Truyền cho học sinh niềm đam mê

19/11/2012 03:15 GMT+7

Lên bậc THPT, tôi học Trường Trần Cao Vân ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Chủ nhiệm lớp tôi là cô Hương, giáo viên văn. Các anh chị lớp trên chúng tôi xem cô là thần tượng, chiếm vị trí độc tôn ở bộ môn văn học trong trường.

Lời đồn không ngoa, tiết học đầu tiên, lớp chúng tôi như bị hớp hồn. Thế là từ một môn buộc phải học, chúng tôi háo hức chờ đón từng tiết học, ham muốn tìm hiểu cái đẹp của văn chương. Cô thường nói: “Điều quan trọng không phải các em nhớ lời cô giảng, bình, hướng dẫn tới mức độ nào mà cảm nhận của riêng các em gửi vào bài viết mới là cái cô muốn nhất. Máy móc không phải là xấu, nhưng sáng tạo mới quý hiếm”.

Năm cuối cấp, cô khuyên tôi thi khối C. Lần lữa mãi, cuối cùng tôi nhờ cô kèm môn văn, thi CĐ sư phạm khối D. Lúc tôi học năm nhất thì nghe tin cô theo gia đình định cư ở Pháp. Đã 20 năm trôi qua, giờ tôi đang dạy tiếng Anh ở một trường THCS nhưng nỗi đam mê văn chương vẫn cháy bỏng trong tôi như ngày nào. Mùa hạ năm 2006, tôi trình làng tác phẩm đầu tay, lúc này tôi mới nhớ đến cô, người nhen nhóm trong tôi ngọn lửa văn chương, truyền cho tôi khát vọng sống, lòng yêu nghề mến trẻ… Hỏi thăm địa chỉ của cô, tôi gửi liền lá thư kèm cuốn tạp chí đăng tác phẩm của mình. Tới tháng 4.2007, lúc tôi nghĩ bưu phẩm gửi cho cô bị thất lạc, bất ngờ tôi có thư từ Pháp. Trong bì thư là một tờ giấy in màu, khổ A4, chèn hình rất đẹp. Đó là bản dịch tiếng Anh bài thơ của tôi, cuối trang là dòng chữ: “Đừng để những mưu cầu, toan tính, hằn học làm ảnh hưởng đến văn phong. Cô tự hào vì em. Cố lên!”.

Tôi liên lạc với cô qua điện thoại thì gặp con gái cô và biết tin rằng cô vừa qua đời. “Lúc nhận được thư, má em mừng lắm. Bài thơ do má em dịch, đọc cho em đánh máy. Dòng chữ cuối trang má em viết trước khi mất một tuần”, tôi dường như không bình tĩnh khi nghe được những thông tin này từ con gái của cô.

Nguyễn Trung (Đức Linh, Bình Thuận)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.