Từ cậu học sinh nghiện game tới bác sĩ da liễu

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/08/2022 06:03 GMT+7

Từng mê game tới mức chơi thâu đêm suốt sáng, khiến ba tức giận đập nát máy chơi game, nhưng Phạm Minh Trường đã thức tỉnh và chú tâm học hành, tới nay đang là bác sĩ da liễu.

Có cha là giáo viên, mẹ buôn bán, nhưng bác sĩ Phạm Minh Trường cho biết bản thân mình và 2 người em đều theo đuổi ngành y, dược.

Chiếc máy game và xe đạp bị đập nát

Bác sĩ chuyên khoa (CK) I Phạm Minh Trường quê ở H.Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Trong trí nhớ của anh, thuở ấu thơ, khắp vùng không có một phòng khám nhi nào. “Mỗi lần tôi bị bệnh, ba phải bồng tôi đi phà, qua sông mới có nơi khám. Hồi tôi 5 tuổi, một cô hỏi: “Sau lớn lên con làm gì?”, tôi đáp ngay: “Con làm bác sĩ”. Ước mơ làm bác sĩ cứ tự nhiên đến và lớn dần hơn trong tôi”, bác sĩ Trường hồi tưởng.

Nhưng khi học lên THCS, Trường bỗng dưng mê rồi nghiện game, trốn học đi chơi nhiều như cơm bữa. Ba mẹ mua cho máy chơi game hy vọng quản lý con trai tốt hơn, nhưng không ngờ anh còn “cày” suốt đêm, kết quả học tập thảm hại. Đỉnh điểm của sự giận dữ, ba của Trường lôi búa ra đập nát cái máy và cả chiếc xe đạp, bắt Trường phải đi bộ đến trường. Bình tĩnh lại, ba thở dài: “Con cứ như thế này sẽ không thể nào trở thành bác sĩ được đâu”.

Bác sĩ Trường khám da cho bệnh nhân

Phương Nhi

Cai nghiện game không dễ dàng, nhưng trong tâm thức Trường, niềm khao khát trở thành bác sĩ vẫn chưa tắt. Anh lao đầu vào học, 3 năm học ở Trường THPT Tân Quới, H.Bình Tân, thành tích học tập của anh khiến thầy cô ấn tượng. Thi đậu bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược Cần Thơ, đến khi tốt nghiệp, Trường khiến cả nhà bất ngờ vì anh chọn chuyên ngành da liễu chứ không phải tim mạch như gia đình định hướng.

Bác sĩ mới ra trường không có đủ tiền để trang trải cuộc sống, chưa nói tới phải ôn tập, chuẩn bị cho việc học sau đại học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường phải đi làm trình dược viên, bán sản phẩm liên quan tim mạch. Biết nhiều bạn bè chê cười khi anh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa lại đi làm trình dược viên, nhưng Trường bỏ ngoài tai vì biết mục tiêu của mình là gì. Tích lũy đủ tiền, anh chuyên tâm học CKI da liễu ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Chọn đi theo con đường thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ không phẫu thuật, không xâm lấn), anh cho hay đây là lĩnh vực còn rất mới mẻ ở thời điểm những năm 2012 - 2013.

2 lần khởi nghiệp thất bại

Học xong CKI, Trường hoàn thành các khóa học về giải phẫu trong thẩm mỹ của ĐH Chulalongkorn, Thái Lan; Trung tâm laser và sức khỏe, Slovenia. Công việc sau đó thuận lợi, anh trở thành bác sĩ chính cho một phòng khám lớn của Singapore, giám đốc y khoa của nhiều thương hiệu thẩm mỹ.

Năm 2019, Trường cùng một số người bạn mở phòng khám thẩm mỹ nhưng đã sớm thất bại. Năm 2020, anh khởi nghiệp lại, nhưng dịch bệnh cũng “cuốn phăng” phòng khám thứ 2.

“Sau 2 lần thất bại, tôi ngẫm ra nhiều bài học và tự trau dồi thêm kiến thức, năng lực quản lý. Năm 2021, tôi khởi nghiệp lần thứ 3 với một phòng khám thẩm mỹ chuyên về trị nám ở trung tâm TP.HCM, lần này chỉ có mình tôi, vừa là người sáng lập vừa là nhà đầu tư”, anh cho hay. Bền bỉ đi qua những khó khăn mùa dịch, tới nay công việc của anh đã trở nên thuận lợi.

Bác sĩ CKI Phạm Minh Trường cũng thường xuyên chia sẻ những bài viết, clip cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ hữu ích, khoa học tới mọi người qua mạng xã hội. Mùa dịch năm ngoái, cả hai vợ chồng anh cùng tình nguyện đi chống dịch, làm nhiệm vụ ở các điểm tiêm vắc xin Covid-19 trong cộng đồng, dù lúc này con anh chị mới được vài tháng tuổi, phải cai sữa sớm, gửi về quê cho ông bà trông.

Mười mấy năm đã trôi qua nhưng cô Nguyễn Kim Nhung, giáo viên Trường THPT Tân Quới (Vĩnh Long) vẫn nhớ về cậu học trò Phạm Minh Trường nổi tiếng khắp vùng vì thành tích vươn lên trong học tập. Cô nói: “Ý chí, sự thành công của Trường bây giờ vẫn được kể cho các thế hệ học trò”.

Còn thạc sĩ, bác sĩ Lê Tuấn, công tác tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, bạn thân với bác sĩ Trường từ hồi học Trường ĐH Y dược Cần Thơ, cho hay: “Những gì Trường có được là nhờ hành trình nỗ lực, vượt khó không ngừng. Xuất thân từ vùng quê một tỉnh miền Tây, nếu học trò thành phố cố gắng 1 thì anh ấy cố gắng phải gấp 10 lần để có ngày hôm nay…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.