Trường Sơn ký sự: Lên non xem đi sim

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
11/12/2022 06:44 GMT+7

Dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy dọc phía tây miền Trung, giáp nước bạn Lào cũng là nơi quần cư của nhiều dân tộc thiểu số anh em, như: Pa Kôh, Tà Ôi, Cơ Tu...

Bao đời nay, tận sâu trong các bản làng, đời sống văn hóa, tập tục của đồng bào vùng cao luôn chứa nhiều câu chuyện lạ lùng, thú vị...

Xem thực cảnh tái hiện hội đi sim của người Pa Kôh trên dãy Trường Sơn, nhiều người thích thú với câu hỏi: giữa cảnh trăng thanh gió mát, con suối chảy róc rách... lại chỉ có 1 trai 1 gái đang tuổi hừng hực nhựa sống, người xưa làm gì để vượt qua cám dỗ xác thịt mà làm nên một tập tục đẹp?

Lời tỏ tình bên chòi "tránh hổ"

Bên dòng suối Pâr Le (xã Hồng Hạ, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế), nam nghệ nhân trong bộ khố truyền thống, sau một hồi lân la dưới a tiêng (loại nhà sàn cột cao trên 3 m) mới mạnh dạn cất cao tiếng hát: "Kăn aun ơi kăn aun/Kô tạ imo ichom tôông/Tệêt dệêt te pôông Anaang/Kăn kliẹk ơi kăn klaang/Tệêt dệêt te tua Târ Đin" (tạm dịch: Kăn aun hỡi nàng ơi/Làm sao anh với được/Em như chim kakliẹc/Vời vợi trên đỉnh A Nang/Em như chim kalang/Vời vợi trên ngọn Târ Đin). Từ trong a tiêng, một nữ nghệ nhân khác trong vai cô gái tuổi mới lớn tỏ ra e thẹn, ngượng ngùng đáp lại bằng những lời ca, đại ý mời chàng trai lên chơi. Và rồi, chiếc thang dài chừng 4 m được kéo lên. Cánh cửa a tiêng hờ khép. Bên bếp lửa đủ soi tỏ mặt người, đôi trai gái "vào cuộc" đi sim (pôộc xu).

Khoảng 4 năm qua, pôộc xu được ngành văn hóa H.A Lưới tái hiện bởi những hoạt cảnh sống động và chân thực như thế. Nhiều người khi đến tìm hiểu, tham quan đã tỏ ra thích thú vì những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Kôh được phục dựng một cách tỉ mỉ, đúng nguyên bản từ câu hát đối cho đến trang phục cổ… Điều khiến cho nhiều người tò mò nhất chính là căn a tiêng nơi có hình dáng bên ngoài rất giống như nhà sàn nhưng lại cao lêu đêu. Bà Ta Dư Tư, Phó trưởng Phòng VH-TT H.A Lưới, cười bảo: "Đúng là căn nhà sàn rất… ốm. Nó chỉ vừa cho đôi trai gái trú lại qua đêm nhưng cao 3 m. Ngày xưa, a tiêng phải cao 5 m để tránh thú dữ, nhất là con hổ".

Những a tiêng được dựng lên bên suối Pâr Le thơ mộng càng tôn vinh giá trị của nét đẹp đi sim

HOÀNG SƠN

Chuyện kể rằng, xưa kia, một gia đình nọ có con gái đến tuổi cập kê, bố mẹ lên rẫy để dựng một a tiêng bên dốc núi. Mùa trăng năm ấy, cô gái đang trong chòi nhóm bếp, chợt nghe tiếng rột roạt. Tưởng người yêu đến thăm như bao hôm, cô mở cửa thì không ngờ bị một con hổ vồ chết. Anh người yêu đến thăm, vừa bước lên bậc cầu thang thì tá hỏa khi thấy người yêu không còn nguyên vẹn. Anh đau khổ cầm ngọn đuốc đuổi con hổ đi rồi thất thần trở về làng báo tin. "Kể từ đó, a tiêng được dựng lên khá cao. Người con trai khi được cô gái nhận lời hò hẹn thì chiếc thang mới được thả xuống. Và khi họ đã ở trong chòi thì chiếc thang cũng được thu lên…", bà Tư kể.

"Bùn không đi tìm để ngâm con trâu…"

Theo lời bà Tư, không phải chàng trai nào cũng may mắn cùng cô gái mình thương nhớ thu lại chiếc thang để cất trên a tiêng. Được đặt chân lên đó là cả quá trình mà những già làng tại H.A Lưới ví von rằng "con trống phải làm con mái ưng cái bụng". Mỗi mùa trăng đến, dưới a tiêng của những cô gái khi nào cũng dập dìu bóng dáng của những thanh niên. Họ thi nhau trổ tài văn nghệ. Người thì khéo léo gảy đàn abeel - âng krao, lại có chàng vừa nhảy vừa thổi khèn bè… Hoặc biết cô gái có tài hát đối, các chàng lại tha thiết cất cao giai điệu cha chấp, xiềng, ba bói…

"Bản lĩnh của mỗi chàng trai được "đóng đinh" bởi số lần được ghé các a tiêng. Dù cô gái đó có trao "món cỗ tình yêu" hay không thì được ghé chơi đã là điều vinh hạnh cho các chàng trai. Ngược lại, có chàng trai băng biết bao cánh rừng, lội bao con suối, hết a tiêng này đến a tiêng khác… nhưng lại không có cô gái nào động lòng. Có người đi sim 5 - 7 năm trời mới tìm được vợ", già làng Hồ Văn Hạnh (75 tuổi, trú tại thôn A Niêng Lê Triêng, xã Trung Sơn) khề khà. Già bảo, thế hệ đi sim mà nên vợ chồng ngày xưa nay đã lần lượt về với Yàng (trời). Ở xóm Đụt Lê Triêng 2 của xã chỉ còn lại ông Quỳnh Thanh, còn cụ bà cũng đã mất. Nhờ các đàn anh kể lại, già Hạnh mới biết "món cỗ tình yêu" chỉ được trao cho người mà cô gái mến thương.

