Dân hỏi mình không trả lời được
Ngày 26.10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025.
Phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhìn chung thành tựu đạt được là rất lớn với những con số rất đáng mừng, song "nhìn vào thực chất cũng rất lo". Tổng Bí thư lưu ý, phát triển KT-XH phải bền vững, thực chất, phải đến tận tay người dân, nâng cao mức sống của người dân mới là mục tiêu.
Nhấn mạnh vấn đề chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng đây là tình trạng mà người dân bức xúc. "Dân hỏi mình không trả lời được. Ai cũng nói mảnh đất đó là đất vàng, là quý, giá trị bao nhiêu tiền nhưng sao đứng im, cả chục năm vẫn để cỏ mọc. Vậy ai chịu trách nhiệm? Nhà nước cấp thế nào mà để lãng phí như thế. Nếu doanh nghiệp (DN) không làm thì phải thu theo quy định chứ. Vướng chỗ nào tháo gỡ đi. Vụ án đã kết thúc rồi, ai vi phạm đã xử lý rồi thì những dự án liên quan phải tháo gỡ. Đây là tài sản của nhà nước, tiền của của nhân dân", Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn chứng những dự án rất cụ thể như dự án chống ngập ở TP.HCM, qua 2 nhiệm kỳ mà dân vẫn chịu ngập lụt, trong khi tiền ngân sách bỏ ra rồi. Nếu vẫn để thế thì vi phạm, không tham ô tham nhũng thì cũng lãng phí. Hay trường hợp 2 bệnh viện cơ sở 2 tại Hà Nam được Nhà nước đầu tư chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng, trong khi nếu của tư nhân thì họ thu hồi vốn xong rồi.
Câu chuyện "có tiền mà không tiêu được" cũng được Tổng Bí thư nêu ra như một ví dụ của vấn đề lãng phí. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng chưa được 50%, chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm thì có tiêu được hết không? Chương trình mục tiêu quốc gia quyết rồi, giờ lại nói "vướng cái nọ, cái kia". "Đó là do ai? Là do mình thôi, sao thấy vướng mà cứ để làm khó mình đến thế. Khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng cái mà gỡ. Quy định thế nào mà đến Nhà nước còn không làm được, DN làm sao làm được. Hàng trăm, hàng nghìn dự án ở địa phương được cấp cho DN nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau", Tổng Bí thư phân tích.
"Vậy ai làm được? Phải phối hợp. Chính phủ vướng thì phải trao đổi với Quốc hội, Quốc hội phải đồng hành với Chính phủ. Không đổ cho nhau hay chờ đợi nhau được", Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh đây là những vấn đề mà Tổng Bí thư thấy bức xúc, và phải có trách nhiệm "tìm cách trả lời cho dân".
Cạnh đó, Tổng Bí thư cho rằng việc khơi thông các nguồn lực để phát triển đất nước cũng là vấn đề phải suy nghĩ để tìm đến tận gốc, giải quyết vấn đề. Tổng Bí thư nói, tiền trong nước có, dự trữ ngoại tệ theo báo cáo của Chính phủ chưa bao giờ có như thế, nhân lực cũng có, DN trong nước cũng không kém gì quốc tế, nhưng "cái gì vướng ở đây khiến DN không làm được, không phát huy được trong nước?".
