Từ 1.7, trường hợp nào bị thu hồi thẻ căn cước?

01/07/2024 18:02 GMT+7

Luật Căn cước có hiệu lực kể từ hôm nay 1.7, quy định cụ thể các trường hợp bị thu hồi thẻ căn cước.

Theo quy định tại luật Căn cước, kể từ 1.7, Bộ Công an sẽ triển khai cấp thẻ căn cước cho người dân, nhằm thay thế thẻ căn cước công dân theo quy định cũ.

Thẻ căn cước có nhiều điểm mới, ngoài dữ liệu về ảnh chân dung và vân tay thì cơ quan công an còn thu thập cả mống mắt. Đồng thời, đối tượng được cấp thẻ mở rộng hơn trước đây, với cả người dưới 14 tuổi.

Đáng chú ý, luật Căn cước quy định 3 trường hợp thẻ căn cước sẽ bị thu hồi. Thứ nhất là công dân bị tước quốc tịch Việt Nam, được thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Thứ hai là thẻ căn cước cấp sai quy định. Thứ ba là thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.

Từ 1.7, trường hợp nào bị thu hồi thẻ căn cước?- Ảnh 1.

Một trong những chiếc thẻ căn cước đầu tiên được cấp theo quy định mới tại luật Căn cước

TIỂU TUÂN


Thủ tục thu hồi thẻ căn cước

Để quy định chi tiết nội dung trên, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70/2024 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi thẻ căn cước.

Theo đó, với trường hợp bị tước, được thôi hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cơ quan nào tiếp nhận, trả kết quả khi thực hiện các thủ tục này sẽ tiến hành lập biên bản về việc thu hồi thẻ căn cước.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định tước, cho thôi hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi văn bản thông báo kèm thẻ căn cước đã bị thu hồi đến cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an.

Giải đáp thắc mắc về luật Căn cước: Mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có trách nhiệm hủy giá trị sử dụng của thẻ căn cước và cập nhật thông tin người có quyết định tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Với thẻ căn cước cấp sai hoặc đã tẩy xóa, sửa chữa, Nghị định 70 nêu rõ: cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý căn cước kiểm tra, xác minh và yêu cầu người đang sử dụng thẻ căn cước thuộc các trường hợp trên nộp lại thẻ căn cước.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và thực hiện thu hồi thẻ căn cước cấp sai quy định hoặc thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa và thông báo cho cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an.

Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có trách nhiệm cập nhật trạng thái, khóa căn cước điện tử đối với trường hợp thẻ căn cước đã được thu hồi.

Từ 1.7, trường hợp nào bị thu hồi thẻ căn cước?- Ảnh 2.

Công an làm thủ tục cấp thẻ căn cước, trong đó có việc thu nhận dữ liệu về mống mắt, cho trẻ em dưới 14 tuổi

TRẦN CƯỜNG

Khi nào bị giữ thẻ căn cước?

Vẫn theo quy định tại luật Căn cước, kể từ 1.7, thẻ căn cước sẽ bị giữ trong 2 trường hợp. Thứ nhất là người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Thứ hai là người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về trình tự, Nghị định 70 quy định người thuộc diện bị giữ thẻ căn cước nêu trên phải xuất trình và giao nộp thẻ căn cước cho các cơ quan thi hành biện pháp tư pháp tương ứng.

Người được giao nhiệm vụ quản lý thẻ căn cước bị giữ có trách nhiệm bảo quản thẻ căn cước trong thời gian giữ thẻ.

Người bị giữ thẻ căn cước được trả lại thẻ căn cước khi hết thời hạn thực hiện các biện pháp tư pháp.

Cơ quan có thẩm quyền giữ thẻ căn cước khi giữ, trả lại thẻ căn cước phải lập sổ sách theo dõi về việc giữ, trả lại thẻ căn cước và có chữ ký xác nhận của người giữ và người bị giữ thẻ.

Đồng thời, có trách nhiệm thông báo việc giữ, trả lại thẻ căn cước cho cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an để thực hiện việc khóa, mở khóa căn cước điện tử theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.