Từ 1.1.2025, chức danh thẩm phán chỉ còn 2 ngạch

05/09/2024 12:12 GMT+7

Kể từ 1.1.2025, chức danh thẩm phán sẽ chỉ còn 2 ngạch thay vì 4 ngạch như quy định hiện hành.

Luật Tổ chức TAND năm 2014 (đang có hiệu lực) quy định chức danh thẩm phán có 4 ngạch, gồm: thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp.

Từ 1.1.2025 tới, theo quy định mới tại luật Tổ chức TAND năm 2024, chức danh thẩm phán chỉ còn 2 ngạch, gồm: thẩm phán TAND tối cao và thẩm phán TAND. Luật còn giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc thẩm phán TAND, điều kiện của từng bậc cũng như việc nâng bậc.

Từ 1.1.2025, chức danh thẩm phán chỉ còn 2 ngạch- Ảnh 1.

Từ 1.1.2025, chức danh thẩm phán sẽ chỉ còn 2 ngạch, gồm thẩm phán TAND tối cao và thẩm phán TAND

ẢNH: PHÚC BÌNH

Để quy định chi tiết nội dung trên, TAND tối cao vừa công bố dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và cơ cấu tỷ lệ các bậc thẩm phán TAND.

Điều kiện để nâng bậc thẩm phán

Theo dự thảo, ngạch thẩm phán TAND sẽ có 3 bậc, gồm bậc 1, bậc 2 và bậc 3. Điều kiện của thẩm phán bậc 2 là có ít nhất 5 năm làm thẩm phán bậc 1. Tương tự, điều kiện của thẩm phán bậc 3 là có ít nhất 5 năm làm thẩm phán bậc 2.

Để được nâng bậc, một trong những quy định là trong 5 năm công tác (tính đến thời điểm xét nâng bậc) thẩm phán không có án quá hạn luật định, số lượng án bị hủy và sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt tỷ lệ do Chánh án TAND tối cao quy định.

Ngoài ra, khi được bổ nhiệm giữ các chức vụ chánh án, phó chánh án TAND các cấp, thẩm phán cũng sẽ được xem xét nâng bậc.

Ngành tòa án hiện có 7.004 thẩm phán TAND. TAND tối cao đề xuất số lượng, cơ cấu tỷ lệ các thẩm phán theo từng đơn vị thuộc hệ thống tổ chức TAND.

Trong đó, TAND tối cao có tối đa 50 thẩm phán TAND, gồm cả 3 bậc. TAND cấp cao có 170 thẩm phán TAND bậc 3. TAND cấp tỉnh có 1.235 thẩm phán TAND, gồm bậc 2 và bậc 3. TAND cấp huyện có 5.549 thẩm phán TAND, gồm bậc 1 và bậc 2. Tòa án quân sự các cấp có 129 thẩm phán TAND.

Vẫn theo dự thảo của TAND tối cao, ngạch thẩm phán cao cấp (theo quy định của luật Tổ chức TAND năm 2014) sẽ được chuyển thành thẩm phán TAND bậc 3, trung cấp thành bậc 2 và sơ cấp thành bậc 1.

Vì sao thay đổi ngạch thẩm phán?

Như đã đề cập, luật Tổ chức TAND năm 2014 (đang có hiệu lực) quy định thẩm phán gồm 4 ngạch.

Trong đó, TAND tối cao có thẩm phán TAND tối cao; TAND cấp cao và Tòa án Quân sự T.Ư có thẩm phán cao cấp; TAND cấp tỉnh có thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp; TAND cấp huyện có thẩm phán trung cấp và sơ cấp.

Quá trình xây dựng luật Tổ chức TAND năm 2024, Chánh án TAND tối cao khi ấy là ông Nguyễn Hòa Bình, cho biết cơ quan soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm từ rất nhiều quốc gia, "các nước không phân sơ cấp, trung cấp, cao cấp như chúng ta mà chỉ có thẩm phán và thẩm phán TAND tối cao".

Theo ông Bình, quy định phân ngạch như hiện nay với thực tiễn "sơ cấp chỉ xét xử vụ án này, trung cấp chỉ xét xử vụ kia" khiến việc điều động thẩm phán gặp nhiều khó khăn.

Hay như ví dụ về gần 6.000 thẩm phán cấp huyện, khi cả đời với 40 năm công tác vẫn chỉ là thẩm phán sơ cấp. "Từ khi vào tòa án đến khi về hưu vẫn là sơ cấp, anh em rất tâm trạng, coi việc sửa đổi lần này là khao khát của anh em", ông Bình nói.

Cũng liên quan đến đổi mới ngạch thẩm phán, quy định này còn được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc bố trí, điều động thẩm phán. Điển hình như TAND tối cao hiện nay chỉ có ngạch thẩm phán TAND tối cao, tới đây sẽ có thêm các thẩm phán TAND bậc 1, 2 và 3.

"Nhiệm kỳ suốt đời"

Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Từ 1.1.2025 tới, theo quy định mới tại luật Tổ chức TAND tối cao, nếu được bổ nhiệm lần đầu, nhiệm kỳ của thẩm phán TAND vẫn là 5 năm, nhưng nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ tiếp theo sẽ kéo dài đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Với "nhiệm kỳ suốt đời" ở lần bổ nhiệm thứ 2, quy định này được kỳ vọng sẽ nâng cao tính độc lập xét xử của thẩm phán. Thẩm phán có thể yên tâm công tác, đưa ra phán quyết "chỉ tuân theo pháp luật" mà không cần lo lắng về việc tái bổ nhiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.