Trương Thanh Hằng tấn công HCV châu Á

06/07/2011 00:55 GMT+7

Trương Thanh Hằng và đồng đội đã lên đường sang Kobe, Nhật Bản rạng sáng qua. Trong khi Vũ Thị Hương ở lại nhà vì đang dưỡng thương, mọi hy vọng của VN ở giải vô địch châu Á dồn cả vào vai cô gái tuổi Dần...

Trương Thanh Hằng và đồng đội đã lên đường sang Kobe, Nhật Bản rạng sáng qua. Trong khi Vũ Thị Hương ở lại nhà vì đang dưỡng thương, mọi hy vọng của VN ở giải vô địch châu Á dồn cả vào vai cô gái tuổi Dần...

Trụ cột của cả gia đình

“Cô gái Bính Dần” - HLV Hồ Thị Từ Tâm gọi Hằng bằng cái “nick name” như thế. Yêu học trò cưng như con ruột, nhưng HLV Từ Tâm toàn “than thở” khi nói đến Hằng: “Tuổi hổ nhưng con nhỏ lại quá lành, ít nói mà sâu sắc và rất chịu thương chịu khó chăm chỉ tập luyện. Tính cách bẩm sinh đã vậy lại cộng với nghiệp chạy cự ly trung bình, càng rèn cho Hằng đức tính kiên nhẫn”. Rất khác với cá tính khá dữ dội của Vũ Thị Hương, Hằng thâm trầm và sự khắc khổ, lo toan dường như toát cả lên gương mặt lẫn dáng hình.


 Thanh Hằng là kỳ vọng duy nhất của điền kinh VN - Ảnh: Bạch Dương

Năm nay Hằng 25 tuổi, cô con gái thứ 2 của gia đình ngoài “nhiệm vụ quốc gia” còn gánh vác thêm một trọng trách rất đáng kể nữa là làm trụ cột về kinh tế cho bố mẹ. Nhà Hằng không dư dả. Bố là bảo vệ Trung tâm y tế Q.2, TP.HCM. Mẹ bán hàng nhỏ lẻ, thu nhập thấp. Cậu em trai út năm nay lên lớp 12, cậu nữa sinh năm 1991 vừa hoàn thành nghĩa vụ chưa có công ăn việc làm. Chị gái cả đã đi lấy chồng và có 3 con. Hồi mấy năm trước, Hằng suy nghĩ rất nhiều rồi mới quyết định chia tay TP.HCM để đầu quân cho Ninh Bình. Về bến đỗ mới, tiền lương mười mấy triệu đồng tháng cũng đủ giúp Hằng lo cho các em và bố mẹ.

Hằng kể: “Chế độ tuyển thủ quốc gia cũng đủ cho tôi rồi. Còn tiền lương tôi không lĩnh mà chia thành nhiều “ngăn”. Ngăn chuyển về nhà và trích lại một ngăn nho nhỏ, dành dụm cho học tập sau này”. Hằng đang “dùi mài kinh sử” ở Đại học TDTT ở Đà Nẵng, năm thứ 2 chuyên khoa điền kinh. Các thầy cho Hằng nợ môn đến khi nào không vướng tập huấn và thi đấu thì về học và trả bài sau. Hỏi Hằng, đã bao giờ bố mẹ giục cô lo chuyện gia đình, Hằng lại nhỏ nhẹ kể về quá khứ: “Hồi học lớp 5, tôi đoạt giải nhì giải các trường tiểu học trên quận nên được chọn đi thi thành phố. Ba mẹ ngăn cản dữ lắm vì không muốn con gái theo đuổi điền kinh. Nhưng khi tôi được gọi lên tuyển, ba mẹ lại rất tự hào và đồng ý cho đi. Bây giờ, ba mẹ tôi cũng biết, sự nghiệp quốc gia đang đặt lên hàng đầu nên cũng không thúc giục gì đâu”.  Hình như Hằng đang muốn giấu câu chuyện tình yêu thầm kín với một đồng đội cũng khá nổi tiếng. Cô gái tuổi Dần bảo rằng, chưa nghĩ sâu đến chuyện sẽ lấy ai, thời gian rảnh rỗi chỉ thích nấu ăn, nghe nhạc, thích giọng ca Cẩm Ly và ngắm nhìn  hình ảnh Tăng Thanh Hà trên báo chí.

