Truyền thông y tế: Nghệ thuật kể chuyện truyền tải kiến thức y khoa

11/08/2024 07:08 GMT+7

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) vừa tổ chức buổi hội thảo thứ 4 với chủ đề 'Ứng dụng nghệ thuật kể chuyện để truyền tải kiến thức y khoa'.

Trong khuôn khổ chuỗi hội thảo "Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội", BV ĐHYD TP.HCM vừa tổ chức buổi hội thảo thứ 4 với chủ đề "Ứng dụng nghệ thuật kể chuyện để truyền tải kiến thức y khoa".

Chương trình đã thu hút nhiều chuyên gia y tế và đại diện từ nhiều cơ sở y tế trên cả nước, cùng trao đổi về nghệ thuật kể chuyện dưới góc nhìn của khoa học thần kinh và não bộ.

Truyền thông y tế: Nghệ thuật kể chuyện truyền tải kiến thức y khoa- Ảnh 1.

Diễn giả Huỳnh Bảo Tuân chia sẻ tại chương trình

BVCC

Truyền tải kiến thức y khoa bằng nghệ thuật kể chuyện

Diễn giả Huỳnh Bảo Tuân - giảng viên Trường Quản trị - Học viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam, đã dẫn dắt người tham dự khám phá phương pháp truyền tải thông tin y tế thông qua lăng kính khoa học thần kinh. Thách thức là nội dung truyền tải của thông tin y tế thường phức tạp, khô khan, cứng nhắc, khó ghi nhớ và sử dụng khi cần. Đó là quá trình truyền thông kém hiệu quả, gây tốn kém, mất thời gian, chi phí.

Việc ứng dụng nghệ thuật kể chuyện để vượt qua những thách thức này, diễn giả Huỳnh Bảo Tuân giải thích rằng bộ não con người có xu hướng tìm kiếm các khuôn mẫu và dự đoán dựa trên kinh nghiệm quá khứ - quá trình này được gọi là "xử lý dự đoán". Khi một câu chuyện được kể, não bộ của người nghe sẽ cố gắng dự đoán diễn biến tiếp theo, và những tình tiết bất ngờ có thể kích hoạt hệ thống của não, từ đó tăng cường kết nối cảm xúc và mức độ tương tác của người nghe.

Diễn giả đã giới thiệu các nguyên lý của khoa học thần kinh và cách ứng dụng vào truyền thông y tế, bao gồm sự kết nối giữa amygdala, hippocampus và nguyên lý "củng cố ký ức". Một số kỹ thuật cụ thể để các chuyên gia y tế có thể áp dụng nghệ thuật kể chuyện vào việc truyền tải kiến thức y khoa như sử dụng ẩn dụ và minh họa, thay vì giải thích các khái niệm y khoa phức tạp bằng thuật ngữ chuyên ngành, các chuyên gia có thể sử dụng ẩn dụ và minh họa để diễn đạt một cách trực quan hơn; Khơi gợi cảm xúc là yếu tố mạnh mẽ trong việc ghi nhớ, thông qua những câu chuyện thực tế về cuộc sống, trải nghiệm của người bệnh hay hành trình điều trị, thông điệp y khoa có thể được truyền tải một cách sâu sắc hơn; Tạo tình huống phản trực giác, những tình huống đi ngược lại với những gì khán giả mong đợi thường có khả năng thu hút sự chú ý và kích thích não bộ hoạt động mạnh mẽ hơn; Chân thành và nhân văn trong mỗi câu chuyện là yếu tố cốt lõi giúp thông điệp chạm đến trái tim khán giả, tạo dựng niềm tin và gắn kết chuyên gia y tế với cộng đồng.

Truyền thông y tế: Nghệ thuật kể chuyện truyền tải kiến thức y khoa- Ảnh 2.

Chuyên gia y tế và đại diện các cơ sở y tế tham dự chương trình

BVCC

Hãy kể những câu chuyện giàu cảm xúc của người bệnh

Th.S Đỗ Thị Nam Phương - Trưởng Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TP.HCM, chia sẻ khi chuyên gia y tế kết hợp kiến thức chuyên môn với hiểu biết về khoa học thần kinh, không chỉ truyền tải thông tin mà còn tạo ra những kết nối cảm xúc mạnh mẽ với người nghe, giúp thông điệp y tế trở nên dễ tiếp thu và ghi nhớ lâu hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, việc truyền tải thông tin y tế đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sự hiểu biết và hành vi của cộng đồng giúp ngăn chặn bệnh tật. Các chuyên gia y tế cần nâng cao kỹ năng kể chuyện để đảm bảo thông điệp tri thức của mình được truyền tải ra xã hội một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, bất cứ khi nào chuyên gia y tế có những câu chuyện hay thú vị có ích, cần chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với các đơn vị truyền thông, các cơ quan báo chí để truyền thông ra cộng đồng.

Chuyên đề số 5 với chủ đề "Tối ưu hóa điểm chạm và nội dung trên các kênh truyền thông kỹ thuật số". Hội thảo dự kiến diễn ra vào ngày 16.8, tại BV ĐHYD TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.