Trường TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại di động, phụ huynh: 'Mong áp dụng toàn quốc'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/09/2024 19:07 GMT+7

Phía dưới bài viết của Báo Thanh Niên về Trường THPT Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại di động trong toàn bộ thời gian 8 tiết chính khóa tại trường, kể cả giờ ra chơi, bạn đọc rần rần ủng hộ. Nhiều người nói 'Mong áp dụng toàn quốc'.

Trường TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại di động, phụ huynh: 'Mong áp dụng toàn quốc'- Ảnh 1.

Học sinh lớp 10 Trường THPT Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM. Từ đầu năm học 2024-2025, trường cấm học sinh dùng điện thoại di động trong suốt thời gian chính khóa, kể cả giờ ra chơi

ẢNH: TRƯỜNG THPT THẠNH LỘC

Từ ngày 11.9.2024, Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài viết 'Nên cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học mạnh tay hơn?', các bài viết này nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Phía dưới các bài viết, bạn đọc gửi các ý kiến, bày tỏ việc nên cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học là cần thiết.

Bạn đọc Bùi Văn Bình viết: "Cấm luôn chứ không phải nên cấm, bây giờ rất nhiều phụ huynh coi con mình là vàng là bạc, chiều chuộng hết mức đa phần thành hư. Tất yếu bảo vệ và thương yêu trẻ là cần thiết nhưng không phải là chiều chuộng và yêu thương mù quáng để sau này hối hận. Phải để trẻ biết khổ, biết khó, biết tự lập thì sau ra đời gặp khó, gặp khổ mới trưởng thành được".

Bạn đọc Hai Nguyen nói: "Việc này đáng ra Bộ GD-ĐT phải cấm từ lâu rồi". Phụ huynh Au Nguyen nêu quan điểm: "Cấm thì cấm triệt để, chỉ cho dùng điện thoại cục gạch thôi để phụ huynh liên lạc, chứ giờ lên lớp thấy giáo viên lập nhóm Zalo lớp để thông báo và ra bài tập, làm như vậy thì khỏe cho giáo viên chỉ cần lên file, rồi nhấp chuột là đã có bài cho học sinh học, không cần đọc viết. Tôi nhà khó khăn, nhưng con vào lớp 10 cũng phải cố mua cho con chiếc điện thoại để khi nhà trường ra bài có để làm".

Thăm dò ý kiến

Nên cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Một phụ huynh giấu tên cho biết: "Nên làm ngay, đừng chần chừ việc cấm điện thoại trong giờ học. Cô thầy cũng phải làm gương chứ nói thật cấm học sinh mà cô thầy vẫn dùng thì khó nói lắm. Vì hiện tại một số cô thầy, khi học sinh làm bài cô thầy lại xem điện thoại thì nói học sinh làm sao được".

Đáng chú ý, bài viết "Trường THPT ở TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại di động, kể cả giờ ra chơi", viết về Trường THPT Thạnh Lộc, Q.12 cấm học sinh dùng điện thoại di động trong suốt 8 tiết học trong trường, kể cả giờ ra chơi, đồng thời yêu cầu giáo viên không dùng điện thoại di động trong giờ giảng dạy đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh. Nhiều bình luận tán thành được gửi về tòa soạn, trên báo điện tử Thanh Niên Online cũng như Fanpage của Báo Thanh Niên.

Người đọc có tên tài khoản Mai Anh Toàn viết: "Tôi cũng là nhà giáo. Nhưng tôi nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại, tai nghe khi tôi giảng bài. Chỉ được dùng điện thoại khi tôi cho phép hoặc sử dụng để tra cứu, tìm những hình ảnh, video liên quan đến bài học. Việc cấm học sinh không mang điện thoại vào trường cần linh hoạt hài hòa".

Bạn đọc Huân Nguyễn Cao nói: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cấm học sinh dùng điện thoại di động, kể cả giờ ra chơi. Chúng ta nên mạnh dạn triển khai trên toàn quốc". Cùng quan điểm này, phụ huynh Nguyen Minh gửi về tòa soạn: "Ủng hộ chủ trương của nhà trường. Nên áp dụng trên toàn quốc". Độc giả Lam Liễu chia sẻ: "Giơ 2 tay ủng hộ".

