàn, có chỉ huy đi cùng.

Từ sau thay đổi cơ bản này, trong những chiến dịch lớn sau đó: Mậu Thân, A Sầu - A Lưới, đường 9 - Khe Sanh, Lam Sơn 719..., Đoàn 559 không chỉ làm công tác hậu cần mà còn hiệp đồng tác chiến cực kỳ hiệu quả, và đường Trường Sơn đã phát triển sang cả phía tây...

“Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ là con đường tiếp tế. Nó là biểu tượng cho cả cuộc chiến tranh Việt Nam... Phải thấy rằng nếu không có nó, chiến tranh đã có thể kết thúc về phía Mỹ...” - Jean Pierre Van Geirt, nhà báo người Bỉ, tác giả tập sách Đường mòn Hồ Chí Minh xuất bản năm 1971 đã viết như thế. Trên báo Le Figaro, nhà báo Jacques Rona viết: “Đường mòn Hồ Chí Minh không thể phá hủy được”.


Đoàn xe chở hàng cho chiến trường miền Nam trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại - Ảnh: tư liệu TTXVN 

Đoàn 559, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học quân sự Việt Nam, đã làm thất bại “chiến tranh điện tử” của người Mỹ, vô hiệu hóa bom từ trường, máy cảm ứng âm thanh..., thành lập những sư đoàn binh chủng cơ động trực thuộc Bộ Tư lệnh 559, tiến đến mức hoạt động vào ban ngày và không chỉ vào mùa khô, qua hệ thống đường vòng tránh máy bay, đường chạy dưới tán rừng, và việc cơ giới hóa bộ binh vào thời kỳ cuối của cuộc chiến. Bên cạnh đó, còn cả hệ thống đường dây thông tin và hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu chạy vào đến tận Nam Bộ. Chính từ thành tựu này mà Đồng Sỹ Nguyên được người Mỹ mệnh danh là Vị tướng của trận đồ bát quái xuyên rừng rậm bên cạnh cái tên mà đồng đội đã gọi ông: Con người nhất dạ sinh bá kế. “Ông ấy biết rõ từng mét vuông của đường mòn Hồ Chí Minh, khung cảnh, hoạt động của con đường trong suốt cuộc kháng chiến. Và đó là lý do tại sao ông ấy và cuộc kháng chiến đã thành công” - nhận định của nữ nhà báo người Anh Virigina Moris, tác giả tập sách Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường dẫn tới tự do.  Từ công trạng của mình, Đồng Sỹ Nguyên đã được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng vào năm 1974.

Nhưng Đồng Sỹ Nguyên không chỉ là con người của chiến tranh. Sau 1975, ông được huy động vào công cuộc xây dựng đất nước khi lần lượt nhận các nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Những thành quả trong thời gian ông là Bộ trưởng Xây dựng: khu gang thép Thái Nguyên, các nhà máy xi măng Bỉm Sơn, xi măng Hải Phòng, nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Hòa Bình... Thời gian là Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông đã cho xây cầu Chương Dương, mở rộng 4 cửa ô Hà Nội, chú trọng vận tải đường sông - đường biển, góp phần giải quyết các vấn đề giá - lương - tiền, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng. Nguyên tắc hành động của ông là: “Làm thế nào lợi ích cho toàn dân thì làm”.

Là người biết rõ những hy sinh to lớn và thầm lặng của hàng vạn chiến sĩ Trường Sơn, nhất là sau chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972 và cuộc chiến giữ thành cổ Quảng Trị, ông đã xúc tiến việc xây dựng nghĩa trang Trường Sơn có quy mô hơn 100 hec-ta, ôm trọn ba quả đồi đầy thông và phi lao, với hơn 10.000 ngôi mộ, khởi công từ cuối năm 1974 khi chiến tranh còn chưa kết thúc. Và ông cũng chính là người được Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ chỉ đạo việc xây dựng xa lộ Bắc - Nam, tức đường Hồ Chí Minh mới, chạy dài từ Pắc Bó - Cao Bằng đến tận Đất Mũi - Cà Mau...

 
Tướng Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh năm 1923 tại thôn Trung, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, bên dòng sông Gianh. Ông nội ông là sĩ phu tham gia phong trào Cần Vương, gia đình có bảy anh em đều tham gia cách mạng.

Giờ đây, ở tuổi 86, nỗi lòng ông vẫn canh cánh với Trường Sơn, bởi Trường Sơn luôn là máu thịt cả đời ông. Trong một bài viết nhân ngày 30.4.2009 đăng trên báo điện tử Vietnamnet, ông đã bộc bạch: "Phải mất bao nhiêu đời, bao nhiêu xương máu, ta mới giành lại được Tây Nguyên - nơi có con đường Hồ Chí Minh huyền thoại chạy qua... Trong thời chiến, thời bình và cả sau này cũng vậy, địa chiến lược, địa quân sự Tây Nguyên luôn là yếu huyệt, vì thế làm gì ở Tây Nguyên cũng phải rất cẩn trọng... Đảng và Nhà nước phải có chính sách lo cho Tây Nguyên phát triển ngang tầm với vị trí chiến lược trọng yếu. Thiếu vốn thì đi vay, thiếu máy móc thì mua về, thiếu chuyên gia thì đào tạo. Nhưng tuyệt đối không được cho bất kỳ nước nào vào Tây Nguyên. Xây dựng Tây Nguyên phải do chính bàn tay người Việt Nam làm".

(*) Xem phim tài liệu Tướng Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại (TFS sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hải Anh)

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.