Từ 15.9, Thông tư 32 của Bộ Công an sẽ chính thức có hiệu lực. Thông tư này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).
Ưu tiên sử dụng ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý vi phạm
Trao đổi với Thanh Niên, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết: tại Thông tư 32, các quy trình công tác, xử lý vi phạm về cơ bản không thay đổi so với các thông tư trước đây nhưng có một số điểm mới.
Điều 16 Thông tư 32 quy định về cán bộ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong 4 trường hợp thì các trường hợp này cũng tương tự như trong Thông tư 65 hiện hành.
"Thông tư 32 ưu tiên sử dụng ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật trong tuần tra, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ như phát huy tối đa hệ thống giám sát về giao thông. Thông tư quy định phải thường trực 24/24 để vận hành phát hiện xử lý các vi phạm về giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Thông tư 32 bổ sung quy định kiểm soát được các trường hợp giấy tờ được tích hợp bằng các tài khoản định danh điện tử (tức là khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh, xác nhận được các thông tin, tình trạng của giấy tờ phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông)", đại tá Nhật chia sẻ về điểm mới của Thông tư 32.
Một điểm mới khác trong Thông tư 32 là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đối với các trường hợp vi phạm giao thông đến công an cấp huyện, nơi những người vi phạm cư trú hoặc tổ chức đóng trụ sở để thực hiện việc nộp phạt. Đây là việc tạo điều kiện cho người vi phạm không phải đi xa để chấp hành xử phạt.
Thông tư 32 cũng hướng dẫn những người vi phạm nộp tiền trên Cổng dịch vụ Công quốc gia và Cổng dịch vụ Công của Bộ Công an.
Thông tư mới của Bộ Công an không yêu cầu CSGT chào tài xế bằng lời nói
Bỏ quy định thông báo công khai kế hoạch của CSGT
Một điểm mới khác của Thông tư 32 là cán bộ CSGT khi gặp người vi phạm sẽ chào bằng điều lệnh công an nhân dân chứ không chào bằng lời nói theo thông tư cũ.
"Việc chào theo điều lệnh đã thể hiện sự tôn trọng của lực lượng CSGT đối với người vi phạm mà không cần nhất thiết phải nói ra câu chào. Trong quá trình tiếp xúc với nhân dân, thông tư cũng quy định cán bộ CSGT phải có lễ tiết, tác phong, thái độ ứng xử theo nề nếp, văn hóa", đại tá Nhật nói thêm.
Thông tư 32 đã bỏ quy định về thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát của CSGT nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Toàn bộ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông của lực lượng CSGT đều được công khai. Ví dụ như việc đăng tải toàn văn, công khai Thông tư 32 và các thông tư khác tại Cổng thông tin Bộ Công an, Cổng thông tin Cục CSGT và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể tiếp cận, tìm hiểu.
Ngay tại Thông tư 32 cũng quy định rất rõ về tuyến địa bàn thực hiện tuần tra kiểm soát của từng cấp như Cục CSGT sẽ đảm nhiệm tuyến đường nào, cấp tỉnh, cấp huyện thì thực hiện ra sao... mọi người dân đều có thể nắm được.
Ngoài ra, việc bỏ quy định thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT là vì kế hoạch này được coi như mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng vũ trang.
Từ 15.9.2023, CSGT được dừng xe kiểm tra các giấy tờ gì?
Bình luận (0)