Nhiều người từng biết đến chuyện trạng Vĩnh Hoàng hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi một vài năm trở lại đây, những câu chuyện ấy được chính người dân làng trạng kể theo một cách hoàn toàn khác, đó là đặt vè hoặc thơ.
Chuyện Ăn môn sáp được anh Trần Công Bắc đặt vè rất tự nhiên
tranh minh họa của cụ Trần Hữu Chư |
Ông Trần Đình Sồ (75 tuổi) say mê đọc những bài đồng dao, thơ trạng do mình sáng tác
- Ảnh: Nguyễn Phúc |
Từ vè...
Làng Huỳnh Công Tây (xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) ngày nay có không dưới chục người biết đặt vè. Có thể “điểm danh” ra đây gồm: cụ Trần Hữu Chư (76 tuổi), bà Võ Thị Vân Nương (51 tuổi), anh Trần Công Bắc (35 tuổi)...
Những sáng tác của họ rất giản dị nhưng nghe thật có duyên. Ví như “kể” chuyện Cây khoai bò qua hai tỉnh, anh Bắc lí lắc rằng: “Ve vẻ vè ve/Nghe vè làng trạng/Chuyện cười thượng hạng/Có một không hai/Kể rằng cơn (cây) khoai/ Bò qua hai tỉnh/Côộc (gốc) ở đất Vĩnh/Đọt (ngọn) tận Quảng Bình/Bà con Vĩnh Linh/Thi nhau hái loọc (luộc)”.
Cũng chính anh Bắc đã rất tinh tế khi kết hợp đặt vè 2 câu chuyện trạng Dưa đỏ đánh Tây và Ăn môn sáp thành một câu chuyện liền mạch, rằng:“Chuyện thôn Tây 1/Vác cuốc giữ làng/Đúng buổi khó khăn/Đạn thì có hạn/Trời vừa chạng vạng/Dân vác dưa đi/Trấy (trái) như thùng phi/Trong thì lựu đạn/Chờ trời ràng rạng/Giặc đến giặc càn/Dân quân trong làng/Nhất tề giật nổ/Bọn địch nghẻo cổ/Máu đổ lái lang/Cả đôộng cát vàng/Thành đôộng cát đỏ/Cả thôn gõ mỏ/Tổ chức ăn mừng/Không khí tưng bừng/Ăn mừng môn sọ/Cả làng cả họ/Ai nấy đều vui/Có một ông xui/Thấy vui ở lại/Nhà ông ở ngái (xa)/Nên khoái môn làng/Ăn vội ăn vàng/Mắc hàm răng lại...”.
Trong khi đó, bà Võ Thị Vân Nương, ngoài khả năng đặt vè còn được biết đến nhờ trí nhớ siêu phàm khi chính bà chứ không ai khác lãnh trách nhiệm biểu diễn các bài vè trên sâu khấu, có bài dài hơn cả trăm câu. Tiếc rằng, khi tôi tìm đến nhà thì bà đã đi Gia Lai thăm con. May thay, qua điện thoại, bà chẳng câu nệ và xướng ngay một lèo không nghỉ: “Nhà tui gần bàu/Cá tràu nhiều lắm/Vợ tui hắn mắng/Câu cá mà ăn/Tiền mần hàng năm/Gửi vô tín dụng/Tui nghĩ cũng đúng/Vác đực cần câu/Đi xuống bậc bàu/Chụp mau ếch ộp/Móc vô lại (lưỡi) câu/Cẳng trước cẳng sau/Quăng tọt mồi câu/Qua bên tê bàu/Từ côi bụi lau/Sà xuống thiệt mau/Một con cuốc cuốc...”.
Bà Nương kể bài vè Cá đô bảy món trên bà sáng tác theo đơn đặt hàng của mấy ông trong tỉnh. “Cũng chẳng giấy bút gì hết, chỉ sau một buổi vừa lẩm nhẩm vừa cạo mủ cao su, tui đã làm xong bài vè này”, bà Nương nói. Tôi ướm hỏi, giữa chuyện trạng được kể như bình thường và chuyện trạng đặt vè, bà thích cái nào hơn? Bà lưỡng lự một hồi rồi nói chắc nịch: “Cái nào cũng có cái hay, dù vậy như một cái cây, chuyện trạng là gốc, còn các bài vè chỉ là cành ngọn mà thôi”.
... Đến đồng dao, thơ, nhạc
Đưa chuyện trạng Vĩnh Hoàng vào thơ, nhạc ở làng Huỳnh Công Tây chỉ duy nhất có ông Trần Đình Sồ (75 tuổi). Ông kể, bài đồng dao đầu tiên mà ông làm là vào năm 2008, viết về Cây lạc vào dịp tỉnh tổ chức chương trình Làng vui chơi, làng ca hát. Nói đoạn, ông lập tức ngâm nga: “Làng tôi trồng lạc bạt ngàn/Cây cao trên mét bảy, cây thì mét ba/Tiếng đồn trong tỉnh đồn ra/Vĩnh Hoàng trồng lạc thiệt là tốt ghê/Một cây có hàng trăm hạt chỉnh tề/Không tìm ra một óc lạc lép, ai mê không nào/Thân cây lạc làm cái cổng sào... Vỏ lạc ghép lại thành thuyền/Chở hàng xuất khẩu sang miền Trung đông”.
Ông Sồ tâm sự, để làm một bài thơ hay một bài đồng dao chuyện trạng, ông mất chừng 3 - 4 ngày, chủ yếu vào ban đêm thanh vắng, để dễ nghĩ ra nhiều từ ngữ vừa phải hợp vần vừa phải vui vẻ.
Chưa hết, nhờ lận lưng ít nhạc lý, lại chơi được nhiều loại nhạc cụ như đàn nhị, sáo, kèn... nên ông ghép thơ vô nhạc rất tự nhiên. Ví như kể chuyện Cây ớt cổ thụ, ông hát: “Cây ớt là tài sản của làng/Nó đà hưởng thọ hơn chục ngàn năm nay/Ngó ra cây ớt thiệt là hay/Cưa thân mười cấp săng ấm (quan tài) rồi đóng cày đóng xe”.
Nhờ tài năng của mình, ông Sồ cũng được mời đi khắp nơi để đọc thơ về chuyện trạng. Ông bảo, cũng vì giữ cái tiếng, cái tăm cho làng cho xã nên ông mới nhọc công đi, chứ chẳng nề hà thù lao, tiền bạc gì. Nhiều năm si mê chuyện trạng rồi làm thơ, làm nhạc về chuyện trạng, ông Sồ đúc rút một điều đơn giản rằng, có làm gì thì tiên quyết cũng phải làm cho người nghe phải cười, bằng không coi như bỏ. Bất chợt ông cất giọng ngâm: “Dẫu dù trời nắng trời mưa/ Chưa kể hết chuyện trạng thì bạn và tui chưa về”.
Bình luận (0)