Trường TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại di động, phụ huynh: 'Mong áp dụng toàn quốc'- Ảnh 2.

Không dùng điện thoại di động trong thời gian chính khóa trong nhà trường giúp học sinh kết nối với bạn bè, thầy cô nhiều hơn

ẢNH: TRƯỜNG THPT THẠNH LỘC

Tài khoản mP4lwEdy7xGWawBQVraSnA viết: "Đây là quyết định rất hay của trường, nhằm tăng sự tương tác cho học sinh. Rất mong được sự ủng hộ rộng rãi của các bậc phụ huynh. Xin chân thành cảm ơn".

Tài khoản Thoa Nguyen nêu quan điểm: "Tui hoan nghênh quyết định này. Hơi lạc đề xíu nhưng tui đề nghị bác sĩ khi khám bệnh và đọc phim chụp XQ, MRI... thì không dùng điện thoại. Tui thấy nhiều bác sĩ khám bệnh nhưng cứ gọi điện thoại đặt hàng, gọi điện thoại về cho con, cho người thân... và không chú ý khám bệnh. Điều này rất nguy hiểm. Nhất là khi đọc phim mà còn kè kè điện thoại ở bên chờ người gọi đến. Tui xin cảm ơn".

Phụ huynh Hiep Luong bày tỏ: "Tôi rất ngưỡng mộ thầy Hiệu trưởng của Trường THPT Thạnh Lộc. Thấy dám nghĩ và biết cách làm để tốt cho học sinh, không như trường con tôi đang học, việc nhỏ việc to gì cũng phải đợi phụ huynh nêu ý kiến, xong vẫn để đó không dám quyết việc nào".

Người dùng có tài khoản minh198hcm viết: "Rất ủng hộ nhà trường, mong sao các trường khác cũng vậy. Ngày xưa không có điện thoại học trò kết nối với nhau nhiều hơn, còn bây giờ chỉ tụ tập chơi game".

Tài khoản Đỗ Thị Hương nói: "Dạ! Em mong cấm học sinh xài điện thoại trong tất cả các trường học. Vì đơn giản các con chúi mặt vào điện thoại và sống ảo". Đây cũng là quan điểm của tài khoản Xuân Huy: "Đề nghị Bộ GD-ĐT áp dụng việc này trên toàn quốc". "Điện thoại và khẩu trang làm cho học trò trở thành "người giấu mặt", không tha thiết giao tiếp với người khác", tài khoản Le Quoc Doanh thẳng thắn.

Một số bạn đọc băn khoăn

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ việc cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường, một số bạn đọc bày tỏ sự băn khoăn. Một độc giả để lại bình luận trên Thanh Niên Online: "Tôi không thấy điều này là hợp lý, ở độ tuổi 15 thì các em đã phải tự nhận thức được hành vi của mình. Việc em học hay em không học là do ý thức, ví dụ em có ý thức học tập sẵn thì tôi tin là nếu sử dụng điện thoại trong giờ học thì đó chắc chắn là mục đích cần thiết. Còn nếu em đã không có ý học rồi thì có cấm cản mấy cũng thế thôi. Hơn nữa việc cấm này có chút xâm phạm đến quyền tự do, thiết nghĩ nên áp dụng như bậc đại học".

Bạn đọc tuấn hoang nêu ý kiến: "Không phải cứ cấm là tốt. Các nước học sinh vẫn sử dụng điện thoại trong trường. Quan trọng là giáo dục hạn chế tác hại nếu sử dụng điện thoại quá nhiều".

Phụ huynh TYqUSFVx7xGWawBQVraSnA để lại bình luận: "Chương trình giáo dục 2018 là dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, lớp học đảo ngược, học sinh tự tìm hiểu nội dung bài học, giáo viên chỉ là hướng dẫn và tổng hợp kiến thức. Yêu cầu chuyển đổi số: học liệu số, sổ điểm số, học bạ số,... đánh giá học sinh bằng hình thức trực tuyến, 30% tự học trên học liệu số. Vậy mà bảo cấm điện thoại thì học kiểu gì. Cấm điện thoại nghĩa là lên lớp chỉ có một chiều, giáo viên giảng và học sinh chỉ biết câm nín lắng nghe, vậy thì quay về lối dạy truyền thống, không phải theo chương trình 2018".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.