Trường trung cấp thoi thóp

10/09/2013 10:50 GMT+7

Không lúc nào các trường trung cấp chuyên nghiệp thực sự dễ dàng trong tuyển sinh. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể nói là bi đát nhất kể từ trước tới giờ.

Trường trung cấp thoi thóp
Đa số các trường TCCN ngoài công lập ngại đầu tư nên cơ sở vật chất rất kém - Ảnh: Nhân Phạm

Liều mình làm sai để tồn tại

Có nhiều lý do khiến các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ngày càng khó khăn. Đó là công tác phân luồng chưa hiệu quả, trường ĐH vẫn tiếp tục đào tạo TCCN đến năm 2017, tâm lý chuộng bằng cấp cao, siết chặt quy định về liên thông… Những lý do trên khiến toàn bộ hệ thống trường này hết sức lao đao.

Ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TP.HCM, Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn, cho rằng: “Chính sách hay thay đổi, lúc cho trường ĐH đào tạo TC, lúc lại cấm, rồi lại cho đào tạo đến năm 2017 khiến các trường sống lay lắt, hồi hộp”.

Đối với các trường ngoài công lập, có thể nói là “đang thoi thóp”. Ông Khoa nhìn nhận: “Những trường nào đã có đất, có cơ sở thì còn cầm cự được. Chỉ cần mỗi năm tuyển được khoảng 200 học sinh (HS) là thu đủ bù chi. Trường nào phải đi thuê mướn cơ sở, chắc chắn đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Không ít trường lỗ từ mấy năm nay, hiện đang sống dở chết dở”. Theo tính toán, nếu thuê mặt bằng, hằng tháng phải trả từ 100 - 150 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải chi các khoản như: lương giáo viên - nhân viên 40 - 50%, chi phí quảng bá tuyển sinh 7 - 10%, các hoạt động còn lại 10%. Đó là chưa kể phải đầu tư thêm vào cơ sở vật chất, thiết bị. Giả sử thu học phí 10 triệu đồng/năm, chỉ tuyển được khoảng 180 HS thì mỗi năm sẽ lỗ khoảng 200 triệu đồng.

Năm 2011, Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn chỉ tuyển được 180 HS trên 500 chỉ tiêu, năm 2012 tuyển được 150 HS. Đến thời điểm này, trường mới tuyển được chưa đến 20% chỉ tiêu. PGS-TS Bùi Ngọc Oánh, Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á, buồn bã cho biết: “Trường được cấp 1.800 chỉ tiêu. So với năm ngoái, lượng hồ sơ năm nay chưa bằng một nửa”. Những trường TCCN đang trông chờ các trường ĐH, CĐ xét tuyển xong bổ sung để hy vọng nhận thêm thí sinh.

Để tìm cách cầm cự, có trường mở các lớp đào tạo ngắn hạn từ 3 - 6 tháng thêm nguồn thu. Không ít trường làm liều, liên kết tuyển sinh không phép nhằm có thêm người học, mặc dù biết đó là việc sai trái.

Không dám đầu tư

 

Không ít trường lỗ từ mấy năm nay, hiện đang sống dở chết dở

ĐỖ HỮU KHOA - Chủ tịch Khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TP.HCM

Do chỉ cố tìm cách để làm sao cho khỏi bù lỗ quá nhiều nên không mấy trường có kinh phí hoặc dám bỏ tiền đầu tư.

Trường TC Tin học - Kinh tế Sài Gòn hoạt động trên tòa nhà vốn sửa đổi từ căn hộ gia đình nên chưa đúng với tiêu chuẩn của một trường học. Đất chật, chỗ để xe gói gọn trong cái sân nhỏ, không có không gian cho HS sinh hoạt. Các Trường TC Tây Nam Á, Vạn Tường, Tân Thanh… hiện cũng đang thuê cơ sở khá chật chội với điều kiện học tập, vui chơi còn nhiều hạn chế. PGS-TS Bùi Ngọc Oánh chia sẻ: “Thực ra, chúng tôi cũng rất muốn đầu tư xây dựng trường ở khu đất 2,5 ha tại H.Bình Chánh, tuy nhiên vẫn còn ngập ngừng vì không biết bỏ tiền tỉ ra để có trường lớp rộng rãi khang trang nhưng liệu có tuyển sinh được hay không?”.

Ông Lưu Đức Tiến, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận: “Vì khó khăn về tài chính, không chịu đầu tư lâu dài nên các trường cứ tiếp tục tồn tại trong điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ, giáo viên bị động, chương trình đào tạo cũ kỹ… Như vậy, lại càng không thu hút được HS”. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng để các trường TCCN thoát khỏi tình trạng khó khăn trong tuyển sinh như hiện nay, chỉ còn một cách là đầu tư trường ra trường, lớp ra lớp, nâng cao chất lượng.

Ông Tiến cũng cho rằng, một khi đã đầu tư vào giáo dục, thì phải đầu tư lâu dài mới mong có kết quả: “Trong giai đoạn khó khăn, nhiều trường phải chấp nhận lỗ giống như doanh nghiệp vậy. Trường nào không đủ khả năng để tiếp tục thì phải tính toán, kêu gọi các đối tác chiến lược đủ mạnh. Khẳng định thương hiệu thì phải trong thời gian dài chứ không phải một sớm một chiều là xong”.

Ở khía cạnh khác, ông Phạm Như Nghệ, Vụ phó Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải có sự thay đổi toàn diện trong nhận thức. Ông Nghệ cho rằng bậc TCCN đã có từ lâu nhưng chưa được nhà nước quan tâm nhiều để phát triển. Xã hội chưa nhìn nhận đúng vai trò của người lao động trình độ này. Nhà tuyển dụng đôi khi còn chuộng bằng cấp cao. Tất cả điều này nếu được thay đổi thì người học TC mới có động lực học tập.

Mỹ Quyên

>> Các trường trung cấp tìm cách thu hút thí sinh
>> Trường trung cấp khốn đốn vì trường đại học
>> Nguy cơ mất trường trung cấp nghề

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.