Đặc biệt, bổ sung các quy định để quy trách nhiệm của các cơ quan đã bỏ sót, bỏ lọt hành vi này.
Chỉ kỷ luật, không thu hồi được tài sản
Là ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn số liệu báo cáo tổng kết 10 năm thi hành luật cho thấy, số thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra là 59.750 tỉ đồng và 400 ha đất nhưng số tiền thu về chỉ 4.676 tỉ đồng và 219 ha đất, về tiền chỉ tương đương khoảng 10%.
Nguyên nhân, theo ĐB Thủy do pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Thực tiễn vừa qua, có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp dụng kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.
Tuy nhiên, tại điều 122 và 123 của dự thảo vẫn chỉ xử lý đối với người kê khai không đúng. Đối với khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ, không có cơ chế xử lý giống như hiện nay. Vẫn theo ĐB này, tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu rồi mới bị phát hiện, độ ẩn của tội phạm là rất cao. Do đó, nếu như không có các thủ tục tố tụng đặc biệt vượt lên các khuôn khổ pháp lý thông thường thì sẽ không thể xử lý được. “Khác với các tội giết người, cướp của, đánh nhau gây thương tích thì hành vi tham nhũng thường diễn biến trong một thời gian dài, còn có cơ hội tham nhũng là còn rút tiền của ngân sách và sau khi tham nhũng được là tiêu xài lãng phí, tặng cho, chuyển đổi dưới nhiều hình thức. Chính vì vậy, trách nhiệm giải trình và biện pháp chế tài áp dụng trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đã được các quốc gia đặt ra để sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”, ĐB Thủy lưu ý.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo luật phải làm rõ tài sản bất minh có coi là tài sản tham nhũng hay không. Theo ĐB, có hai vấn đề cốt tử trong lần sửa đổi này, thứ nhất là giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng truy lùng đến cùng nguồn gốc các loại tài sản. Từ trước đến nay, việc chuyển dịch và xác lập quyền sở hữu ban đầu cho khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn mà không vấp phải sự kiểm soát của cơ quan nhà nước, trở thành nơi trú ẩn, cất giữ tài sản tham nhũng. Đối với trách nhiệm giải trình tài sản, ĐB Sơn thẳng thắn đề nghị: “Theo tôi, đây phải là trách nhiệm chứng minh và chứng minh nguồn gốc của tài sản đó là hợp pháp. Nếu anh không chứng minh được đó là hợp pháp thì nhà nước có quyền nhân danh xã hội để tịch thu”.
Đánh giá về nghĩa vụ kê khai tài sản, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết, vừa rồi có một số ĐB nêu đồng ý với điều 40 của dự thảo. Đó là hai đối tượng, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Nhưng ông Hiểu đề xuất thêm, cần phải quy định thêm cả bố, mẹ và con đã thành niên. “Thực tế, việc chúng ta xử lý vụ án Giang Kim Đạt, chúng ta đã thấy ông bố là Giang Kim Hiển cũng bị truy tố về tội danh liên quan đến chứa chấp, tiêu thụ tài sản cũng như che giấu tội phạm, liên quan việc ông đó đã đứng tên rất nhiều nhà và tài sản”, ĐB Ngọ Duy Hiểu đề nghị.
tin liên quan
Phó Tư lệnh Quân khu 2: 'Tài sản tham nhũng đâu có cánh mà bay?'Theo thiếu tướng Sùng Thìn Cò, tài sản tham nhũng chỉ có thể chạy vào chỗ thân quen của người tham nhũng chứ không thể có cánh bay đi, do đó, cần cương quyết hơn trong thu hồi loại tài sản này.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), luật Hình sự xác định tội phạm theo nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng đối với phòng, chống tham nhũng nên áp dụng suy đoán có tội, có vi phạm. “Đây là một chế định mà các quốc gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả chính từ chế định này, suy đoán có vi phạm, tức là tài sản không chứng minh được nguồn gốc có nghĩa là bất minh”, ĐB Hồng đề nghị.
