Tu bổ hay làm hại di tích tháp Bánh Ít?

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
10/03/2022 07:00 GMT+7

Ngày 9.3, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho biết đã có văn bản đề nghị Sở VH-TT tỉnh Bình Định kiểm tra việc thi công không đảm bảo nội dung đã được chấp thuận tại công trình tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (ở xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định), đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích.

Biện pháp thi công sai

Công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9.2021, do Sở VH-TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2021 - 2022. Ngày 27.10.2021, Bộ VH-TT-DL có văn bản thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Tháng 12.2021, công trình chính thức khởi công.

Gần đây có dư luận về việc thi công tháp Bánh Ít không đúng với các biện pháp thi công đã được các cơ quan chức năng thẩm định, dùng phương tiện cơ giới thi công làm xâm hại di tích…, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tỉnh kiểm tra, chấn chỉnh.

Quần thể di tích tháp Bánh Ít bị đào bới nhiều nơi

BẢO THOA

Sáng 4.3, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với UBND xã Phước Hiệp, Sở VH-TT và các bên liên quan kiểm tra công trình nói trên. Tại buổi kiểm tra, các bên thống nhất đề nghị dừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước tháp chính và khuôn viên tháp chính bằng máy cơ giới (theo hồ sơ dự án thì việc đắp cát công trình bằng thủ công và máy đầm đất cầm tay) và đưa máy móc ra khỏi khu vực này.

Đoàn kiểm tra yêu cầu trong quá trình thi công dự án tiếp theo phải thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định phê duyệt và phải có biện pháp thi công không ảnh hưởng đến hiện trạng của di tích. Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan đến công trình.

Phương tiện cơ giới thi công gần các tháp

BẠN ĐỌC CUNG CẤP

Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trong các ngày 8 và 9.3, khu di tích tháp Bánh Ít đóng kín cổng, không cho người bên ngoài vào và các đơn vị thi công tiếp tục thi công các hạng mục không bị đình chỉ của công trình. Tại khu vực 4 tháp (tháp chính, tháp lửa, tháp bia, tháp cổng) của quần thể tháp Bánh Ít nham nhở dấu vết bị đào bới, san lấp, đường di chuyển của phương tiện cơ giới. Tại khu vực tháp cổng, dấu vết đào bới ăn sâu vào chân tháp. Đặc biệt, xung quanh tháp chính và tháp lửa đã được đào bới để xây móng bằng đá, đổ trụ bê tông cốt thép. Xung quanh chân tháp chính còn được xây dựng bồn hoa. Trước sân tháp chính cũng bị đào xới một mảng lớn.

Khu vực trước sân tháp chính của quần thể tháp Bánh Ít đã bị đơn vị thi công đưa phương tiện cơ giới đến đào bới, san ủi từ trước Tết Nhâm Dần. Trong quá trình tháo dỡ tấm bê tông trước tháp chính đã phát lộ ra một mảnh vỡ của tượng (nghi là tượng Chăm cổ), nền gạch, mảnh vỡ của gốm, đá sa thạch cổ… Vụ việc được báo cáo đến Sở VH-TT nên mảnh vỡ của tượng hiện đang được Bảo tàng tỉnh Bình Định lưu giữ để nghiên cứu. Sau đó, đơn vị thi công vận chuyển mảnh vỡ gạch, ngói cổ đi nơi khác để san lấp các khu vực xung quanh các tháp, còn đá sa thạch, gạch thì được tận dụng để xây nền móng. Khu vực bị đào bới được lấp lại để tiếp tục thi công dự án.

Vết đào bới ăn sâu vào chân tháp cổng

HOÀNG TRỌNG

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, cho rằng khu vực quần thể tháp Bánh Ít còn rất nhiều công trình khác đã bị đổ xuống, chưa phát lộ và chưa được khai quật. “Khi đào xuống nếu phát hiện ra hiện vật và vật kiến trúc thì phải dừng lại, mời các chuyên gia đến xem đó là cái gì đã rồi báo cáo với UBND tỉnh và Bộ VH-TT-DL. Nếu khai quật “chữa cháy” thì UBND tỉnh ra quyết định ngay, còn nếu bài bản thì phải xin Bộ VH-TT-DL để xem xét, quyết định”, TS Đinh Bá Hòa nói.

TS Đinh Bá Hòa cho rằng việc huy động máy móc, phương tiện cơ giới thi công, san gạt ở khu vực tháp Bánh Ít là sai hoàn toàn, là hành vi phá hoại di tích. Luật Di sản đã quy định rõ trong di tích những vùng nào cần bảo vệ nghiêm ngặt, bất khả xâm phạm, những vùng nào có thể điều chỉnh… Trước đây, đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di tích cấp quốc gia đã quy định tháp Bánh Ít là cụm tháp chỉ có 1 vòng bảo vệ nghiêm ngặt, không có phạm vi điều chỉnh. Vì vậy, bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào muốn gỡ hay xây dựng thêm một công trình nào tại đây đều phải được Bộ VH-TT-DL thỏa thuận.

“Vụ việc này là cách ứng xử với di tích, với văn hóa không đúng. Xung quanh tháp Chăm thì cần gì làm bồn hoa, cây cảnh vừa phản cảm vừa gây hại. Xây bồn hoa rồi tưới cây, nước thấm vào chân tháp năm này qua năm khác hư tháp thì sao. Chân tháp Chăm đã có điêu khắc trang trí mà trồng cây xanh, bồn hoa, cây lên cao thì làm sao mà thấy?”, ông Đinh Bá Hòa nói.

Trong các ngày 8 và 9.3, PV Thanh Niên liên lạc với ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định, để tìm hiểu thêm về vụ việc nhưng ông Chánh không nghe điện thoại. Văn phòng Sở VH-TT tỉnh cho biết ông Chánh đang đi công tác ngoài tỉnh chưa về.

Tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. Đây là một quần thể gồm 4 tháp, đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên người dân nơi đây gọi là tháp Bánh Ít, người Pháp ghi tên tháp là Tour d’Argent (tháp Bạc). Mỗi tháp ở đây đều có kiến trúc riêng biệt, sắc thái khác nhau.

Về phương diện nghệ thuật, trong toàn bộ di tích tháp Chàm còn lại trên đất nước Việt Nam, Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Cụm tháp này được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật vào năm 1982.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.