"Không phải cứ được lên a tiêng là được cô gái yêu đâu. Phải đến khi dưới ánh lửa hồng, cô gái trao cho chàng trai "món cỗ tình yêu" thì khi đó mới gọi là mở lòng tìm hiểu nhau. Gọi là cỗ nhưng thực ra đó chỉ là những món ngon giản dị như cơm nếp, cá khô, thịt gà… Người con trai mừng lắm. Họ sẽ cho cô gái những lễ vật quý như vòng tay, mã não hay thậm chí cả tiền nữa đấy", già Hạnh tiếp lời. Rạng sáng khi trở về nhà, cô gái mang những lễ vật về "báo cáo" cho bố mẹ. Nếu cho tiền, gia đình nhà gái dành mua thức ăn ngon để con gái mang lên đãi chàng trai cho những đêm tiếp theo.

Hình ảnh hội đi sim của người Pa Kôh được ngành văn hóa tái hiện tại xã Hồng Hạ

UBND H.A LƯỚI

Đoạn tôi hỏi: điều gì đã xảy ra nếu ngày qua ngày, tháng lại tháng, những cuộc hò hẹn diễn ra trong căn chòi chỉ vừa đủ 2 người ngủ, già Hạnh bật cười: "Thì cứ thử làm gì đi để coi hậu quả thế nào. Này nhé, từ xưa không có thuốc tránh thai như bây giờ. Nếu vi phạm, cả làng sẽ phạt rất nặng. Luật tục không chừa một ai. Anh dám làm gì khi biết trước nếu phạm luật sẽ bị phạt bò, dê để rửa tội với Yàng. Nặng nhất là phạt đến con trâu để cúng thần núi… Cặp đôi có tội phải công khai cho cả làng biết".

Cụ già lại hất hàm: "Mà còn nữa, nếu khác làng, đôi trẻ đều bị phạt nhưng lễ vật thì phía đàng trai phải lo liệu tất. Người Pa Kôh chúng tôi lý giải đơn giản lắm: con trâu có nóng mới đi tìm bùn để ngâm, chứ bùn không đi tìm để ngâm con trâu".

Bài học về tình yêu trong sáng

Từng làm Trưởng phòng VH-TT H.A Lưới trong nhiều năm, già làng Nguyễn Hoài Nam (75 tuổi, người Cơ Tu, trú tại xã Hồng Hạ) nhận xét, tục đi sim của người Pa Kôh, Tà Ôi hay người Cơ Tu về hình thức đều giống nhau. Cái đẹp nhất của tục đi sim chính là sự ràng buộc của luật tục khiến những cặp đôi trai gái dù ở a tiêng biết bao mùa rẫy mà vẫn gìn giữ sự trong sáng của tình yêu, hiếm có chuyện "ăn cơm trước kẻng". "Bởi cả 2 hiểu những hà khắc của luật tục. Bước qua ranh giới đó chính là bi kịch của cả gia đình và dòng họ", già Nam phân tích. Chính muốn tôn vinh giá trị của đi sim mà khi được mời làm "đạo diễn" tái hiện tập tục này, già đã nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sao người xem thấy rõ: dù bối cảnh nhiều cám dỗ là thế nhưng các đôi trai gái vẫn giữ được mình…

"Để đi sim thì con trai phải đàn hát, con gái phải khoe sắc nên tập tục này còn giới thiệu đến người xem nào là dân ca, dân vũ, dân nhạc, nào là trang phục, trang sức truyền thống… Hay nhất là đi sim được tái hiện sẽ giúp thế hệ trẻ cảm nhận được những nét đẹp trong đời sống đồng bào từ xưa. Từ đó mà tự rèn mình trong tình yêu, hôn nhân…", già Nam nói. Già Hồ Văn Hạnh cũng đồng ý rằng, đi sim chính là bài học hay nhất về việc trai gái phải giữ mình trước khi tiến đến hôn nhân. "Xưa, cô gái được các chàng trai săn đón thì được cho nhiều đồ vật quý. Ngày nay, cô gái biết giữ mình cũng sẽ lấy được người chồng tốt vậy…", già Hạnh đúc kết giản dị.

Nhà nghiên cứu văn hóa Tà Ôi - Pa Kôh Trần Nguyễn Khánh Phong phân tích, cái hay, cái đẹp và độc đáo nhất của tục đi sim ở chỗ, từng đôi trai gái mới lớn cùng ăn ở, cùng đắp tấm zèng (thổ cẩm) ấm cúng qua đêm trong cái chòi cách biệt với khung cảnh đầy lãng mạn trong thời gian dài như vậy nhưng họ chỉ trao nhau nụ hôn cháy bỏng, vòng tay êm ấm, giữ nguyên tình yêu trong sáng chứ không bao giờ phạm chuyện “chăn gối”. "Bởi họ quan niệm, chuyện “chăn gối” là chuyện thiêng liêng nhất của đời người, chỉ khi nào thành vợ thành chồng họ mới dâng hiến cho nhau. Còn khi yêu nhau mà phạm chuyện đó thì thật xấu hổ, dơ bẩn, nhục nhã... Vì thế, các chàng trai cô gái đã đến tuổi vẫn đi sim thoải mái không cha mẹ nào ngăn cấm nhưng tuyệt đối không phạm tục đi sim", ông Phong nói. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.