Paul Weindling, Giáo sư lịch sử y khoa của Đại học Oxford Brookes (Anh), là một trong những người miệt mài theo đuổi dấu vết mờ nhạt của các nạn nhân chưa từng được xác định danh tính. Nhiều bác sĩ Đức Quốc xã đã lấy người Do Thái làm các thí nghiệm giết người, có nghĩa là đẩy họ đến ngưỡng sống chết. Những tay bác sĩ tử thần này sẵn sàng làm người khỏe mạnh nhiễm các căn bệnh chết người chỉ để thử nghiệm vắc xin mới.
|
Chi tiết về những cuộc nghiên cứu khủng khiếp hồi Thế chiến thứ 2 đã được công khai tại phiên tòa Nuremberg vào năm 1946-1947, nhưng chưa từng có thống kê chính xác về số lượng nạn nhân, cũng như số phận của họ. Theo tiết lộ của Giáo sư Weindling trên tạp chí BBC, các bị đơn trong phiên tòa trên khai rằng chỉ có vài trăm người bị hại, trong khi phía công tố viên cho rằng phải đến hàng trăm ngàn người đã trở thành vật thí nghiệm. Đó là kết luận của John Thompson, một quan chức tình báo của phe Đồng Minh, người đã thành lập một ủy ban quốc tế để lần theo dấu vết của từng đối tượng trong các cuộc nghiên cứu của Đức Quốc xã.
Khi viết tiểu sử về Thompson, Giáo sư Weindling phát hiện nỗ lực tìm kiếm nạn nhân của quan chức này đã bị lu mờ bởi lo ngại rằng cuộc điều tra có thể khiến quá nhiều bác sĩ bị tống giam, gây tổn thất cho hệ thống y tế Đức, và dư luận có thể mất lòng tin về những cuộc nghiên cứu y khoa. Tuy nhiên, một số nhóm nạn nhân cũng đã được tìm thấy. Vào năm 1987, nhà báo Günther Schwarberg người Đức đã phát hiện 20 trẻ bị sát hại dưới bàn tay của các bác sĩ tử thần, theo Giáo sư Weindling. Chuyên gia Anh cho hay nếu muốn lục lại hồ sơ nghiên cứu y khoa thời Đức Quốc xã không khó, do chính quyền thời Hilter để lại một kho tài liệu đồ sộ về lĩnh vực này, cũng như về các trại tập trung. Bên cạnh đó, một số tù nhân đã cất giấu các tài liệu riêng, như hàng trăm “thẻ sốt rét” đã được một tù nhân ở trại Dachau, gần Munich lưu giữ. Trên thẻ ghi rõ tên nạn nhân, nguyên nhân nhiễm bệnh, khi nào phát bệnh và hỗn hợp thuốc kê đơn - thường giết chết luôn nạn nhân.
Dựa trên các dữ liệu được số hóa, chẳng hạn như Bảo tàng Tàn sát Do Thái Mỹ và các nguồn khác ở Đức, Pháp, Ba Lan, Serbia, Czech, nhóm chuyên gia Đại học Oxford Brookes đã nỗ lực phơi bày sự thật khủng khiếp, cũng như sự đau đớn và chấn thương kéo dài qua nhiều năm. Họ đã ghi nhận tổng cộng 4 giai đoạn. Đầu tiên có liên quan đến thuyết ưu sinh của huyết thống Aryan, triệt sản cưỡng bức những dòng máu thuộc chủng tộc khác. Trẻ Đức gốc Phi, gốc Á trở thành đối tượng thí nghiệm của các nhà nhân chủng học trước khi bị buộc triệt sản từ năm 1935-1936, sau đó tiếp tục bị nghiên cứu. Giai đoạn hai trùng với thời điểm nổ ra thế chiến, các bác sĩ bắt đầu thí nghiệm trên các bệnh nhân tâm thần. Những cuộc thí nghiệm rải rác được tiến hành tại các trại tập trung như Sachsenhausen, gần Berlin và Dachau. Đỉnh điểm của sự tàn ác là khi quân đội Đức và lực lượng SS tiếp quản các cuộc nghiên cứu, lúc đó vào năm 1942, và đẩy mạnh quy mô cũng như tần suất thí nghiệm. Giai đoạn cuối cùng là 1944-1945, khi các nhà khoa học Đức biết rằng quân đội của Hitler sẽ thất trận, nhưng vẫn ngoan cố gây tội ác.
Đến nay, các chuyên gia đã xác định được 24.254 nạn nhân, và con số này chưa dừng lại. Dân tộc đông nhất là Ba Lan với 7.034 người; còn lại mang đủ quốc tịch từ Anh, Thụy Sĩ đến Ireland, và không phân biệt tôn giáo. Trong số này, đàn ông nhiều gấp đôi đàn bà, và khoảng 2.500 nạn nhân bị giết vì mục đích nghiên cứu. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa sao chép được hồ sơ bồi thường nạn nhân chiến tranh của chính phủ Đức.
Nhóm của ông Weindling hy vọng thông qua dự án này, thế giới có thể hiểu được điều gì đã thực sự xảy ra cách đây hơn 70 năm.
Hạo Nhiên
>> Những thí nghiệm rùng rợn nhất
>> Thiệt mạng vì nhiễm vi rút thí nghiệm
>> Cuộc thí nghiệm hãi hùng
>> Hungary bắt tội phạm Đức Quốc xã khét tiếng
>> Đồ tể cuối cùng của Đức Quốc xã qua đời
>> Truy bắt Bác sĩ tử thần Đức Quốc xã
Bình luận (0)