Những sới bạc quy mô thu hút tới cả trăm người chơi thế này thì khó nói rằng công an, chính quyền địa phương không biết - Ảnh: Thái Sơn |
Đây là một trong những nội dung công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Trong công văn này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự mà các cơ quan báo chí phản ánh thời gian gần đây như: băng nhóm tội phạm ở tỉnh Hưng Yên do Phạm Khắc Tú cầm đầu; 3 đối tượng giang hồ ở Hải Phòng sau khi gây án “bị bệnh tâm thần” và tiếp tục điều hành băng nhóm tội phạm; tội phạm bảo kê taxi hoạt động trái phép ở TP.HCM…; đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, kiên quyết không để diễn ra tình trạng dung túng, bao che, tiếp tay cho tội phạm.
|
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên; Thành ủy, UBND TP.HCM và Hải Phòng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan thuộc quyền quản lý trong việc để các đối tượng, băng nhóm tội phạm hoạt động bảo kê, lộng hành, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự tại địa phương, sớm báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Phó thủ tướng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an phối hợp với cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, tổ chức rà soát các loại đối tượng, các tuyến, địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự và cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Những vụ việc nổi cộm
Hồi cuối tháng 3.2013, Cục CSHS (C45) - Bộ Công an đã triệt phá băng nhóm xã hội đen khét tiếng ở miền Bắc do Phạm Khắc Tú (tức Tú “khỉ”, 38 tuổi, quê Đông Ninh, H.Khoái Châu, Hưng Yên) cầm đầu, khi đang cưỡng đoạt 500 triệu đồng của một doanh nghiệp. Băng nhóm của Tú “khỉ” có khoảng 60 người (trong đó nhiều người có tiền án, tiền sự, trốn lệnh truy nã) chuyên tổ chức bảo kê doanh nghiệp, lô đề cờ bạc, cá độ bóng đá, cho vay nặng lãi... Theo C45, băng nhóm này hoạt động rất manh động, doanh nghiệp nào không hợp tác nộp tiền bảo kê thì lập tức bị chúng rải chông sắt trước cổng nhà máy, xí nghiệp, hành hung tài xế khiến họ không thể hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, Tú “khỉ” và nhóm đàn em hoạt động phạm pháp trong thời gian dài, nhưng địa phương không có biện pháp xử lý triệt để. Đặc biệt, theo C45, Tú “khỉ” từng chém trọng thương một công an xã, nhưng sau đó người này đã bãi nại. Thời điểm bị C45 bắt giữ, Tú “khỉ” đang là bị án, từng bị TAND H.Khoái Châu, Hưng Yên tuyên phạt 9 tháng tù giam, nhưng không hiểu sao lại được miễn thi hành án. Việc Tú “khỉ” vi phạm pháp luật nhưng không bị xử lý triệt để khiến y càng ngông nghênh và người dân lo sợ thêm.
Sau khi vụ việc xảy ra, PV Thanh Niên đã liên hệ Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên để tìm hiểu nguyên nhân thì được hướng dẫn làm việc với Trưởng phòng CSHS Hưng Yên. Khi PV liên lạc với vị này thì lại bị từ chối và tiếp tục chỉ định đến Trưởng công an H.Khoái Châu. Vị Trưởng công an huyện này lại đề nghị PV sang làm việc với tòa án với lý do chưa nắm được thông tin.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, cho biết đã nhận được chỉ đạo từ Bộ Công an và đang tiếp tục điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm Tú “khỉ”, trong đó có việc “chạy án”.
Trùm xã hội đen Tú "khỉ" và tang vật gây án |
Xử lý người bỏ lọt tội phạm Theo hồ sơ của Cơ quan điều tra - Viện KSND tối cao, ngày 10.7.2008, Công an TP.Cao Lãnh bắt quả tang nhóm người do Trần Thị Mỹ Liên (ngụ TP.Cao Lãnh) cầm đầu, đang tổ chức đánh bạc bằng hình thức ghi số đề tại P.2, TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Tang vật thu giữ hơn 24 triệu đồng, nhiều phơi đề ghi số tiền lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, điều tra viên Nguyễn Văn Nưng lại đề xuất xử phạt 4 người trong nhóm trên mỗi người từ 500.000 - 1,5 triệu đồng; tịch thu sung công quỹ 10,6 triệu đồng. Các quyết định này đều do thượng tá Phan Bá Tài (lúc đó là Trưởng công an TP.Cao Lãnh) ký. Vụ việc trên chỉ bị phát hiện khi một số người trong nhóm này tiếp tục tổ chức đánh bạc với quy mô lớn hơn (cá độ bóng đá liên tỉnh), nên ngày 30.6.2012 bị Cục CSHS - Bộ Công an bắt giam; và phát hiện Công an Cao Lãnh đã bỏ lọt tội phạm. Lúc này, Công an tỉnh Đồng Tháp đã lật lại hồ sơ, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Mỹ Châu, Trần Thị Mỹ Liên, Lê Thị Kim Hà và Lê Thị Hồng Nhung, về tội tổ chức đánh bạc; điều động thượng tá Tài nhận công tác khác. Làm việc với Cơ quan điều tra - Viện KSND tối cao, thượng tá Tài thừa nhận: “Với trách nhiệm Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã không ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là bỏ lọt tội phạm”. Còn điều tra viên Nưng cho rằng, có nói rõ nếu xử lý hành chính là bỏ lọt tội phạm, nhưng ông Tài chỉ đạo xử lý như vậy nên buộc phải làm theo. Một điều tra viên Viện KSND tối cao cho biết, việc ông Tài chỉ xử lý hành chính những người tham gia vụ đánh bạc như trên đã phạm tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”. Hoài Nam |
Thái Sơn - Phạm Hải Sâm
>> Chính phủ chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các băng nhóm “xã hội đen”
>> Bắt khẩn cấp băng nhóm "lộng hành" ở Bến xe Miền Đông
>> Ngăn chặn kịp thời băng nhóm “xã hội đen” tranh giành lãnh địa
Bình luận (0)