Du khách có dịp đi trên QL24 từ Quảng Ngãi lên Kon Tum, ngang qua vùng núi Đại Sơn - khu vực giáp ranh giữa bốn huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và Ba Tơ (Quảng Ngãi) sẽ thấy những cây dầu cổ thụ thẳng tắp, đứng xen lẫn với nhiều loài cây khác trong khu rừng nguyên sinh trên 1.000 ha. Loài cây này còn có tên là "mãnh hỏa du", dựa vào đặc tính cháy rất "khủng" của nó.
Sở dĩ những cây dầu cổ thụ vùng này không bị chặt phá là bởi trải qua nhiều thế hệ, hàng trăm hộ dân trong vùng đã ký thác sinh mệnh của mình vào chính những giọt dầu từ thân của nó. Đây là một trong vài cánh rừng dầu hiếm hoi còn sót lại của khu vực Trung bộ được người dân gìn giữ.
QUÀ TẶNG TỪ TRỜI
Ông Đoàn Ngọc Ý, 71 tuổi, ở thôn Trường Lệ, dưới chân núi Đại Sơn, người có hơn nửa thế kỷ gắn với nghề khai thác dầu rái, nói cây dầu như một thứ quà tặng từ trời vậy. "Cây dầu ở núi Đại Sơn là loài cây mọc tự nhiên chứ ông bà chúng tôi không trồng. Quả của nó có hai cánh làm phận sự như một chiếc dù. Chính chiếc dù tự nhiên này đã mang hạt dầu, nhờ gió chuyển đi rải khắp rừng. Chỗ nào dù đáp xuống, thì mùa sau cây dầu sẽ mọc lên nơi đó. Rừng dầu trên núi Đại Sơn là kết quả "đáp xuống" từ những chiếc dù mang hạt dầu như thế", ông lý giải.
Anh Cao Thanh Hà, Trưởng thôn Trường Lệ, nói thêm: "Sở dĩ gọi cây dầu là món quà từ trời là bởi trước đây, nhiều thế hệ cư dân của bốn huyện sống quanh núi Đại Sơn này đều nhờ vào loài cây ấy. Khai thác dầu rái đã trở thành nghề truyền thống của nhiều làng quanh chân núi này. Những đứa trẻ ngay từ thuở lên 10 đã biết theo người lớn vào rừng để học nghề khai thác dầu rái từ chính cha anh mình. Tôi cũng học từ cha mình như thế".
Cũng theo anh Hà, dù là cây mọc hoang nhưng trong thời phong kiến, việc chia phần số cây dầu cho mỗi gia đình cũng theo hương ước của từng làng chứ không phải mạnh ai nấy chiếm đoạt. Vì giá trị của nó nên cũng đã từng xảy ra tranh chấp quyền khai thác mủ cây dầu giữa người dân các vùng với nhau. Tình trạng tranh chấp chỉ chấm dứt kể từ sau năm 1975, khi nhà nước là pháp nhân duy nhất quản lý toàn bộ rừng nguyên sinh ở núi Đại Sơn. Nghề khai thác dầu rái cũng bắt đầu mai một dần, giờ chỉ còn người dân thôn Trường Lệ duy trì nghề này. Cũng nhờ thế nên hàng trăm cây dầu cổ thụ mới tồn tại đến hôm nay.
TRIẾT LÝ GIỮ RỪNG
Ông Cao Một, 86 tuổi, bố anh Hà từng giải thích cho anh về nguồn gốc của tên làng Trường Lệ. Theo ông Một, Trường Lệ trước có tên là Thường Lệ, để nói về chợ phiên của vùng này, cứ mỗi tháng thì "thường lệ" họp chợ một lần. Dân miền núi bán sản vật từ rừng cho dân dưới xuôi lên mua, trong đó có dầu rái được khai thác ở vùng núi Đại Sơn; còn dân miệt biển theo thuyền ngược sông Vệ lên vùng này để bán cá, mắm.
Cuộc mua bán, đổi chác như thế giữa hai miền xuôi - ngược đã có từ lâu ở vùng này. Những trạm "thuế quan" - tạm gọi như vậy, được nhà Nguyễn hình thành dọc theo Trường Lũy - một lũy cổ được xây bằng đá dài trên
100 km từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định) chạy ngang qua làng Trường Lệ này. Dấu vết của công trình quân sự kiên cố từ 200 năm trước hiện vẫn còn tồn tại nhiều đoạn nguyên vẹn tại đây.
