Truyện khoa học viễn tưởng ‘Tới hệ mặt trời xa lạ’ - Kỳ thú và bất ngờ

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
04/04/2021 16:00 GMT+7

Từ thuở nhỏ, tôi vốn thích các truyện khoa học viễn tưởng, bởi nó cho phép bản thân được nới rộng vô hạn sức tưởng tượng. Vì vậy, đọc Tới hệ mặt trời xa lạ của tác giả Lê Toán, tôi hào hứng như được trở về với tuổi thơ, thả sức mơ tưởng.

Là một tác giả chuyên viết truyện giả tưởng, Lê Toán nắm vững những tiến bộ mới nhất trong khoa học của nhân loại và từ đó mà “bung” những tưởng tượng tiếp nối. Tới hệ mặt trời xa lạ là cuốn sách thứ 13 của Lê Toán thuộc thể loại truyện giả tưởng.
Lâu lắm rồi tôi mới đọc tiếp thể loại truyện giả tưởng nên thật sung sướng khi tìm lại nguyên vẹn cảm giác háo hức của một cô bé 12 tuổi được bước vào một thế giới kỳ thú lạ lùng, được ngạc nhiên hết trang này sang trang khác, đúng như kỳ vọng của tác giả, rằng bạn đọc sẽ đọc cuốn sách với tinh thần rộng mở, để được tươi vui và yêu đời.
Nếu như trong cuộc sống hàng ngày, phải đi học với áp lực bài vở và điểm số thì khi đọc sách Tới hệ mặt trời xa lạ, bạn đọc niên thiếu sẽ cảm thấy được cởi bỏ mọi ưu tư lo lắng, được tự do với những ý nghĩ bay bổng, thấy mình được thỏa mãn bởi những nhân vật trong sách vừa giống mình mà lại khác mình, khi được thoải mái thực hiện những ước vọng, dù là viển vông kỳ quái đi chăng nữa.
Khi thế giới mới đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và manh nha 5.0, thì các nhân vật học trò trong sách đã thành thạo trí tuệ nhân tạo 9.0. Một trong 5 nhân vật chính là người Việt Nam, học trò Dũng Lê, và trong một lần làm bài thi, em có thể nộp tờ giấy trắng mà không bị cô giáo trách phạt. Lý do của em cho việc không viết chữ nào vào bài tập làm văn, là vì em đang lơ đãng với thực tại, tập trung suy ngẫm, tưởng tượng điều gì rất xa xôi. Và giải pháp của cô giáo trong truyện cũng rất thú vị, cô đặc cách cho Dũng Lê được về nhà làm bài tập làm văn, với nội dung là chính những điều em mải suy tư sâu đến mức quên làm bài trong tiết học tại lớp. Cách xử trí đó của cô giáo trong truyện, há chẳng phải là mơ ước đối với mỗi học trò hay sao!? Đây cũng chính là điều ngành giáo dục cần lưu tâm trong việc dạy dỗ các học trò biệt tài. Có lẽ, với những trò biệt tài như Dũng Lê, thì vai trò của thầy cô giáo là khuyến khích và hỗ trợ các em phát triển năng lực tư duy và khả năng đặc biệt của em, chứ không phải là uốn nắn hay đe nẹt, đưa em vào khuôn khổ thông thường của trường học.
Dũng Lê đã cùng 4 thiếu niên ở các lục địa khác trên toàn cầu thành lập nhóm 9.0, tự chế tạo tàu vũ trụ Con Cò để khởi động hành trình khám phá một hệ mặt trời xa lạ. Qua từng trang truyện Tới hệ mặt trời xa lạ, từng thời đoạn của cuộc du hành, tác giả khuyến khích những độc giả nhỏ tuổi tham gia vào cuộc kiến tạo không chỉ thế giới các em đang sống, mà cả vũ trụ, cho phép các em một quyền năng vô biên, từ trí tưởng tượng của mình. Nhưng quyền năng cũng đi với trách nhiệm lớn lao. Tác giả đã thể hiện một Dũng Lê không chỉ tài năng, mà còn thật đáng yêu với hành động thiết thực trong lúc chuẩn bị chuyến du hành, em đã “gói sẵn một số hạt giống sầu riêng, na, măng cụt, xoài, nhãn lồng Hưng Yên, bưởi da xanh,… của Việt Nam làm hành trang mang vào không gian, với mong muốn trái cây quê mình sẽ mang hương thơm vấn vít khắp bầu trời”.
Những suy tưởng của nhân vật cũng khiến độc giả nhớ lâu, ấn tượng về các yếu tố địa lý đặc biệt. Ví dụ, khi ngắm những đỉnh núi cao ngất trên hành tinh trái đất, nhân vật Cook thầm nghĩ: “Vỏ trái đất ngẫu hứng xếp đặt những đỉnh núi cao hơn bảy nghìn mét quây quần trong vùng Trung Á. Đó là sự không công bằng của vỏ trái đất. Lẽ ra, châu Đại Dương cũng phải mọc sừng sững hai hoặc ba ngọn núi cao hơn bảy nghìn mét thì trái đất mới đẹp hài hòa”.
Trong chuyến du hành tới hệ mặt trời xa lạ, các nhân vật không chỉ gặp toàn những chuyện vui thú, họ cũng phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm khó lường như tai họa từ những hành tinh đã chết. Mối nguy nào đó có thể vượt thoát, nhưng những hành tinh chết là có thực, và điều này cảnh tỉnh độc giả về tương lai của chúng ta, khiến chúng ta phải thấy xấu hổ với những hành vi gây hại cho môi trường, làm suy tàn hành tinh đang hàng ngày chở nặng chính chúng ta. Cây bút Lê Toán đã thể hiện sự tinh tế khi khéo léo ẩn thông điệp ấy sau những pha gay cấn xảy ra trong hành trình phi thường của các nhà khoa học - phi hành gia nhỏ tuổi, qua cuốn truyện giả tưởng Tới hệ mặt trời xa lạ của mình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.