Ngày 3.5, Viện KSND TP.HCM (VKS) đã hoàn tất cáo trạng vụ nạn nhân bị chiếm đoạt sim điện thoại, bị rút hơn 5,3 tỉ đồng. Theo đó, VKS truy tố bị can Hứa Chấn Hải (35 tuổi, ngụ Q.12) về tội "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" và "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"; Đào Vương Thùy Thanh Tú (39 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) về tội "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Theo cáo trạng, Hứa Chấn Hải có hành vi sử dụng giấy chứng minh nhân dân mang tên N.H.T.T (39 tuổi, ngụ Đồng Nai) được Đào Văn Thắng (đã bị PC02 khởi tố, đang bỏ trốn) làm giả, đã dán ảnh của Tú lên chứng minh nhân dân này.
Sau đó, Hải cùng Tú sử dụng giấy chứng minh nhân dân giả này đến cửa hàng Viettel (số 493 Lạc Long Quân, P.5, Q.11) yêu cầu cấp lại thẻ sim điện thoại số 0329.133.810 mà chị T. sử dụng để đăng ký nhận mã OTP khi giao dịch internet banking tại các ngân hàng.
Sau đó, Thắng hack tài khoản ngân hàng của chị T. để chiếm đoạt số tiền 5,3 tỉ đồng của chị T. Ngoài ra, Hải còn cùng Thắng truy cập trái phép tài khoản của nhiều người khác như: Nguyễn Phan Yến Linh, Trần Thị Bích Hậu, Phạm Diễm Uyên, Nguyễn Vũ Hạnh Trâm và Huỳnh Hoàng Việt, chiếm đoạt 201 triệu đồng.
Đối với bị can Đào Văn Thắng sau khi phạm tội đã bỏ trốn. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định tách vụ án tiếp tục điều tra làm rõ, khi nào bắt được xử lý sau.
Tại cơ quan công an, Tú và Hải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Truy cập trái phép tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền
Ngoài ra, Hải còn khai, ngoài phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản như trên, từ năm 2019 đến nay, Thắng còn thuê Hải giúp sức trong việc truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của nhiều người bị hại để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Thắng mua thông tin cá nhân của nhiều bị hại đã mở thẻ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) gồm: họ tên, số điện thoại. Hải khai không biết Thắng mua thông tin cá nhân này từ đâu.
Sau đó, Thắng thuê nhiều đối tượng sử dụng thông tin cá nhân này gọi điện cho các bị hại tự giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng của ngân hàng hỏi bị hại có nhu cầu muốn nâng hạn mức thẻ tín dụng hay không.
Sau khi bị hại đồng ý thì lúc này đối tượng sẽ đưa ra điều kiện để được nâng hạn mức thì số tiền còn lại trong thẻ tín dụng phải trên 30% số tiền hạn mức được ngân hàng cấp trước đó. Tiếp đó, đối tượng sẽ kết bạn với bị hại qua mạng xã hội Zalo, yêu cầu bị hại chụp hình thẻ tín dụng, CCCD để kiểm tra thông tin.
Khi đối tượng ấy được hình ảnh thẻ tín dụng, CCCD của bị hại thì đối tượng sẽ sử dụng thông tin của bị hại để đăng ký mua thẻ điện thoại, thẻ nạp trò chơi online trên các trang thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo.
Khi mã xác nhận thanh toán được gửi về số điện thoại của bị hại, các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp các mã xác nhận để nhóm này hoàn tất việc thanh toán trên trang thương mại điện tử.
Sau khi chiếm đoạt được các mã thẻ điện thoại, thẻ nạp trò chơi online, các đối tượng bán các mã thẻ này cho các đối tượng thu mua, tiền có được gửi vào số tài khoản Thắng chỉ định. Mỗi tháng, Hải được Thắng trả công khoảng từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Xem nhanh 20h ngày 3.5: Thời sự toàn cảnh
Như Thanh Niên đã đưa tin, đầu năm 2022, chị N.H.T.T (39 tuổi, ngụ Đồng Nai) gửi đơn tố cáo lên Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM có đối tượng không rõ lai lịch làm giả CMND của chị. Sau đó, kẻ này giả danh chị T. đổi sim điện thoại mà chị đang sử dụng nhằm đăng ký nhận mã OTP khi thực hiện giao dịch internet banking tại các ngân hàng. Đối tượng sử dụng số điện thoại này đăng nhập 3 tài khoản ngân hàng có chi nhánh ở Q.Tân Bình (TP.HCM) và tỉnh Đồng Nai của chị T. rồi chiếm đoạt số tiền hơn 5,3 tỉ đồng với 25 lần giao dịch.
Sau khi vụ việc xảy ra, chị T. có yêu cầu Công ty CP bưu chính Viettel cung cấp dữ liệu camera tại thời điểm cấp đổi sim nhưng phía nhà mạng cho biết "không còn dữ liệu".
Bình luận (0)