Có lẽ việc sống ở một nơi nhộn nhịp giao thương giữa hai miền xuôi ngược nên dân Trường Lệ kịp thích nghi với những biến động của thời cuộc, trong đó có nghề khai thác dầu rái. Trong khi hàng trăm hộ dân ở các làng thuộc Đức Phổ, Mộ Đức, Ba Tơ bỏ cuộc thì người Trường Lệ vẫn duy trì nghề này cho đến tận hôm nay. Họ vẫn tìm được đầu ra cho sản phẩm có tính truyền thống này. Chợ phiên "thường lệ" không còn nhưng Trưởng thôn Trường Lệ - Cao Thanh Hà cùng hàng chục hộ dân khác thì vẫn… thường lệ vào rừng đều đặn để lấy dầu. Dân miền biển vẫn lên mua dầu để về chống thấm cho những chiếc thuyền nan như cách mà cha ông ta đã dùng từ hàng trăm năm trước.
Theo chân anh Cao Thanh Hà, chúng tôi ngược núi để tiếp cận những cây dầu cổ thụ đầu tiên của núi Đại Sơn. Anh giải thích trước sự ngạc nhiên của tôi về những thân cây dầu mỏng manh tưởng như sắp ngã đổ: "Sở dĩ những gốc cây mỏng như thế này vì người thợ đã vạt cả hàng chục lần vào thân của nó. Khác với cây cao su lấy mủ từ vỏ, cây dầu lấy mủ từ lõi. Dùng con dao chuyên dụng thật bén, vạt làm sao thật "ngọt" tạo một mặt phẳng vào thân cây. 20 ngày sau dùng lửa đốt chỗ đã vạt, dầu từ thân chảy xuống chiếc khay nhựa đặt bên dưới. Cứ mỗi cây như thế, cũng cho được 3 - 5 lít dầu, bán 30.000 đồng/lít. Ngày nào nắng tốt cũng kiếm được 20 lít. Tui nuôi hai đứa con học trong Sài Gòn cũng từ những lít dầu này", anh Hà khoe với khách.
Tôi tò mò: "Tại sao gốc cây mỏng dính như vậy mà không bị ngã đổ trước gió bão hằng năm?". "Vì chúng đã tựa vào nhau, vậy thôi". Lại hỏi: "Cây dầu cũng là loại gỗ quý, rừng thì mênh mông thế, sao lâm tặc không cưa trộm?". "Cây nào mà gắn với quyền lợi sát sườn của người dân thì không ai có thể cưa đổ được nó". Anh Hà trả lời ngắn gọn như một triết lý.
Vâng, một sự đúc rút từ thực tế chứ chả cần lý thuyết cao vời đâu cho xa. Đó là cây cũng như người, hễ biết tựa vào nhau thì không thứ gió bão nào, không một thế lực nào có thể quật ngã. Cứ để cho dân sống được từ rừng, để chính cây rừng nuôi họ thì lâm tặc cũng bó tay thôi.
THEO NHỮNG CHUYẾN HẢI HÀNH VẠN DẶM
Nhà thám hiểm người Anh William Dampier (1651 - 1715), từng có mặt ở Đàng Trong vào năm 1687 để tìm hiểu cảnh khai thác dầu rái của cư dân bản địa. Khi chứng kiến tác dụng của loại dầu này, ông mới vỡ vạc rằng vì sao người An Nam lại có thể "xuyên biển" trên những chiếc ghe bầu với trọng tải hàng chục tấn mà vẫn an toàn. Dầu rái và phân bò tươi được quét lên thân ghe bầu là cách chống nước thâm nhập. Ở miền Trung thế kỷ 17 - 19 đã hình thành nhiều thương cảng sầm uất, ghe thuyền buôn bán tấp nập, trở thành mảnh đất màu mỡ để những cánh rừng dầu có điều kiện "phô diễn" tính hữu dụng của mình.
Trong ký ức của dân làng Sơn Mỹ - quê của anh hùng dân tộc Trương Định vẫn còn lưu giữ câu chuyện về cha con ông. Sau khi vào Nam lập nghiệp ở vùng Gò Công (Tiền Giang ngày nay), nhiều lần Trương Định quay trở lại quê nhà trên những chuyến ghe bầu - phương tiện đã từng đưa ông "hành phương Nam" cùng với số dân ấp dân lân thuở đi mở cõi. Những chuyến ghe bầu đầy ắp lương thực phương Nam đã được ông mang ra miền Trung để giúp cho người dân gặp thiên tai mỗi mùa bão lũ.
Cứ tưởng ngày nay dầu rái đã không còn được tiêu thụ mạnh vì các loại tàu bè hiện đại không dùng nữa nhưng nhiều làng chài câu mực dọc miền Trung vẫn rất cần loại vật liệu này. Những chiếc thuyền thúng của tàu câu mực dài ngày trên biển vẫn được đan bằng nan tre chứ không dùng vật liệu composite. Mà đã đan bằng tre thì không thể vắng mặt dầu rái dùng để quét bên ngoài chống thấm nước được.
Cứ thế, dầu từ cánh rừng mãnh hỏa du trăm tuổi ấy vẫn tiếp tục theo chân ngư phủ trên những chuyến hải hành vạn dặm khơi xa.
Bình luận (0)