Chuyện của Thần tượng âm nhạc Mỹ
Ban tổ chức cuộc thi Thần tượng âm nhạc Mỹ (American Idol) - một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất tại Mỹ hiện nay - sẽ phải đền bù 300 triệu USD nếu thí sinh Ian Benardo thắng kiện tại tòa án New York, tờ New York Daily News cho biết. Ian Benardo, 30 tuổi, đã tham gia American Idol 2007 và được ban tổ chức “động viên” rằng anh có thể tạo sự chú ý của khán giả qua việc tạo nên một nhân vật đồng tính với những hành động kỳ quặc. Anh cho rằng mình bị nhà sản xuất chương trình biến thành “vật thế thân”, một trò hề trước công chúng.
Đến lần thi American Idol 2010, Ian Benardo cho rằng ban tổ chức tiếp tục “lừa” mình bằng chiêu cũ nên đã công khai mọi chuyện. Theo New York Daily News, Benardo, một thí sinh đồng tính, vượt qua vòng thử giọng đã bị đánh rớt ngay vòng sau bởi giám khảo Simon Cowell từ năm 2007. Nhà sản xuất đã gặp gỡ anh, trao đổi và đặt nhiều câu hỏi không phù hợp về giới tính. “Tôi trở thành kẻ được trả tiền để quay lại cuộc thi vào năm 2010”, Benardo thú nhận với tờ báo này. “Họ khuyến khích tôi làm sao càng kỳ dị càng tốt. Họ còn muốn tôi mặc đầm dạ hội, luôn miệng giễu cợt những ai tỏ thái độ kỳ thị với người đồng tính”. Tờ báo này còn tiết lộ Ian Benardo được chỉ định xông vào cướp micro của cây hài Dane Cook trong đêm chung kết hôm 26.5.2010 để phát biểu nhằm gây sốc cho khán giả. “Họ nói với tôi rằng những chương trình THTT được phát sóng trực tiếp cần phải thu hút khán giả. Vì vậy, tôi phải tận dụng cơ hội để chơi trội. Và khi ấy tôi cứ ngỡ mình nên làm như thế”, Ian Benardo nói.
Dàn dựng lộ liễu
Một thí sinh có cách hóa trang gây sốc tại Vietnam Idol 2010 - ảnh: vietnamidol.com.vn |
Vì THTT là loại hình mới mẻ với đội ngũ truyền hình trong nước, nên hầu hết các chương trình được thực hiện ở VN đều mua bản quyền nước ngoài. Đã là THTT thì tất nhiên yếu tố thực tế phải được đề cao, nhưng dường như khi xem một số chương trình THTT của ta, không ít cảnh dù vẫn tạo được cảm xúc nơi khán giả nhưng xem là biết có sự sắp đặt, can thiệp, dàn dựng của đạo diễn.
Một ví dụ nữa về sự dàn dựng lộ liễu là ở cuộc thi Vietnam’s Next Top Model. Xem những tập đầu, sẽ nhận ra ngay thí sinh nào là thật, thí sinh nào là... diễn viên. Làm gì có chuyện một cuộc tuyển chọn siêu mẫu lại dễ dàng chấp nhận một thí sinh không đạt số đo tối thiểu của người mẫu, cả về chiều cao lẫn cân nặng, với lý do: vì cô có đam mê! Để rồi, cuộc trình diễn dự thi vòng hai của cô trên sàn catwalk, vẫn với thân hình choán cả màn ảnh ti vi, ngay sau đó (tất nhiên) cô bị đánh rớt. Một khán giả từng xem America’s Next Top Model phản ánh: “Model chứ đâu phải Idol mà bất luận thí sinh ngoại hình ra sao cũng được. Cô gái ấy là diễn viên truyền hình thường đóng vai hài, sắp xếp quá lộ như thế thì làm sao khán giả không biết đây là cảnh dàn dựng”.
Không mang tính chất thi thố, Hành trình kết nối những trái tim muốn cho người xem thấy được quá trình... yêu nhau trên chuyến xe đi khắp mọi miền với 7 người chơi. Trong chặng đường ấy, các bạn sẽ sinh hoạt cùng nhau, làm công tác xã hội... và nếu có duyên, họ sẽ tìm ra một nửa của mình. Đã có không ít những mối tình nảy sinh, những lời cầu hôn ý nhị, xuất phát từ tình cảm chân thật (người xem có thể cảm nhận được), nhưng cũng không thiếu những cuộc tình... gượng ép, hoặc có những cặp khiến người xem cảm giác như họ đã yêu nhau từ... trước khi lên xe! Vậy nên, sau 2 năm phát sóng, thực tế chỉ có 3, 4 cặp yêu nhau, còn lại chỉ là bạn sau khi xuống xe.
Một đạo diễn từng sản xuất chương trình THTT (xin được không nêu tên) cho biết: quan trọng nhất, cũng là khó nhất của THTT là tổ chức môi trường để tạo ra cảm xúc, và dù tạo ra cảm xúc nhưng phải dựa trên quy luật tự nhiên. Ranh giới giữa xây dựng và dàn dựng rất mong manh, nên nếu đạo diễn không kiểm soát được, người xem sẽ nhận ra ngay đâu là cảnh, là cảm xúc có dàn dựng.
Đỗ Tuấn - Nguyên Vân
Bình luận (0)