Từ cái dây chằng của Anh Khoa…

04/11/2015 14:33 GMT+7

(TNO) Bác sĩ Tan Jee Lim cho biết sau khi phẫu thuật thay dây chằng, cầu thủ Anh Khoa của SHB.Đà Nẵng có đến 60-70% cơ hội trở lại với bóng đá.

(TNO) Bác sĩ Tan Jee Lim cho biết sau khi phẫu thuật thay dây chằng, cầu thủ Anh Khoa của SHB.Đà Nẵng có đến 60-70% cơ hội trở lại với bóng đá.

Bác sĩ Tan Jee Lim và Anh Khoa tại Singapore - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nghĩa là bệnh viện Gleneagles thuộc tập đoàn bệnh viện Parkway (Singapore) vẫn không thể bảo đảm một cách chắc chắn Anh Khoa có thể đá bóng sau chấn thương hay không, vì còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố.

Ở đây, chúng tôi không bàn đến tính nhanh nhảu đoảng của Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khi đưa ra một bản án thiếu thuyết phục về việc yêu cầu Quế Ngọc Hải sau pha vào bóng không cẩn trọng phải chi trả toàn bộ chi phí chữa trị cho Anh Khoa.

Quy định của Ban kỷ luật VFF còn đứng trên cả luật dân sự nhưng tiếc là nó được dễ dàng thông qua bởi các đội bóng tham gia nên khi đụng chuyện thì ráng mà chịu.

Lần đầu tiên VFF ra một bản án nặng nề cho Quế Ngọc Hải mà có lúc anh còn tính chuyện giải nghệ hoặc tìm chỗ khác đầu quân kiếm tiền trả nợ, vì không kham nổi chi phí chạy chữa cho Anh Khoa.

Trở lại với cái dây chằng của Anh Khoa, trong cuộc họp báo của đại diện bệnh viện Gleneagles, có hai điều không khỏi làm tổn thương một cách đúng đắn về sự nghiệp dư của bóng đá Việt Nam và của nền y học thể thao quốc nội.

Thứ nhất, bác sĩ Tan liên tục lắc đầu khi bình phẩm về pha vào bóng của hậu vệ Quế Ngọc Hải là hủy hoại sự nghiệp đối phương. Ông không hiểu vì sao một cầu thủ chuyên nghiệp lại là tuyển thủ quốc gia lại có một cú ra chân ác ý khiến ông sợ hãi mà không dám xem lại lần thứ hai. 

Quế Ngọc Hải trong lần vào Đà Nẵng thăm Anh Khoa - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vị bác sĩ khả kính người Singapore nhân tiện thông qua báo chí “đứng lớp” cho các nhà làm bóng đá Việt Nam về cách dạy bảo cầu thủ từ CLB lẫn cách ứng xử giữa các đồng nghiệp phải biết yêu quý đôi chân cũng là cần câu cơm của nhau.

Điều ông Tan nói không biết có làm ai trăn trở hay không nhưng mùa giải nào cũng nhan nhản những pha vào bóng ác ý rùng rợn khiến cầu thủ chấn thương nặng dẫn đến sa sút phong độ hoặc giải nghệ.

Điều thứ hai ở cuộc họp báo do đại diện của một bệnh viện nước ngoài tổ chức là lần đầu tiên chỉ để nói về mức độ chấn thương của một cầu thủ và… chi phí chữa trị. Một bộ phận dư luận tỏ ra quan tâm đến con số 800 triệu đồng do phía SHB.Đà Nẵng tham khảo nhưng tổng chi do bác sĩ Tan đưa ra chỉ là 680 triệu đồng rồi thi nhau bàn tán xôn xao.

Sự việc càng được xì xào thì cái tiếng của một bệnh viện nước ngoài càng nổi mà không mất nhiều công sức làm quảng cáo dù khả năng quay lại sân cỏ của Anh Khoa vẫn là một dấu hỏi lớn.

Có điều, rất ít người trong cuộc biết mắc cỡ khi làng bóng Việt Nam cũng có bệnh viện y học với vô số tiến sĩ, bác sĩ lại không đủ độ tin cậy trước một ca chấn thương nằm trong khả năng chữa trị thành công mà chi phí chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng.

Dù sao cũng cảm ơn bác sĩ Tan Jee Lim từ cái dây chằng của Anh Khoa đã chỉ ra rất nhiều tồn tại của bóng đá Việt Nam lẫn hạn chế của ngành y học thể thao nói nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.