Viện KSND TP.HCM: Nhiều đề xuất tại dự án luật Tổ chức TAND dễ gây xáo trộn

Ngân Nga
Ngân Nga
26/09/2023 20:49 GMT+7

Theo đại diện Viện KSND TP.HCM, nhiều nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự án luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ gây xáo trộn đến hệ thống tư pháp, chưa phù hợp với Hiến pháp.

Ngày 26.9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Phát biểu tại hội thảo, đại diện Viện KSND TP.HCM cho biết, nhiều nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung của dự án luật chưa bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Những nội dung đề xuất sẽ gây xáo trộn đến hệ thống tư pháp, dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và nhiều đạo luật liên quan. 

3 vấn đề đáng chú ý

Theo đó, Viện kiểm sát dẫn chứng 3 vấn đề đáng chú ý.

Thứ nhất, theo Viện KSND TP.HCM, việc thành lập TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh đã được nêu tại Nghị quyết số 49. Tuy nhiên, sau 15 năm tổng kết, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận không thực hiện chủ trương này và trong Nghị quyết số 27 cũng không đề cập đến nội dung này.

Do đó, theo Viện kiểm sát, việc đổi tên theo như dự án luật là không cần thiết, vì chỉ mang tính hình thức và không làm thay đổi về mặt bản chất. Việc này sẽ gây ra những tác động, xáo trộn trực tiếp hệ thống pháp luật liên quan trong lĩnh vực tư pháp cần phải sửa đổi, bổ sung như: bộ luật Tố tụng hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự,... và gây lãng phí khi phải thay đổi biển tên, con dấu, trụ sở.

Viện KSND TP.HCM: Dự án luật Tổ chức tòa án (sửa đổi) dễ gây xáo trộn - Ảnh 1.

Theo đại diện Viện KSND TP.HCM, về việc đề xuất bỏ quy định thu thập chứng cứ của tòa án ở giai đoạn này chưa phù hợp với thực tiễn

NGÂN NGA

Thứ hai, Viện KSND TP.HCM cho rằng về việc đề xuất bỏ quy định thu thập chứng cứ của tòa án ở giai đoạn này chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi thực tế ở nước ta hiện nay trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân, nhất là người lao động còn hạn chế. Người dân không có đủ thông tin và điều kiện để đến các cơ quan có thẩm quyền để thu thập chứng cứ; cơ quan nhà nước không tự cung cấp chứng cứ cho người dân nếu không có yêu cầu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

Việc ưu tiên hỗ trợ người yếu thế là cần thiết, tuy nhiên mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và không bị phân biệt đối xử. Hơn nữa theo quy định hiện nay, đã có cơ chế trợ giúp pháp lý cho người yếu thế, bao gồm cả hỗ trợ việc thu thập chứng cứ.

Theo quy định hiện hành, đương sự cũng không có quyền yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ trong mọi trường hợp, mà chỉ có quyền yêu cầu tòa án hỗ trợ nếu đương sự không thể thu thập được, và trong những trường hợp do pháp luật quy định.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp mặc dù tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ, xác minh, thẩm định nhưng vẫn chưa đánh giá đúng bản chất của vụ việc, dẫn đến có sai sót, bị hủy, sửa hoặc không thi hành án được. Do vậy, để phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng một nền tư pháp "phục vụ nhân dân", Viện kiểm sát đề nghị tiếp tục quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án.

Thứ ba, về xử lý thẩm phán vi phạm, điều 105 dự án luật quy định, việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của thẩm phán TAND tối cao phải có ý kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; còn đối với thẩm phán phải có ý kiến của Chánh án TAND tối cao.

Quy định nêu trên mang ý nghĩa "quyền miễn trừ" (quyền đặc biệt) đối với thẩm phán, tương tự như "quyền miễn trừ" đối với đại biểu Quốc hội, hiện được quy định tại điều 81 Hiến pháp. Viện KSND TP.HCM cho rằng, kể cả trường hợp Đảng nhất trí chủ trương ghi nhận về "quyền miễn trừ" đối với thẩm phán, thì phải được cân nhắc trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân, trong đó có công chức. Đặc biệt, cần phải ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.

Viện KSND TP.HCM: Dự án luật Tổ chức tòa án (sửa đổi) dễ gây xáo trộn - Ảnh 2.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM)

NGÂN NGA

Đại diện các tòa án nói gì?

Trong khi đó, đại diện TAND TP.HCM, TAND Q.6 và Q.Bình Thạnh đều tỏ ra đồng thuận với dự án luật. Theo thẩm phán TAND TP.HCM Trần Thị Thương, hoạt động của Đoàn luật sư, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia và Thừa phát lại sẽ giúp cho người dân thu thập chứng cứ. Sau luật Tổ chức TAND được thông qua, xã hội sẽ đồng thuận phát triển theo…

Còn vị đại diện của Tòa án Quân sự Quân khu 7, đặt vấn đề: "Theo dự án, việc bắt giam giữ thẩm phán phải có ý kiến của Chánh án TAND tối cao hoặc Chủ tịch nước. Nếu xin ý kiến của Chánh án và Chủ tịch nước mà không được đồng ý thì hoạt động tố tụng sẽ không được áp dụng. Như vậy đã xâm phạm đến các hoạt động tố tụng, theo tôi cần phải có sự điều chỉnh là báo cáo Chủ tịch nước hoặc Chánh án TAND tối cao thì phù hợp hơn".

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM), dù tòa có thu thập chứng cứ hay không cũng không ảnh hưởng gì đến sự khách quan của thẩm phán. "Đúng là theo xu hướng, ai muốn kiện thì người đó phải cung cấp chứng cứ, và tòa chỉ căn cứ trên chứng cứ được thu thập. Có ý kiến cho rằng các thẩm phán thu thập chứng cứ để ép một bên nào đó, tôi cho rằng quan điểm này không đúng. Không lẽ từ xưa đến giờ tòa thu thập chứng cứ là không khách quan?", bà Tuyết đặt vấn đề.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 26.9


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.