Truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để mất an toàn đường sắt

Hơn 4.000 lối giao cắt giữa đường sắt và đường bộ đang là những điểm đen, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Báo cáo của Tổng công ty đường sắt VN (VNR) cho biết, hiện trên toàn quốc có 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm, còn đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.048 điểm (chiếm 74%).
Tại hội nghị về an toàn đường sắt (ATĐS) mới đây, ông Đới Sỹ Hưng, Phó tổng giám đốc VNR, cho hay thực tế hiện nay, một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác đảm bảo trật tự ATĐS trên địa bàn; việc quản lý lối đi tự mở đã được đóng, thu hẹp gặp nhiều khó khăn, do người dân cố tình vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
Đặc biệt, ngành đường sắt cũng đang gặp khó khăn về vốn để xử lý đường ngang. Dù nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các hạng mục theo Quyết định số 994/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành ngày 19.6.2014 là 26.358 tỉ đồng, nhưng mới được cấp cho hạng mục nâng cấp, sửa chữa đường ngang đường sắt 280 tỉ đồng. Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, cho biết giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần đến 1.700 tỉ đồng để có thể thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.
Cần sự chung tay địa phương
Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện tại đường sắt chạy qua địa phận Hà Nội có tới 570 vị trí đường ngang, trong đó có 185 đường ngang hợp pháp, còn lại hơn 300 đường ngang dân sinh.
Hà Nội đã triển khai 19 vị trí cảnh giới đường ngang, kết quả các vị trí này sau khi được bố trí cảnh giới đã không để xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục rà thực hiện nhiều giảm pháp để giảm TNGT đường sắt, trong đó có việc rà soát đường ngang dân sinh trái phép, đầu tư giảm cao độ giữa đường bộ và đường sắt….
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh ATĐS, chia sẻ cứ trung bình 1,85 km đường sắt có 1 vị trí giao cắt, mật độ rất cao, cộng với ý thức người dân chưa cao dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt rất cao. Hiện số vụ tai nạn tại đường ngang dân sinh chiếm tới 70% số vụ tai nạn đường sắt. Với hơn 4.000 lối đi dân sinh đang tồn tại, nguy cơ xảy ra tai nạn không hề nhỏ.
Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, giải pháp trước mắt là phải tập trung làm luôn đường gom, vì càng làm sớm càng tốt và giải quyết dứt điểm luôn. Liên quan đến quản lý tại các địa phương, ông Hùng đề nghị cần kiểm đếm thật rõ, rút kinh nghiệm vụ TNGT đường sắt tại Sóc Sơn (Hà Nội) vừa qua, UBND xã có văn bản không đồng ý đóng đường ngang dân sinh để phát triển kinh tế và chịu trách nhiệm về an toàn giao thông tại vị trí này. Nhưng khi xảy ra tai nạn thì UBND TP.Hà Nội đã xử lý trách nhiệm đến đâu. Do đó, khi để phát sinh lối đi tự mở, chính quyền xã chịu trách nhiệm và phải truy cứu trách nhiệm người đứng đầu địa phương.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định ngân sách nhà nước đang khó khăn, nhưng vừa qua, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng ý giải pháp kết hợp đường bộ, đường sắt để giải quyết vấn đề đường ngang dân sinh. Ông Thọ cũng nhấn mạnh hành lang ATGT đường sắt không tách rời vai trò và nhiệm vụ của địa phương, nên ngành đường sắt cần phải tăng cường phối hợp từng địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.