Tại kỳ họp 7 khóa XV vừa qua, Quốc hội thông qua luật Tổ chức TAND năm 2024. Luật này có hiệu lực kể từ 1.1.2025, thay thế cho luật Tổ chức TAND năm 2014. So với quy định hiện hành, luật mới có rất nhiều thay đổi liên quan đến chức danh thẩm phán.
Nhiệm kỳ kéo dài đến khi về hưu
Theo quy định đang có hiệu lực tại luật Tổ chức TAND năm 2014, thẩm phán TAND có 4 ngạch, gồm: thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp.
Nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Từ 1.1.2025 tới đây, theo quy định mới tại luật Tổ chức TAND tối cao, thẩm phán sẽ chỉ còn 2 ngạch, gồm thẩm phán TAND tối cao và thẩm phán TAND. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc thẩm phán, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao.
Đồng thời, nhiệm kỳ của thẩm phán cũng có sự thay đổi. Trong đó, nếu được bổ nhiệm lần đầu, nhiệm kỳ của thẩm phán TAND vẫn là 5 năm, nhưng nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ tiếp theo sẽ kéo dài đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Với "nhiệm kỳ suốt đời" ở lần bổ nhiệm thứ 2, quy định này được kỳ vọng sẽ nâng cao tính độc lập xét xử của thẩm phán. Bởi lẽ, với nhiệm kỳ kéo dài đến khi nghỉ hưu, thẩm phán có thể yên tâm công tác, đưa ra phán quyết "chỉ tuân theo pháp luật" mà không cần lo lắng về việc tái bổ nhiệm sau này.
Một nội dung mới đáng chú ý khác tại luật Tổ chức TAND năm 2024, đó là thẩm phán khi được bổ nhiệm phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý, khách quan và công bằng, chỉ tuân theo pháp luật; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử.
Luật sư, giảng viên có thể trở thành thẩm phán TAND tối cao
So với luật Tổ chức TAND năm 2014 đang có hiệu lực, luật Tổ chức TAND năm 2024 có nhiều quy định mới về tiêu chuẩn cũng như điều kiện bổ nhiệm thẩm phán. Trong đó, luật mới giới hạn thẩm phán ít nhất phải từ 28 tuổi trở lên (luật hiện hành không quy định - PV).
Riêng với chức danh thẩm phán TAND tối cao, ngoài các tiêu chuẩn của thẩm phán TAND, luật mới quy định cần có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên, có từ đủ 20 năm trở lên công tác tại tòa án, bao gồm từ đủ 10 năm trở lên làm thẩm phán TAND.
Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng cũng phải có từ đủ 5 năm trở lên làm thẩm phán TAND.
Đáng chú ý, luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định nguồn bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao có thể đến từ những người không công tác trong ngành TAND, nhưng có uy tín cao trong xã hội, có đủ tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm đối với chức danh thẩm phán TAND tối cao.
Thứ nhất là người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức T.Ư am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao.
Thứ hai là chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Luật cũng quy định rõ, số lượng thẩm phán TAND tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm thuộc diện "ngoài ngành" tối đa là 2 người.
Án bị hủy, thẩm phán chỉ chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan
Luật Tổ chức TAND năm 2024 còn dành riêng một điều để quy định về bảo vệ thẩm phán.
Theo đó, 3 nhóm hành vi bị nghiêm cấm gồm: đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thẩm phán; cản trở thẩm phán thi hành công vụ; gây ảnh hưởng đến sự độc lập, khách quan của thẩm phán.
Đặc biệt, luật quy định thẩm phán đã ra bản án, quyết định mà bản án, quyết định đó bị hủy, sửa thì chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan theo quy định của pháp luật. Chánh án TAND tối cao được giao nhiệm vụ quy định chi tiết việc này.
Bình luận (0)