Tại cuộc họp báo về nội dung phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm qua (29.10), ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại kỳ họp này, ngoài nội dung về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 10..., Chính phủ đã thảo luận về các vấn đề: xác định chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020; dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường...
Sẽ tăng cường truy thu các khoản nợ đọng - Ảnh: Ngọc Thắng |
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tiếp tục đánh giá kinh tế vẫn theo chiều hướng tích cực. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 10 vẫn tăng trưởng tốt, nâng tổng số vốn FDI thực hiện trong 10 tháng qua ước đạt 11,8 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn FDI đăng ký ước đạt gần 19,3 tỉ USD.
Một nội dung chính tại phiên họp Chính phủ tháng 10 là tình hình cân đối NSNN năm 2015. Để giảm bớt số hụt thu NSNN, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường truy thu các khoản nợ đọng thuế, nhất là từ các DN lớn như sẽ buộc Tổng công ty cổ phần rượu bia và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nộp 408 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt chưa nộp đủ theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước; tăng cường tiết kiệm chi... “Chính phủ dự kiến sẽ sử dụng nguồn kinh phí dự phòng 3.500 tỉ đồng cùng với 650 tỉ đồng tiền tiết kiệm chi thường xuyên 10% của các bộ, ngành để cố gắng từ nay đến cuối năm, giảm ít nhất số 10.000 tỉ từ phần bán vốn của DNNN”, bà Mai cho biết.
Khó bố trí được nguồn cho tăng lương
Về vấn đề tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), ý kiến của các thành viên Chính phủ tại cuộc họp đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương; cho rằng thực hiện theo phương án đã báo cáo trung ương, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3.2016.
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trình bày về xác định chuẩn nghèo áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với phương án chuẩn nghèo thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, ước tính tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 12% và tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%.
Trả lời báo chí về việc vừa qua, việc xả lũ ở một số hồ chứa nước, hồ thủy điện từ phía Trung Quốc vào các sông ở VN, ảnh hưởng trực tiếp đến VN, ông Nguyễn Văn Nên cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Ngoại giao trao đổi, hợp tác với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ngày càng chủ động hơn.
“Từ năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng trạm quan trắc tự động để giám sát tài nguyên nước tại đầu nguồn sông Hồng”, ông Nên nói và cho biết thêm: “Hiện nay, chúng ta đang khẩn trương xây dựng 8 trạm quan trắc trên các sông suối biên giới VN - Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào vận hành vào giữa năm 2016; đồng thời Chính phủ cũng đang chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án cần thiết để tăng cường giám sát tài nguyên nước trên các sông suối xuyên biên giới”.
Trả lời về việc Bộ Công thương tiếp tục đề nghị cho Tập đoàn điện lực VN (EVN) được nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Từ hàng chục năm trước, khi VN còn thiếu điện, sản xuất của DN và đời sống đều khó khăn do thiếu điện nhưng đến nay trên 90% số hộ dân có điện, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa...; nguồn điện cũng đã có dự phòng thì việc xét khen thưởng EVN, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ xem xét tập đoàn này có xứng đáng hay không”.
|
Bình luận (0)