Ông Lê Huy Lân, cựu Tổng giám đốc và Nguyễn Xuân Phong, cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Coma 18 (COMA 18), bị Viện KSND TP.Hà Nội truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng vụ án, ông Lê Văn Khương, cựu Chủ tịch HĐTV Tổng công ty COMA, bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ án liên quan dự án chung cư VP6 Linh Đàm do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản xây dựng. TAND TP.Hà Nội từng mở phiên tòa xét xử nhưng phải hoãn do vắng luật sư.
"Sang tay" dự án VP6 Linh Đàm
Theo cáo trạng, COMA 18 là doanh nghiệp cổ phần 51% vốn Nhà nước do Tổng công ty COMA là công ty mẹ nắm giữ phần vốn góp chi phối của Nhà nước.
Năm 1994, Công ty Phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng (nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Tổng HUD) được giao hơn 184 ha đất để thực hiện dự án khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm. Trong đó, lô đất VP6 Linh Đàm sẽ làm tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê.
Tháng 2.2010, Tổng HUD chuyển giao lô đất cho COMA 18 thực hiện dự án. Hợp đồng nêu rõ không được chuyển giao lô đất, chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho bên thứ ba.
COMA 18 sau đó làm thủ tục và được UBND TP.Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch từ xây dựng văn phòng cho thuê sang công trình hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng.
Văn bản của UBDN thành phố nêu rõ, COMA 18 phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính (nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất); liên hệ với Sở TN-MT để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không được chuyển đơn vị khác thực hiện dự án khi chưa được UBND TP.Hà Nội chấp thuận.
Tuy nhiên, tính đến tháng 6.2013, COMA 18 không thực hiện hoàn thiện hồ sơ xin giao đất mà chỉ nộp hồ sơ thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại bộ phận một cửa của Sở TN-MT Hà Nội.
Tháng 7.2013, do không thể thực hiện được dự án, Tổng giám đốc COMA 18 Lê Huy Lân ký tờ trình xin ý kiến Tổng công ty COMA chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm. Chủ tịch Tổng công ty COMA Lê Văn Khương và các thành viên trong HĐTV đã chấp thuận COMA 18 được chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm hoặc hợp tác kinh doanh.
Kết quả, COMA 18 ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên do ông Lê Thanh Thản làm chủ. Theo thỏa thuận, doanh nghiệp của ông Thản góp 95% tổng mức đầu tư dự án (12,3 tỉ đồng) và được hưởng 100% kết quả kinh doanh, đồng thời có trách nhiệm kê khai, nộp thuế chung.
Dự án VP6 Linh Đàm được Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xây dựng sai quy hoạch, tăng từ 25 lên 37 tầng (từ 138 căn hộ lên 840), tăng 630 m2 đất xây dựng. Tháng 4.2015, doanh nghiệp của ông Thản xuất hóa đơn, bán các căn hộ và thu tiền của khách hàng.
Tháng 2.2023, Sở TN-MT TP.Hà Nội kết luận việc cố ý chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 64,3 tỉ đồng. Đây là số tiền sử dụng đất không thể thu hồi cho diện tích đất thực hiện dự án, tại thời điểm tháng 7.2013.
Đến nay, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã nộp 64 tỉ đồng thay COMA 18. Với hơn 300 triệu đồng còn lại, doanh nghiệp cho biết sẽ nộp nốt khi có yêu cầu của cơ quan tố tụng.
Thỏa thuận kinh doanh trái quy định
Quá trình giải quyết vụ án, cựu Tổng giám đốc COMA 18 Lê Huy Lân ban đầu khai biết dự án VP6 Linh Đàm không được phép chuyển nhượng, nhưng vì khó khăn tài chính nên COMA18 chuyển nhượng cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (không báo cáo UBND TP.Hà Nội).
Sau khi chuyển nhượng, COMA 18 không có quyền lợi, nghĩa vụ gì tại dự án nên không biết doanh nghiệp của ông Thản xây dựng dự án VP6 Linh Đàm trái phép, phá vỡ quy hoạch.
Tuy nhiên, ông Lân về sau thay đổi lời khai, cho rằng COMA 18 không chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm mà chỉ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Viện kiểm sát viện dẫn Nghị định 71/2010 quy định: nếu ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà ở thì chủ đầu tư chỉ được chia cho phía góp vốn tối đa 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án.
Thế nhưng, COMA 18 lại ký hợp đồng thể hiện doanh nghiệp của ông Thản góp 95% vốn và hưởng 100% sản phẩm là trái pháp quy định pháp luật. Bản chất của hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai bên là chuyển nhượng dự án.
Về phía cựu Chủ tịch HĐTV Tổng công ty COMA Lê Văn Khương, viện kiểm sát cáo buộc bị can không nghiên cứu các căn cứ trong tờ trình của COMA 18 (về việc không được chuyển đơn vị khác thực hiện dự án khi chưa được sự đồng ý của UBND TP.Hà Nội) nên đã ký ban hành 2 nghị quyết với nội dung chấp thuận chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác kinh doanh.
Sau khi COMA 18 ký hợp đồng, ông Phong không quản lý, giám sát việc xây dựng dự án cũng như thực hiện các nghĩa vụ về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, dẫn đến việc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch, sau đó bán cho khách hàng mà không biết.
Ông Lê Thanh Thản khai gì?
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.Hà Nội, ông Lê Thanh Thản khai không thỏa thuận với bị can Lê Huy Lân về việc COMA 18 nhận dự án VP6 Linh Đàm để chuyển nhượng.
Ông Thản cũng không thúc đẩy hay tác động để COMA18 chuyển giao dự án. Việc ký hợp tác kinh doanh là do ông Lân chủ động liên hệ.
Do không có cơ sở cáo buộc ông Thản đồng phạm với ông Lân, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ để tiếp tục làm rõ.
Ông Lê Thanh Thản hiện là bị can trong vụ án lừa dối 500 khách hàng mua nhà ở chung cư CT6 Kiến Hưng, Hà Đông. Vụ án được xét xử hồi tháng 8.2023 nhưng tòa quyết định trả hồ sơ để làm rõ một số nội dung.
Bình luận (0)