|
|
Cũng bức xúc không kém khi đề cập tài sản tham nhũng không thể thu hồi trong 10 năm qua là 55.000 tỉ đồng, tương đương với khoản đầu tư xây dựng cao tốc bắc - nam giai đoạn 2017 - 2020 hay thu ngân sách trong 5 năm của một tỉnh trung bình, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, vấn đề cốt tử trong đạo luật này là phải hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, theo ĐB việc truy ra nguồn gốc tài sản này là trách nhiệm chính của cơ quan nhà nước. “Tôi cho rằng, giải trình về nguồn gốc tài sản là quyền của người có tài sản. Còn chứng minh việc vi phạm hay tội phạm là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nếu buộc người có tài sản phải chứng minh và áp dụng biện pháp suy đoán có tội là áp đặt, duy ý chí. Tôi e rằng như vậy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ biến thành cuộc đấu tố”, ĐB này nói và đề nghị dự thảo luật cần thiết kế một chương riêng về thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó phải tính toán đến các trình tự, thủ tục chặt chẽ để không vênh với quy định pháp luật khác.
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhìn nhận dự thảo luật vẫn tập trung nhiều vào việc hành vi khai man, giấu giếm tài sản đang sở hữu được giả định từ tham nhũng mà có, mà quên đi việc giám sát kê khai tài sản đang có và xem đó như văn bản chứng nhận tài sản hợp pháp cho việc tích lũy và cất giấu tài sản sau này. "Một cán bộ công chức có thể kê khai lần đầu có 1 triệu USD và 2 căn biệt thự không xác định được giá trị do thừa kế để hợp thức hóa cho tài sản tham nhũng sau này mà vẫn không bị điều tra, xác minh. Rõ ràng dự thảo luật còn nhiều sơ hở”, ĐB Thủy nêu.
Tránh bỏ cá lớn, bắt cá nhỏ
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhìn nhận, việc chống tham nhũng theo dự thảo đang bị pha loãng. Theo ĐB Quốc, có rất nhiều tài sản bất minh, nhưng nếu không phải ăn cắp của nhà nước thì không thể gọi là tài sản tham nhũng. “Do đó, cần phải thay đổi cơ chế cho hợp lý, vì nếu cứ tràn lan như thế này thì cuối cùng không có hiệu quả, chính con cá to lọt, chúng ta toàn bắt con cá nhỏ. Chống tham nhũng phải tập trung vào những người sử dụng quyền lực để mưu tư lợi cho mình thì điều đó mới là tham nhũng”, ĐB Quốc đề nghị và cho rằng trước mắt phải tập trung vào những người có khả năng liên quan đến luật, chúng ta đang bàn đến là vấn đề phương hại đến công quỹ quốc gia. “Một công chức có quyền lực, dùng quyền lực đó làm phương hại đến công quỹ thì đấy là tham nhũng. Tôi cho phải làm thế, chúng ta mới có thuốc đặc hiệu, nếu chúng ta cứ pha loãng như thế này chỉ là một thứ uống vắc xin thì cũng rất cần thiết, nhưng chúng ta không khắc phục được thực tế đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ”,ông Quốc nói.
|
Liên quan đến xử lý tài sản tham nhũng, ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) đánh giá, đây là nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng mà lâu nay trên thực tế việc thực hiện rất hạn chế. Cùng với giải pháp xử lý hành chính và hình sự thì việc xử lý thật nghiêm vấn đề tài sản tham nhũng sẽ làm cho người ta không dám tham nhũng. “Theo tôi pháp luật về phòng, chống tham nhũng cần quy định đầy đủ, rõ ràng việc thu hồi được triệt để tài sản tham nhũng dù tài sản đó có bị tẩu tán đến đâu, do ai đứng tên. Không chỉ người phạm tội có nghĩa vụ trả lại tài sản bồi thường thiệt hại mà bất kỳ ai đang chiếm hữu tài sản tham nhũng cũng phải có nghĩa vụ hoàn trả, bồi thường. Pháp luật cần thể hiện sự nghiêm minh, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cũng sẽ góp phần làm triệt tiêu động cơ tham nhũng”, ĐB Chương thẳng thắn góp ý.
Kết thúc phiên thảo luận hôm qua, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu các ý kiến các ĐB đồng thời có đánh giá kỹ tác động đối với các quy định mới để tiếp tục trình Quốc hội xem xét.
Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là 1.113.422 người (tăng 10,8% so với năm 2016); đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai.
Số bản kê khai đã công khai: 1.111.818 bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập (giảm 81,4%). Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp (năm 2016 không phát hiện trường hợp nào).
Năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật (tăng 28 người so với năm 2016).
(Theo báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ với Quốc hội)
|
Bình luận (0)