Truyền thông Thái hưởng ứng phán quyết về Biển Đông

28/07/2016 09:30 GMT+7

Truyền thông Thái cho rằng nếu Trung Quốc không chấp nhận phán quyết thì họ sẽ trở thành đất nước vi phạm hoặc tự đặt mình ngoài vòng pháp luật.

Ngay sau khi Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, các kênh truyền thông Thái Lan (The Nation, Bangkok Post, Matichon, Thairath...) đã sớm có bài đề cập đến các nội dung chính của phán quyết và đưa ra các bình luận, đánh giá về ưu thế của Philippines và các nước ASEAN có liên quan trong vấn đề Biển Đông.
Tờ The Nation ngày 12.7 đăng bài xã luận Liệu The Hague có làm yên Biển Đông? cho rằng: “Phán quyết sẽ mang lại cho Philippines và tất cả các nước ASEAN một cách tiếp cận về pháp lý với phạm vi và định nghĩa rõ ràng hơn. Trên cơ sở đó, các nước ASEAN có thể triển khai chính sách Biển Đông”.
Trong bài ASEAN phải tiến lên trên tờ Bangkok Post ngày 14.7, tác giả cho rằng: “ASEAN phải chứng tỏ đoàn kết trong việc đối phó với Trung Quốc, khôi phục lại niềm tin bằng cách đưa ra một tuyên bố kêu gọi “thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC” mà Trung Quốc đã ký. Tất cả các bên phải cùng nhau sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nếu muốn thể hiện sự chân thành, Trung Quốc cần làm việc nghiêm túc với ASEAN để hoàn thành COC. Trung Quốc có tham vọng trở thành một siêu cường toàn cầu, song sự tự tôn, bỏ qua cách tiếp cận đa phương để giải quyết các vấn đề khu vực không phải là cách cư xử đúng đắn”.
Hình ảnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Vientiane, Lào hôm 25.7 Reuters
Tờ Matichon ngày 15.7 nhấn mạnh: “Điều đáng chú ý đây là phán quyết cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý. Có nghĩa rằng, nếu Trung Quốc không chấp nhận phán quyết thì họ sẽ trở thành đất nước vi phạm hoặc tự đặt mình ngoài vòng pháp luật. Trung Quốc đang rơi vào tình trạng chấp nhận không được mà không chấp nhận cũng “không xong””.
Tác giả nhận định: “Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông bằng cách lợi dụng kẽ hở của luật pháp quốc tế được ban hành bởi LHQ, khi quy định rằng tất cả các điều luật này không có cơ chế cưỡng ép thực thi theo phán quyết. Tuy nhiên điều này sẽ khiến uy tín của Trung Quốc trên thế giới thay đổi và khó có thể phục hồi”.
Việt Nam quản lý Hoàng Sa, Trường Sa từ rất sớm
Trước đó, ngày 11.7 trong bản tin thời sự trên kênh truyền hình News1, bình luận viên thời sự của Đài ASTV Thái Lan đã nói: “Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển VN khoảng 200 km. VN đã thành lập các hải đội quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ rất sớm. Trong suốt thời kỳ Pháp đô hộ VN, chính quyền Pháp nắm quyền kiểm soát các đảo và liên tục thực thi, đấu tranh khẳng định chủ quyền của VN đối với các đảo này thông qua viện dẫn các chứng cứ lịch sử, các bản đồ đương đại. Bản thân Trung Quốc thời kỳ đó cũng thừa nhận đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc mà không bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Sau phán quyết của Tòa trọng tài, Biển Đông dường như không chỉ “nóng” trên thực địa với các hoạt động diễn tập “diễu võ dương oai” dồn dập của tàu chiến Trung Quốc mà còn “nóng” trên các trang báo Thái. Phán quyết của tòa dường như đã làm rõ trắng đen, phải trái, giúp giới truyền thông quốc tế hiểu rõ hơn về bản chất của những tranh chấp trên Biển Đông, từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn, góp tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ công lý, lẽ phải.
Mỹ muốn tránh đối đầu ở Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 27.7 tuyên bố Washington muốn tránh đối đầu ở Biển Đông, sau khi Tòa trọng tài bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết vùng biển chiến lược này. Theo AFP, ông Kerry đưa ra phát biểu trên sau cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay để bàn về thắng lợi quyết định của Manila trong vụ kiện Trung Quốc. Ông Kerry nói Mỹ mong muốn Trung Quốc và Philippines tiến hành đàm phán và theo đuổi “các biện pháp xây dựng lòng tin”.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Phán quyết có tính ràng buộc pháp lý nhưng chúng ta không cố gắng tạo ra sự đối đầu. Chúng ta nỗ lực mang đến giải pháp lưu tâm đến quyền của con người được xác lập theo luật pháp”. Ông Kerry cho rằng phán quyết công bố ngày 12.7 là một “cơ may” để các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
“Chúng tôi hy vọng được chứng kiến một tiến trình sẽ thu hẹp phạm vi địa lý về các tranh chấp biển, đặt ra các tiêu chuẩn về cách hành xử ở khu vực tranh chấp, hướng đến giải pháp được nhiều bên chấp nhận, thậm chí có thể là một loạt bước đi nhằm xây dựng lòng tin”, ông nói.
Cùng ngày, ông Kerry đã hội kiến với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Điện Malacanang. Tờ Philippine Star dẫn lời phát ngôn viên tổng thống Ernesto Abella cho biết cuộc gặp đã diễn ra “thú vị”. Tổng thống Duterte đã trấn an Ngoại trưởng Kerry rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào mà Philippines sẽ theo đuổi đều bắt đầu bằng phán quyết mới được công bố. Hai phía cũng tái khẳng định quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Philippines, cam kết thực thi đầy đủ Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA).
Ngoại trưởng Kerry còn cho biết Mỹ sẵn sàng cung cấp cho Philippines 32 triệu USD để hỗ trợ việc huấn luyện lực lượng thực thi pháp luật, theo trang tin Rappler.
 Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.