"Tôi rất sốt ruột, không thể chậm trễ hơn được nữa, sẽ lỡ mất cơ hội", Tổng Bí thư nhấn mạnh và nêu rõ, mục tiêu đã rõ nhưng không thể tự nhiên tới năm 2045 chúng ta đạt ngay được mục tiêu, mà ngay từ bây giờ phải có lộ trình, bước đi cụ thể để tạo tiền đề, nền tảng đạt được mục tiêu đó. Tổng Bí thư cũng phân tích, nhìn lại chặng đường vừa qua đất nước đạt được nhiều thành tựu rất lớn, song nhìn ra thế giới mới thấy sốt ruột vì họ phát triển rất nhanh. Tổng Bí thư dẫn chứng, Ireland từng là nước nghèo nhưng hiện nay rất phát triển, thu nhập bình quân đứng thứ 2 thế giới, nhờ công nghệ số, công nghệ sinh học. "Chúng ta cần nhìn vào những tấm gương đó để học hỏi, đi lên. Mình không vươn mình đứng lên, cứ lò dò thế này thì rất khó khăn", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
[VIDEO] Toàn văn thảo luận của Tổng Bí thư Tô Lâm: Thành tựu rất lớn nhưng nhìn vào thực chất cũng rất lo
Mỗi thủ tục làm mấy năm thì mất hết cơ hội
Tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, nhằm khơi thông nguồn lực, tránh lãng phí cũng là vấn đề nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm thảo luận tại tổ Quốc hội hôm qua. ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) dẫn bài viết "Chống lãng phí" mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Tuy nhiên, theo nữ ĐB, việc chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể gây ra những hệ lụy cho an ninh năng lượng.
"Nhiều dự án điện tái tạo vẫn đang vướng mắc về thủ tục, chưa đưa vào khai thác chính là sự lãng phí rất lớn nguồn lực tài chính của xã hội, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển cũng như quy mô của nền kinh tế, cần được đánh giá xác đáng để có giải pháp giải quyết", bà Yên nhấn mạnh. Bà Yên cũng cho rằng việc chậm tiến độ thi công, giải ngân đầu tư công cũng cần phải được xem xét theo như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.
ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhắc lại Tổng Bí thư đã nhấn mạnh "thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn" và cho rằng Chính phủ đã gấp rút sửa luật để tháo gỡ điểm nghẽn về đầu tư và tài chính, ngân sách. "Nhưng có những vấn đề cần quan tâm tháo gỡ, đã xác định từ kỳ họp trước nhưng lại rất đủng đỉnh", ĐB Đồng nói.
ĐB đoàn Quảng Trị nêu tại kỳ họp thứ 7, khi thảo luận các luật về đất đai, bất động sản có hiệu lực sớm, ông đã nêu phản ánh của nhiều DN mong muốn tháo gỡ vướng mắc liên quan đất cho nhà ở thương mại. Theo ông, Chính phủ đã tính đến đề án thí điểm dự án nhà ở thương mại, dự kiến sẽ trình vào kỳ họp thứ 7, nhưng kỳ họp 8 này cũng chưa xuất hiện, trong khi tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là vấn đề rất cấp bách.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thì nhấn mạnh, nếu thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thì hoàn thiện thể chế chính là đột phá của đột phá. Ông Dũng cho biết, tại kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội rất nhiều chính sách đột phá. Cụ thể như tại luật Đầu tư công, Chính phủ đề xuất tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với các dự án nhóm B, C để làm công tác chuẩn bị trước; phân cấp, phân quyền cho phép địa phương được đầu tư vào các dự án thuộc trách nhiệm của T.Ư hay đầu tư vào dự án của địa phương khác có tính chất liên vùng… "Nếu chúng ta cải cách được như thế thì rất mạnh. Chứ mỗi thủ tục chúng ta làm mấy năm trời thì mất hết cơ hội", ông Dũng nêu.
Nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế lần này có tính đột phá, khắc phục những điểm nghẽn trong xây dựng pháp luật thời gian qua, Bộ trưởng Dũng cho biết tinh thần là phải đổi mới tư duy mạnh mẽ. Trước đây tập trung vào quản lý, hiện nay phải vừa quản lý được, vừa phải kiến tạo, phát triển được, từ đó giải phóng sức sản xuất, khơi thông được nguồn lực. Cạnh đó phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công rõ trách nhiệm. Tinh thần tại Hội nghị T.Ư 10 vừa qua là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". "Quốc hội, Chính phủ sẽ giữ vai trò kiến tạo, xây dựng lập pháp rồi các cơ chế, chính sách, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đấy là "đúng vai thuộc bài" Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu", ông Dũng phân tích.
Bình luận (0)