Có hay không sự thông đồng giữa nhân viên soi chiếu, bốc xếp với tình trạng mất cắp hành lý ký gửi của hành khách? Đâu là lỗ hổng trong quy trình kiểm tra an ninh dẫn tới để lọt nhiều vụ việc trộm cắp hàng hóa, hành khách bị mất đồ, va li bung khóa...?
Các hãng hàng không khuyến cáo hành khách không nên để những tài sản có giá trị bên trong hành lý ký gửi - Ảnh: Mai Vọng
|
Đó là những câu hỏi mấu chốt được đặt ra trong đợt kiểm tra công tác an ninh của Cục Hàng không (HK) VN tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất từ ngày 10 - 12.6.
Mất hàng giá trị cao
|
Kiểm tra tại sân bay Nội Bài sáng 10.6, ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng phòng An ninh Cục HK VN, cho biết hiện tượng mất cắp hành lý không chỉ riêng với HK VN mà là tình trạng chung của HK thế giới. Từ năm 2013, Cục HK VN ghi nhận các vụ liên quan đến mất cắp, hành khách lấy trộm của hành khách trên máy bay, nhân viên HK trộm cắp của hành khách hàng hóa điện tử có giá trị cao. Cục HK VN cũng đã cảnh báo với hành khách đi máy bay về nguy cơ mất cắp. Năm 2014 ghi nhận 48 vụ mất cắp hành lý, tài sản, con số này từ đầu năm 2015 đến nay là 23 vụ.
Đại tá Đào Văn Chương (cán bộ biệt phái của Bộ Công an), Cục phó Cục HK VN, cũng thừa nhận dù đã có nhiều biện pháp chống mất cắp hành lý, nhưng thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc hành khách báo hành lý bị mất cắp, bị mở khóa va li.
Ông Phương Hồng Minh, Phó giám đốc Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS), đơn vị phục vụ nội địa cho Vietjet Air và một số hãng HK nước ngoài, cho biết theo quy trình, khi hành khách đi máy bay, làm check in tại quầy, hành lý được soi chiếu an ninh và chuyển xuống đảo hành lý. Nhân viên sắp xếp sẽ phân loại hàng hóa, cho vào các pallet chứa hàng vận chuyển ra máy bay, sau đó hàng hóa được chất xếp lên hầm hàng của máy bay. “Theo đánh giá của HGS, các trường hợp xảy ra moi móc hành lý cả chuyến bay đến và đi, có thể xảy ra lớn nhất ở hai vị trí hầm hàng máy bay và khu vực phân loại đảo hành lý hàng hóa. Vì quy trình vận chuyển hàng hóa khi chất xếp xong từ đảo hành lý ra máy bay trong khoảng thời gian ngắn, đi qua nhiều vị trí công cộng khó xảy ra hơn”, ông Minh nhìn nhận.
Khâu nào cũng tốt, nhưng vẫn mất cắp !
Theo đại diện HGS, đơn vị này đã rà soát lại các quy trình, bổ sung quy chế kiểm soát an ninh nội bộ, giám sát nhân viên bốc xếp hành lý lên tàu bay, khi xuống tàu sẽ phải qua kiểm tra người bằng thiết bị cầm tay của nhân viên an ninh hoặc bằng cảm quan. Những nhân viên này cũng không được mang theo đồ vật có giá trị như tiền, máy tính bảng, điện thoại khi làm việc.
HGS cũng đã kiểm tra dây chuyền có nghi ngờ nhất, thẩm tra lý lịch của nhân viên. “Rà soát lại chế độ đãi ngộ nhân viên, chúng tôi nhận thấy chế độ nằm ở mức chấp nhận được với người lao động, không phải mức thấp”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài (NIAGS), cho biết đã bổ sung camera ở đầu bốc xếp, chất hành lý để kiểm tra nhân viên có biểu hiện móc hàng, lấy hành lý hay không. “Trước đây NIAGS đã có nhiều biện pháp quản lý nhân viên từ tuyển dụng, xem xét và đánh giá trong quá trình phục vụ. Xí nghiệp vẫn thường xuyên triển khai xem xét tủ cá nhân, trang bị cá nhân. Khi có hành khách phản ánh bị mất cắp hành lý, NIAGS đều kiểm tra cá nhân tham gia bốc xếp. Vụ việc nào quan trọng đều mời công an vào kiểm tra toàn bộ dây chuyền, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhân viên lấy cắp hành lý hàng hóa của khách”, ông Đức nhấn mạnh.
|
Trước khẳng định của HGS và NIAGS, Cục phó Đào Văn Chương đặt câu hỏi: “Kế hoạch triển khai chống mất cắp hành lý của Cục có trên trời không, khi mà thực hiện rồi vẫn xảy ra mất cắp. Trang web và đường dây nóng của Cục nhận được rất nhiều câu hỏi của người dân là: Có hay không sự thông đồng giữa nhân viên soi chiếu với việc mất hàng hóa, hành lý. Báo cáo con người tốt, phẩm chất tốt nhưng sao hành lý vẫn mất?”.