Mong chờ tin vui

Khi Hằng về nước sau gần một tháng tập huấn ở Đức, chuyên gia Uwe đã gặp Hằng nói chuyện rất dài và gửi gắm vào Hằng rất nhiều kỳ vọng. Gặp PV Báo Thanh Niên, ông khen Hằng có tố chất tốt, kỹ thuật khá hoàn hảo nhưng tâm lý lại hơi bất ổn nên ở giải châu Á cần điều chỉnh chiến thuật cho thật hợp lý. Ông bảo Hằng có khả năng đoạt HCV cự ly sở trường 800m và HCB cự ly 1.500m.

Cũng theo học trò sang Nhật, HLV Từ Tâm chia sẻ: “Hằng mới chỉ được tham dự các giải đấu trong khu vực Đông Nam Á và hiếm hoi một số giải trong phạm vi châu Á. Vì thế, Hằng thường chỉ tự tin thi đấu ở những giải như SEA Games và khi tới những giải đấu lớn thì lại tỏ ra hồi hộp, căng thẳng, ngay cả ở ASIAD. Cũng vì chưa tin vào bản thân nên Hằng thường không dám tấn công ngay chặng đầu, điều đó cũng ảnh hưởng đến thành tích của Hằng. Ở chuyến tập huấn tại Đức của Hằng, tôi cũng đã trao đổi thêm với chuyên gia Gunter Lange, chuyên gia Uwe và cùng thống nhất điều chỉnh chiến thuật là cần tấn công ngay từ đầu”.

Hai ngày nữa, Hằng sẽ bước vào đường đua 1.500m với 14 đối thủ khác và một điều có thể tạm coi là khá may mắn khi cự ly này thiếu vắng đương kim vô địch ASIAD 16 - VĐV Bahrain gốc Etiopia Yusul Isa (từng hai lần vô địch thế giới). Nhưng trên đường chạy 800m có 10 VĐV, và Hằng sẽ phải đối đầu với 2 “hàng khủng” là Margarita Matsko (Kazakhstan) - đương kim vô địch ASIAD có thành tích tốt nhất với thông số 2 phút 0 giây 29 và đặc biệt Tintu Luka (Ấn Độ, sinh năm 1989) có thành tích 1 phút 59 giây 17. Áp lực thì mênh mông nên Hằng chỉ nhỏ nhẹ: “Tôi sẽ cố gắng hết sức để đoạt huy chương và vượt qua thành tích của chính mình ở ASIAD là 2 phút 1 giây 93”. Nếu đạt đúng thông số này, Hằng chính thức ghi tên mình ở Olympic London.

Đình Cương suýt không sang Nhật vì trưởng đoàn quên hộ chiếu

Trước chuyến bay vào 0 giờ ngày 5.7 tại sân bay Nội Bài, đội tuyển điền kinh VN đã vấp phải một sự cố hy hữu. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, Nguyễn Đình Cương đã phát hiện không có hộ chiếu. Hỏi trưởng đoàn Dương Đức Thủy (Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT) là người đi lo hộ chiếu và visa cho các VĐV thì mới tá hỏa là thất lạc ở đâu đó mà chính ông Thủy cũng không nhớ. Bắt buộc, Cương phải ở lại nhưng vẫn đăng ký chuyến bay khác. 15 giờ chiều qua, Cương đã phải đến Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội để xin cấp lại thì rất may mắn, hộ chiếu của anh vẫn ở đại sứ quán vì ông Thủy... quên không cầm. 0 giờ sáng nay, anh đã bay sang Nhật và 15 giờ chiều cùng ngày (giờ VN), sẽ bước vào thi đấu cự ly 800m. Vũ Văn Huyện cũng sẽ thi đấu ở nội dung 10 môn phối hợp nam.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.