"Truy" trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam

22/08/2012 03:05 GMT+7

Để xảy ra tình trạng lao động nước ngoài làm việc chui tại Việt Nam với tỷ lệ không nhỏ, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào chính là câu hỏi mà nhiều ĐBQH đồng loạt đặt ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền sáng qua, 21.8.

"Chia lửa" trong phiên chất vấn hôm qua, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã cung cấp thêm một số thông tin về thực trạng lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Theo ông Lâm, hiện tại số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam có khoảng 78.440 người, tăng 6% so với năm 2011, trong đó số lao động đã cấp phép là hơn 41.529 người, 5.581 không thuộc diện cấp phép và chưa được cấp phép là hơn 31.330 người, chiếm tỷ lệ hơn 39,9%.

Trong khi đó, con số mà Bộ LĐ-TB-XH báo cáo với Ủy ban TVQH trước khi diễn ra phiên chất vấn lại hoàn toàn khác. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, tại thời điểm tháng 7.2012, số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 77.087 người, trong đó số người thuộc diện cấp giấy phép lao động là 74.438 (số lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động là 49.983 người, chiếm 67,15% và số lao động nước ngoài chưa được cấp giấy phép lao động là 24.455 người, chiếm 32,85%), số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 2.649 người (chiếm 3,44%).

Tại phiên chất vấn, các ĐB đều dẫn ra thực trạng bất cập trong quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua, từ việc các dự án bauxite ở Tây nguyên sử dụng phần lớn lao động phổ thông Trung Quốc, đến việc xảy ra chết người ở Phòng khám Maria (Hà Nội), tình trạng người Trung Quốc vào Việt Nam lao động, lấy vợ, sinh con, mua đất ở diễn ra ở một số địa phương…  gây nhiều hệ lụy cho trật tự an ninh xã hội, và đặt vấn đề về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước để xảy ra những bất cập này thuộc về cơ quan nào.

Quá trình trả lời chất vấn, Bộ trưởng LĐ-TB-XH không ít lần “nhường” phần trả lời về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam cho Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vì lý do “chúng tôi chỉ quản lý lao động chứ không cấp phép nhập cư cho lao động”.

Về phần mình, ông Tô Lâm giãi bày ngoài lý do nhà thầu lách luật, phần lớn lao động nước ngoài không phép vào làm việc tại Việt Nam theo con đường du lịch cho nên việc quản lý, xử lý vi phạm với những số lao động này rất khó khăn, đặc biệt là đối với một số nước châu Phi không có sứ quán, đại  diện ngoại giao tại Việt Nam.

Biện pháp xử lý với đối tượng này là yêu cầu xuất cảnh hoặc trục xuất. Sáu tháng đầu năm, đã thực hiện trục xuất 256 lao động nước ngoài không phép tại VN.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.