Gắn camera giám sát các công đoạn
Ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm an ninh HK Cảng HK quốc tế Nội Bài, dù khẳng định “Không có sự bắt tay giữa nhân viên soi chiếu và nhân viên bốc xếp hành lý, hàng hóa”, nhưng cũng cho rằng “không loại trừ khả năng này”. “Việc mất cắp chủ yếu xảy ra do hành khách lấy của nhau, trong đó có cả cán bộ viên chức, nhân viên HK lấy của khách. Đây là trách nhiệm của HK, nhưng cụ thể của bộ phận nào, đơn vị nào thì phải xác định rõ. Tại sao lấy được và mang ra được, mang ra bằng cách nào?”, ông Quang nêu vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó giám đốc Cảng HK miền Bắc, cho biết đã thực hiện các cuộc kiểm tra thường xuyên, đột xuất vào thời điểm xác định có nguy cơ cao xảy ra mất cắp hành lý của hành khách. Qua kiểm tra đã ghi nhận những trường hợp hành khách lấy tài sản của khách, nhân viên lấy tài sản bỏ quên của khách, nhưng chưa phát hiện nhân viên lấy trộm hành lý, tài sản của khách. “Xử lý vụ việc mới chỉ dừng lại ở đầu tiếp nhận thông tin mất cắp, cần có sự kết nối giữa các đầu. Vận chuyển hành lý của hành khách qua nhiều công đoạn, nhiều khâu, việc kiểm soát nội bộ rất quan trọng. Các đơn vị tuyển dụng nhân viên mới biết được yếu ở quy trình nào, cần giám sát chặt ở đâu”, bà Phương chia sẻ. Cũng theo bà Phương, hành lý ký gửi là một chuỗi khép kín, không thể có người ngoài vào để mang tài sản trộm cắp ra, vì vậy các đơn vị phải có kiểm tra chéo, đột xuất bằng máy móc để đảm bảo khách quan.
Theo ông Đào Văn Chương, hành khách mua vé máy bay của hãng nào thì hãng ấy phải đứng ra chịu trách nhiệm chung. Về cụ thể, dây chuyền hành lý ký gửi, hàng hóa nhiều bộ phận tham gia vào quá trình phục vụ, từ check in đến hầm máy bay và từ hầm máy bay đưa về đảo. “Dù tăng cường nhiều biện pháp, nhưng chưa xác định rõ, chưa cắt khúc rõ từng thời điểm tình trạng của hành lý, hàng hóa như thế nào. Ví dụ như đến đảo vẫn an toàn, đến hầm máy bay vẫn an toàn… để tìm ra được chính xác nằm ở khâu nào, do ai lấy. Toàn người tốt nhưng chắc môi trường có vấn đề nên tạo điều kiện cho nhân viên có hành vi không tốt. Cục sẽ yêu cầu gắn camera ở hầm hàng, ở các container chở hàng rời”, ông Chương nói.
Nhân viên bốc xếp thông đồng trộm hành lý
Trả lời cho câu hỏi có sự móc nối giữa nhân viên không, đại diện Hãng HK Jestar Pacific (JPA) cho biết năm 2013 đã bắt một vụ điển hình ở Tân Sơn Nhất, vài nhân viên JPA câu kết với nhau lấy cắp hàng hóa của khách. Năm 2014 hãng này cũng phát hiện vụ việc tương tự tại Nội Bài, nhân viên bốc xếp đã khai nhận thông đồng với nhau. Ông này cũng nghi ngờ có tình trạng lấy trộm trong hầm hàng hay góc khuất máy soi chiếu.
Đại diện JPA cũng khuyến cáo, hành khách không nên mang đồ quý trong hành lý ký gửi như tiền mặt, đồ điện tử vì khả năng mất cắp rất cao. Dẫn lại trường hợp mới xảy ra, ông này cho biết một khách Trung Quốc mang lượng tiền mặt lớn, nhân viên HK yêu cầu mang trở lại, nhưng khách vẫn mang theo, kết quả vào TP.HCM khách báo mất cắp.
Đại diện Tổng công ty Cảng HK VN (ACV) cũng nêu vấn đề, vì sao hàng hóa ăn cắp vẫn lọt ra được ngoài sân bay, và đề nghị có biện pháp luân chuyển nhân viên.
|
Bình luận (0)