Trường xây 16 tỉ đồng bỏ hoang đã 14 năm

Phạm Đức
Phạm Đức
06/11/2024 07:59 GMT+7

Trường THCS Hương Quang (xã Quang Thọ, H.Vũ Quang, Hà Tĩnh) và Trường THCS Kỳ Lợi (P.Kỳ Trinh, TX.Kỳ Anh) đều được xây dựng tiền tỉ nhưng khi hoàn thành thì thành bỏ hoang, gây lãng phí.

Trường hơn 16 tỉ chưa một lần dạy học

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2011, công trình Trường THCS Hương Quang ở xã Hương Quang (nay là xã Quang Thọ, H.Vũ Quang, Hà Tĩnh) được triển khai xây dựng với nguồn vốn đầu tư hơn 16 tỉ đồng.

Ngôi trường được xây dựng trên diện tích hơn 1 ha, là một trong các hạng mục nằm trong dự án khu tái định cư dành cho người dân xã Hương Quang cũ có nhà ở trong khu vực lòng hồ dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang buộc phải di dời, nay thành trường bỏ hoang.

Trường xây 16 tỉ đồng bỏ hoang đã 14 năm- Ảnh 1.

Ngôi trường bỏ hoang, dù xây hơn 16 tỉ đồng nhưng chưa một lần đón học sinh

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Theo thiết kế, trường học được xây dựng với 2 dãy nhà học 2 tầng, 1 nhà hiệu bộ, nhà ở công vụ, nhà để xe, cổng, khuôn viên, hàng rào, đường nội bộ...

Đến năm 2013, khi người dân xã Hương Quang di dời đến ở trong khu tái định cư cũng là lúc ngôi trường được hoàn thành. Tuy nhiên, do nhiều hộ di dân tự do, số hộ đến sinh sống tại khu tái định cư không đông như kế hoạch, dẫn đến số lượng học sinh không đủ như quy mô trường lớp đã xây dựng. Do vậy, toàn bộ học sinh xã Hương Quang cũ nằm trong độ tuổi THCS được sáp nhập vào học tại trường tại trường cấp 2 ở xã Hương Thọ (H.Vũ Quang) cạnh bên. Năm 2019, xã Hương Quang và xã Hương Thọ sáp nhập thành xã Quang Thọ.

Đến nay, sau 11 năm trôi qua, Trường THCS Hương Quang vẫn chưa một lần phục vụ hoạt động dạy học. Do bị bỏ hoang nhiều năm nên cơ sở vật chất của ngôi trường này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục của trường bị hư hỏng, hoang phế. Trong khuôn viên trường học cỏ dại mọc khắp nơi.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, cho biết Trường THCS Hương Quang được xây dựng nhằm phục vụ con em của hơn 500 hộ dân ở xã Hương Quang cũ phải di dời ra khỏi khu vực lòng hồ dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Quá trình di dời, chỉ có 198 hộ dân về xây nhà ở tại khu tái định cư khiến số học sinh không đủ để tổ chức dạy học tại trường mới xây.

"Trường học bị bỏ hoang khiến cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Địa phương cũng đã nhiều lần báo cáo lên huyện để tìm phương án xử lý nhằm tránh lãng phí nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào khả thi", ông Cường nói.

Trao đổi với phóng viên, bà Phan Hồng Yến, Phó chủ tịch UBND H.Vũ Quang, cho hay dự án xây dựng Trường THCS Hương Quang do Ban đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang làm chủ đầu tư. Từ khi hoàn thành đến nay, trường chưa đưa vào hoạt động.

"Đến năm 2020, khi đại dịch Covid-19 hoành hành thì toàn bộ cơ sở hạ tầng Trường THCS Hương Quang mới được huyện trưng dụng để làm điểm cách ly. Sau khi hết dịch, trường này lại bị bỏ hoang như cũ, do địa phương cũng không có nhu cầu sử dụng. Ngoài trường này, trên địa bàn huyện cũng có một số cơ sở nhà đất thuộc tài sản công dôi dư sau sáp nhập đang bỏ không nhưng chưa có phương án xử lý", bà Yến thừa nhận.

Cũng theo bà Yến, mặc dù UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về việc xử lý cơ sở nhà đất, trụ sở làm việc dôi dư nhằm tránh lãng phí song địa phương vẫn không thể tổ chức bán đấu giá hoặc cho thuê do người dân và doanh nghiệp không có nhu cầu.

Trường xây 16 tỉ đồng bỏ hoang đã 14 năm- Ảnh 2.

Trường THCS Kỳ Lợi hoang tàn sau 14 năm bỏ hoang

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Trường bỏ hoang 14 năm sau khi xây xong

Tương tự, Trường THCS Kỳ Lợi (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được xây dựng vào năm 2010 nhằm phục vụ cho học sinh ở khu tái định cư nhưng đến nay chưa thể hoạt động.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2010, để nhường đất phục vụ cho một số dự án lớn ở Khu kinh tế Vũng Áng, UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương lập khu tái định cư Tân Phúc Thành (P.Kỳ Trinh, TX.Kỳ Anh) để di dời hàng nghìn hộ dân ở xã Kỳ Lợi (TX.Kỳ Anh) lên đây sinh sống. Tỉnh Hà Tĩnh đã chi hơn 33 tỉ đồng, giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh này làm chủ đầu tư để xây trụ sở xã, trường học, trạm xá mới tại khu tái định cư.

Tuy nhiên, số trụ sở mới tại khu tái định cư sau khi hoàn thành vẫn không thể đưa vào sử dụng, bỏ hoang nhiều năm do ngành chức năng không thể di dời hết các hộ dân ở xã Kỳ Lợi theo đúng lộ trình.

Đến năm 2019, sau nhiều nỗ lực, một số trụ sở và trường học tại khu tái định cư Tân Phúc Thành đã được đưa vào hoạt động. Riêng Trường THCS Kỳ Lợi được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 2.000 m2 với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng ở khu tái định cư 14 năm qua chưa một ngày được đón học sinh.

Theo ghi nhận, Trường THCS Kỳ Lợi có một dãy nhà hai tầng với 10 phòng học và một dãy nhà hiệu bộ. Sau nhiều năm bỏ hoang, hệ thống cơ sở vật chất của ngôi trường này đều đã bị hư hỏng nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm trong toàn bộ khuôn viên.

Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, cho biết do số hộ dân của xã đồng ý di dời lên sinh sống tại khu tái định cư đạt thấp khiến số lượng học sinh không đủ tổ chức dạy học. Do đó, Trường THCS Kỳ Lợi dù được xây dựng khang trang nhưng đành phải bỏ không. Trường không thể hoạt động nên trẻ em sinh sống tại khu tái định cư phải sáp nhập vào học tại Trường THCS Kỳ Trinh cũ (nay là Trường THCS Trinh Lợi).

Theo một lãnh đạo UBND TX.Kỳ Anh, do quá trình thực hiện di dời người dân ở xã Kỳ Lợi lên khu tái định cư gặp một số vấn đề nên hiện nay vẫn còn gần 900 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu đang sinh sống ở chỗ cũ.

"Những năm qua, số học sinh thuộc bậc THCS tại xã Kỳ Lợi vẫn đang học tại một điểm trường cũ và một điểm trường ở P.Kỳ Trinh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với tỉnh tiếp tục thực hiện đề án di dời số người dân ở xã Kỳ Lợi còn lại lên khu tái định cư. Khi đã thực hiện xong việc di dời thì sẽ có kế hoạch để sửa sang lại Trường THCS Kỳ Lợi đã xuống cấp, khai thác có hiệu quả", lãnh đạo UBND TX.Kỳ Anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.