|
* Cảm nhận của ông khi trực tiếp dự khán vòng chung kết Sáng tạo tương lai - nơi tỏa sáng những sáng tạo của các bạn trẻ Việt Nam?
- Tôi nhận thấy 3 đội vào vòng chung kết: ĐH Tây Nguyên, ĐH Nông nghiệp Hà Nội và ĐH Quốc tế (Đại học quốc gia TP.HCM) thật sự xuất sắc vì đã vượt qua đội thi của 30 trường ĐH, CĐ trên đất nước các bạn. Đây là một cuộc thi thật tuyệt vời. Rất nhiều các bạn trẻ đã cùng giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong tinh thần sáng tạo. Hội trường luôn chật kín, mọi người chăm chú lắng nghe, theo dõi và đã dành những tràng pháo tay tán thưởng cho những ý tưởng tuyệt vời.
|
Kỳ tích đến từ sáng tạo và tôi nghĩ rằng để có thể sáng tạo được tương lai không thể nào thiếu vai trò của người trẻ, không thể nào thiếu đi những ý tưởng mới mẻ trong mỗi bạn sinh viên đang miệt mài tích lũy, thực nghiệm kiến thức trong định hướng khởi nghiệp. Tôi thấy những ý tưởng sáng tạo của các bạn sinh viên như “tiếp lửa” cho tất cả mọi người muốn vươn đến thành công. Mỗi đội đều mang đến một câu chuyện riêng đầy thú vị về sự sáng tạo, có thể chưa hẳn hoàn toàn mới, có thể chưa hẳn đã hoàn hảo như kỳ vọng của nhà đầu tư, nhưng trong mỗi câu chuyện thú vị ấy luôn in đậm dấu ấn của khát vọng chinh phục thử thách.
Tôi hoàn toàn đồng tình với đánh giá, nhận định của ông Ramu Damodaran (Giám đốc Ủy ban Tác động học thuật của Liên Hiệp Quốc) và ông Rajanetnam (cựu cố vấn đặc biệt Tổng thư ký ASEAN Surin Pisuwan), rằng thông qua Hành trình vì Khát vọng Việt, Trung Nguyên đang đầu tư vào tương lai của giới trẻ và giới trẻ Việt Nam sẽ là một phần thành công của thế giới.
* Nước Đức đã trỗi dậy hùng cường sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ông có thể chia sẻ điều gì về sự thành công đó?
- Thế hệ trẻ luôn đóng vai trò quyết định sự phát triển đối với bất kỳ một quốc gia nào, và đặc biệt họ còn kéo sự trì trệ của những người già lên. Nước Đức có khác với Việt Nam, vì Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, còn chúng tôi đang ở thời kỳ dân số bạc bởi càng ngày dân số càng lão hóa. Bây giờ chúng tôi đã có những chiến lược thu hút nhân lực tài năng từ những nơi khác để giúp đất nước duy trì sức mạnh vốn có. Bây giờ các bạn cần biết cách khai thác sức trẻ và sự sáng tạo mạnh mẽ từ những người trẻ để tất cả cùng hướng đến những thành tựu chung tốt đẹp.
Tôi nghĩ một trong những điều giúp cho nước Đức thành công được sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 mà tôi có thể chia sẻ với những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đó là các bạn hãy mở rộng biên giới của mình. Ngay sau thế chiến, nước Đức đã lập tức mở rộng biên giới của mình bằng cách tìm kiếm sản phẩm chủ lực xuất khẩu ra nước ngoài, đồng thời có nhiều chính sách cởi mở thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Tôi nghĩ có một cách nhìn rộng mở hơn sẽ giúp sự phát triển đến dễ dàng và mạnh mẽ hơn. Giải đáp tường tận được câu hỏi thế giới cần gì ở chúng ta và chúng ta cần gì ở thế giới, cũng là một trong những điều kiện cần cho sự phát triển. Đất nước các bạn có rất nhiều người tài, tôi nghĩ cần sử dụng hết nguồn lực trí óc để tạo ra động lực lớn mạnh và cơ hội thành công.
Những câu hỏi của mình đều được trả lời ở "Khuyến học" “Khi học tập và làm việc ở Nhật Bản, những câu chuyện thường ngày của người Nhật luôn khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những cây hồng, cây cam, cây bưởi mọc ngoài đường không bao giờ bị vặt, quả sai trĩu rơi đầy xuống đất. Trẻ em từ mẫu giáo đã được học cách để sống tự lập, từ việc tự ăn uống, tự vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo... Những người về hưu 70 - 80 tuổi vẫn làm việc rất chăm chỉ, họ tình nguyện đi nhặt rác quanh khu phố, gắp từng mẩu thuốc lá chẳng may sót lại trên đường, nhổ từng cây cỏ mọc ở vườn hoa công viên... Phải nói rằng người Nhật rất trách nhiệm, đoàn kết, ý thức cộng đồng rất cao và đặc biệt là rất yêu lao động. Tính cách và tinh thần Nhật Bản còn được họ thể hiện rất rõ sau những thảm họa như động đất, sóng thần. Những điều đó không chỉ người Việt Nam chúng ta mà cả thế giới đều nể phục và ngưỡng mộ. Khi trao đổi với các thầy giáo của mình, tôi được các thầy giải thích rằng hơn 1 thế kỷ trước, khi Nhật Bản còn ở trong thời đại phong kiến, người dân Nhật Bản cũng chưa có được những nét tính cách đó. Chỉ gần 100 năm trở lại đây, khi các tác phẩm về cuộc sống của các nhà tư tưởng lớn được đông đảo người dân đón nhận, quan điểm sống của người Nhật mới dần thay đổi. Nổi bật trong số đó là tác phẩm Khuyến học của Fukuzawa Yukichi - một nhà tư tưởng có ảnh hưởng và được người Nhật kính trọng. Khi đọc quyển sách này, tôi nhận ra những câu hỏi của mình đều được trả lời ở đây. Khuyến học là một quyển sách giáo khoa về cách sống và quan điểm sống mà bất cứ người dân Nhật Bản nào cũng từng đọc. Đây là một trong những quyển sách làm nên nền tảng cơ bản cho các nét tính cách của người Nhật hiện tại. Không có những lời khuyên sáo rỗng, không rêu rao những thứ giáo điều, nội dung quyển sách nói về những việc đời thường dưới cái nhìn sâu sắc, đầy thiết thực và hữu ích. Quyển sách được viết về Nhật Bản cách đây hơn 100 năm, mà tôi cảm thấy như là nói về Việt Nam chúng ta thời điểm hiện tại. Nếu tất cả thế hệ trẻ Việt Nam đều đọc quyển sách này - như những gì thế hệ trẻ Nhật Bản đã và đang làm - biết đâu một ngày nào đó chúng ta có thể học hỏi được những nét tính cách tốt của người Nhật Bản”. QUÁCH ĐỨC ANH, du học sinh Nhật, từng tham gia Ban Chấp hành Hội Thanh niên - sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, chia sẻ khi Hành trình Sáng tạo vì Khát vọng Việt năm 2014 bổ sung cuốn Khuyến học - ngọn đuốc sáng của phong trào Duy Tân nước Nhật cuối thế kỷ 19, biến một nước Nhật lạc hậu, nghèo nàn thành một trong các cường quốc của châu Á và thế giới - vào “Tủ sách thành công làm giàu bền vững” để tặng các bạn trẻ Việt Nam nhằm cổ vũ tinh thần “Người khác làm được - Ta làm được”. |
Đình Phú
Bình luận (0)