Tự chọn hay... bắt chọn môn học?

20/10/2015 05:13 GMT+7

Đổi từ dạy học phân ban sang phân hóa trong chương trình mới, Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ giảm số môn học bắt buộc và tăng quyền lựa chọn của học sinh ở cấp THPT chứ không khoanh vùng theo ban như hiện nay.

Đổi từ dạy học phân ban sang phân hóa trong chương trình mới, Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ giảm số môn học bắt buộc và tăng quyền lựa chọn của học sinh ở cấp THPT chứ không khoanh vùng theo ban như hiện nay.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm 2018, học sinh cấp THPT sẽ có các môn tự chọn bên cạnh môn bắt buộc - Ảnh: Đào Ngọc ThạchTrong chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm 2018, học sinh cấp THPT sẽ có các môn tự chọn bên cạnh môn bắt buộc - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng có 2 lý do chính để đi đến chủ trương sẽ tổ chức dạy học theo hình thức phân hóa ở cấp THPT: Học sinh (HS) nào cũng là một cá nhân không hoàn toàn giống với các bạn khác.
Nhà trường cần trang bị cho HS nền học vấn phổ thông, đồng thời có nhiệm vụ giúp mỗi HS phát triển tối đa tiềm năng cá nhân. Ngoài ra, phân hóa là để đáp ứng yêu cầu phân công lao động trong xã hội.
Vẫn còn nhiều môn tự chọn… bắt buộc
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy nhiều chuyên gia băn khoăn dự thảo chương trình mới dù đã tăng số môn tự chọn, nhưng HS cấp THPT vẫn phải học nhiều môn tự chọn bắt buộc quá nên khó đảm bảo tinh thần giảm tải cũng như phân hóa theo năng lực, sở trường của HS ở cấp học này.
Ông Đào Tấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), lo ngại dù chuyển sang tự chọn, tích hợp và phân hóa, nhưng vẫn thấy đâu đó bóng dáng của phân ban do HS vẫn phải học nhiều môn tự chọn. Với trung bình 3 tiết/tuần/môn tự chọn là quá ít để học “đến đầu đến đũa”. Chương trình cần phải tập trung thời gian cho 1 hoặc 2 môn tự chọn thế mạnh và liên quan đến việc lựa chọn nghề nghiệp sau này của HS. “Nên chuyển hẳn sang chế độ học tín chỉ. Như thế, dễ hiểu, dễ quản lý và tổ chức lớp học tự chọn, tạo điều kiện cho HS có thể hoàn thành sớm chương trình”, ông Đạt đề xuất.
Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ: “Cấp THPT giữa bắt buộc và tự chọn tồn tại đến 7 môn, trong khi thông thường các nước chỉ tối đa 5 môn. Cần nghiên cứu để giảm bớt số môn mang tính bắt buộc. Năm cuối cùng nên đào tạo sâu một số môn mà HS sẽ chọn nghề”.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một doanh nhân quan tâm đến giáo dục, cho biết: “Tôi có cảm giác trong việc xác định các môn học bắt buộc, cơ quan quản lý đang giành quyền quyết định HS phải học tốt những môn gì cho tương lai thay vì để việc đó cho HS và phụ huynh làm (như ở Singapore và các nước khác). Nếu như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục một nền giáo dục áp đặt thay vì tạo điều kiện cho HS phát huy các sở trường của mình và tập trung học tốt, học sâu những môn học mà HS có năng khiếu, thế mạnh và cần cho công việc tương lai”.
Khó khả thi trong thực tế ?
Chủ trương thì hay nhưng điều kiện thực tế về đội ngũ và cơ sở vật chất ở các trường như hiện nay đang khiến nhiều người lo lắng việc dạy học tự chọn sẽ khó khả thi.
