Tham dự có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực biển đảo.
Bà Huỳnh Thị Sinh nhận tấm phù điêu tôn vinh hành động vì biển đảo VN - Ảnh: Trường Sơn |
Chà đạp luật pháp quốc tế
|
Tại buổi gặp mặt, Trung tâm Minh Triết đã ra tuyên bố trong đó khẳng định việc chiếm đoạt một phần quần đảo Hoàng Sa (1956) và đem quân cưỡng chiếm hoàn toàn Hoàng Sa năm 1974 của Trung Quốc là phi pháp, chà đạp lên luật pháp quốc tế. Tuyên bố cũng lên án hành động xâm chiếm lãnh thổ VN mà Trung Quốc vẫn tuyên bố là nước quan hệ “láng giềng hữu nghị”.
Tuyên bố của Trung tâm Minh Triết cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Chính phủ VN, khẳng định chủ quyền của VN ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lên án và tố cáo trước dư luận quốc tế về hành động xâm lược của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết nhận xét với chiến lược biển đầy tham vọng bành trướng, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục gây hấn với các nước trong khu vực, ngang nhiên vạch ra “đường lưỡi bò” trên biển Đông, công bố “Vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) ở biển Hoa Đông, gây khó dễ cho các hoạt động bình thường của các nước trong khu vực. Cũng theo ông Nguyễn Khắc Mai, hệ thống lại những sự kiện đã xảy ra 40 năm qua, mọi người đều thấy các hành động của Trung Quốc uy hiếp hòa bình, phát triển của khu vực và làm cho cả thế giới lo ngại.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chia sẻ 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược là sự kiện đau buồn nhưng cũng nhân dịp này cần có sự thức tỉnh rõ hơn vấn đề hòa hợp dân tộc. Theo ông Nguyễn Trung, việc nhìn nhận những binh lính VN Cộng hòa (VNCH) đã hy sinh cho Hoàng Sa cũng là những người yêu nước đã ngã xuống cho Tổ quốc là vô cùng cần thiết.
Ý thức bảo vệ đất nước
Ông Nguyễn Đăng Quang, một trong những thành viên tham dự Phái đoàn liên hiệp quân sự 4 bên sau Hiệp định Paris (1973) kể lại chính các sĩ quan VNCH mà ông có dịp tiếp xúc đã có dự đoán về việc Trung Quốc sẽ tấn công Hoàng Sa và Trường Sa ngay từ năm 1973.
Cụ thể trong một buổi làm việc chính thức, một thiếu tá VNCH đã hỏi ông Quang: “Chúng ta đều là người Việt, hiện tại chúng ta đang là kẻ thù của nhau nhưng sau này có lẽ sẽ không là kẻ thù của nhau nữa. Tôi xin hỏi liệu sau này có một cường quốc phương bắc xâm chiếm một mảnh đất nào của chúng tôi hoặc của các ông thì các ông sẽ đối phó ra sao?”. “Lúc đó tôi mới ngoài 30, nhiều vấn đề cũng chưa hiểu rõ để đủ sức trả lời câu hỏi này. Chỉ một năm sau đó khi xảy ra sự kiện Hoàng Sa tôi mới thấy rằng chính những người ở phía đối địch hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta”, ông Quang nhớ lại.
Tại sự kiện này, Trung tâm Minh Triết đã trao tặng bà Huỳnh Thị Sinh, quả phụ thiếu tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo của quân đội VNCH, người đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 tấm phù điêu tôn vinh hành động vì biển đảo VN và một khoản tiền hỗ trợ do trung tâm vận động đóng góp.
Còn nhiều vấn đề Theo GS-TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN (Bộ Tài nguyên - Môi trường), việc tưởng niệm Hoàng Sa 1974 cũng như các sự kiện khác là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là từ sự kiện đó rút ra những bài học cho tương lai. Theo ông Hồi, liên quan đến vấn đề biển đảo vẫn còn quá nhiều góc cạnh mà hiện VN đang bỏ trống, trong đó có cả những vấn đề lý luận về chiến lược phát triển kinh tế biển. Trong khi đó phía Trung Quốc khẳng định rõ ràng của chung thì khai thác trước, của riêng Trung Quốc thì phải giữ riêng, những khu vực còn tranh chấp thì củng cố, trong trường hợp không còn con đường nào khác mà buộc phải phân chia thì Trung Quốc không bao giờ chịu thua. |
Trường Sơn
>> Tưởng niệm 40 năm sự kiện Hoàng Sa
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 1)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 2)
>> Danh sách các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hi sinh trong Hải chiến Hoàng Sa 1974
Bình luận (0)