Tại một hội thảo về vấn đề này, PGS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc triển khai hệ thống các môn học tự chọn ở Hàn Quốc có nhiều trắc trở trong đó có sự phản đối của nhiều giáo viên vì họ cảm thấy bị đe dọa bởi nguy cơ mất việc, nhất là đối với các môn mà HS không thấy hứng thú lắm. Bên cạnh đó, HS có xu hướng chỉ chọn những môn có lợi cho việc chuẩn bị thi vào ĐH. Với VN, theo ông Hùng, ngoài nỗi lo như đã diễn ra ở Hàn Quốc, chúng ta còn có nỗi lo về cơ sở vật chất, nhất là phòng học, chất lượng giáo viên, năng lực quản lý...
Sĩ số HS trong một lớp ở một số trường thuộc khu vực thành phố có nơi lên đến 50 - 60 em khiến giáo viên khó khăn khi phải chú ý tới từng HS. Năng lực của nhiều giáo viên về vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học có tác dụng phân hóa còn hạn chế. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đưa ra những khó khăn khi dạy học tự chọn. Chẳng hạn số lượng HS đăng ký học từng môn sẽ khác nhau trong khi khả năng đáp ứng của nhà trường lại hạn chế. Xuất hiện một số môn học, chuyên đề học tập có nội dung mới so với chương trình hiện hành, nhất là một số chuyên đề học tập mới gắn với định hướng nghề nghiệp, đòi hỏi các yêu cầu mới về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường...
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội chỉ ra rằng, hiện nay việc chia một thời khóa biểu cho khoa học đã phức tạp rồi, huống chi khi thực hiện chương trình mới. “Lâu nay, nội việc tổ chức dạy hướng nghiệp 1 tiết/tháng, hoạt động ngoài giờ lên lớp 2 tiết/tháng các trường đã rối tung rối mù và làm cho có rồi. Không biết trong tương lai làm thế nào mà thực hiện được chương trình mới”, vị này nói.
Bài học từ phân ban
Khởi xướng từ năm 1993, chương trình học ở THPT được chia làm 3 ban: tự nhiên (A), xã hội (C) và kỹ thuật (B). Trong đó ban B khi triển khai đã không thành công. Năm 1998, toàn bộ phương án phân ban của Bộ đã bị xóa khi luật Giáo dục được thông qua. Năm 2003, phân ban mới được khởi động lại, chỉ có 2 ban, dự kiến là tự nhiên (A, 60% HS) và xã hội (C, 40% HS). Khi triển khai, lượng HS theo học ban A chiếm khoảng 90%, trong khi ban C chỉ có 10%.
Trước tình hình này, thay vì đến năm 2003 triển khai đại trà chương trình - sách giáo khoa mới đối với lớp 10 theo hướng phân ban thì Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ cho thêm 2 năm để nghiên cứu. Đầu năm 2005, 2 ban A và C ở lớp 10 được kiến nghị điều chỉnh thành 4 ban theo khối thi ĐH nhưng không thành công. Đến khi triển khai đại trà, phương án 2 ban A và C lại được thiết kế thành 3 ban mới, gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và ban cơ bản (học theo chương trình “chuẩn” và tự chọn nâng cao theo khối thi ĐH). Ban cơ bản này được các chuyên gia đánh giá thực chất là “ban không phân ban”, chỉ mang tính chất “chữa cháy” và chưa được thí điểm. Nó ra đời để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của HS theo khối thi ĐH.
Theo tổng kết của Bộ GD-ĐT, sau 3 năm triển khai thực hiện phân ban đại trà, năm học 2008 - 2009, cả nước có gần 84% HS lớp 10 học ban cơ bản, chỉ hơn 14% HS học ban khoa học tự nhiên, xấp xỉ 2% HS học ban khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, ban cơ bản ngày càng chiếm vị trí áp đảo và cho đến nay là ban duy nhất còn tồn tại trong các trường. Còn ban khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội “biến mất” như chưa từng tồn tại.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay phân ban từ trước tới nay chỉ đáp ứng yêu cầu thi ĐH, CĐ mà không gắn với thị trường lao động. Theo ông Thuyết, kinh nghiệm các nước phát triển là phân ban phải gắn với phân luồng, với thị trường lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.